Một ngày ở lớp học của trẻ tự kỷ
Chúng tôi tới trung tâm Vì tương lai trẻ tự kỷ (Hà Nội) vào lúc 7 giờ sáng, đúng thời điểm phụ huynh bắt đầu đưa con tới học.
Gian nan từ bài học nói
Điều đầu tiên làm cho chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đó chính là trường hợp một cậu bé 3 tuổi tên M. Khi chiếc xe máy của mẹ M chở bé tới thấp thoáng đầu ngõ, một cô giáo trong trung tâm lập tức chạy nháo nhào đi lấy… bô.
Chúng tôi thắc mắc trước hành động vội vã của cô giáo thì được trả lời rằng: “Cậu bé này có phản ứng rất đặc biệt. Ngay khi mẹ cháu đưa đến cửa trung tâm là cháu lập tức tè dầm. M vào đây được hơn 1 năm rồi, mà hành động này cứ lặp lại hàng ngày đều răm rắp. Các cô thành ra sinh phản xạ chạy đi lấy bô mỗi khi bé đến”.
Cô giáo trẻ 23 tuổi này mỉm cười chia sẻ: “Các anh chị sẽ còn phải bất ngờ rất nhiều với những thiên thần bé bỏng có đôi chút khiếm khuyết về tính cách này. Dạy trẻ nhỏ là một công việc không hề đơn giản, nhưng dạy trẻ tự kỷ còn khó khăn gấp bội phần. Mỗi em một tính cách khác lạ. Vì vậy, cách hiệu quả nhất là gần gũi, yêu thương để nắm bắt từng em một”.
Một ngày học của trẻ tại trung tâm thường kéo dài từ 8 giờ sáng cho tới 16 giờ chiều. Chương trình học được chia thành hai dạng: trị liệu ngôn ngữ và trị liệu cảm giác đi kèm các bài tập vận động, xoa bóp. Trong đó, những bài tập ngôn ngữ được đặc biệt chú trọng và chiếm phân nửa khoảng thời gian học tại trung tâm.
Một lớp học viết của các bé ở trung tâm Vì trẻ tự kỷ, sắp được gửi vào học lớp 1 ở các trường tiểu học
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Bích – Giám đốc trung tâm Vì tương lai trẻ tự kỷ cho biết: “Đa phần với trẻ tự kỷ, khả năng ngôn ngữ của các cháu rất kém. Đặc biệt là hiện tượng chậm nói, nói nhại… Các cháu sẽ được học nói từng từ một. Từ những từ đơn giản nhất như ạ, mẹ, bà…
Khoảng thời gian để các cháu có thể phát âm cũng không phải ngày một ngày hai. Có cháu mất hơn 1 năm, 2 năm, thậm chí nhiều năm! Bao nhiêu năm làm nghề, không ít lần tôi bật khóc khi nghe học trò đặc biệt của mình phát âm ra một tiếng ạ”.
“Các chương trình học ngôn ngữ cũng sẽ tập cho các bé trả lời câu hỏi, đặt câu hỏi, định hình những hành vi giao tiếp đơn giản như chào hỏi… Khi đã đạt được tương đối những kỹ năng này, các bé sẽ được rèn các kỹ năng như đọc viết, tư thế ngồi, cách cầm bút, cách nói năng thưa gửi để chuẩn bị vào trường tiểu học”, cô Bích đồng thời cho biết.
Hầu hết các bé khi mới đến trung tâm đều không biết một kỹ năng nào, dù là đơn giản nhất: mặc quần áo, ăn cơm, đi vệ sinh... Khả năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp bằng mắt của các bé cũng rất kém. Có bé còn đi kèm với tăng động, giảm chú ý, giảm tập trung...
Thậm chí có những bé chạy nhảy liên tục rất khó dạy bảo, có bé lại hùng hục... đâm đầu vào tường. Dạy trẻ tự kỷ còn phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của trẻ, vì chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là trẻ đã có thể tự gây tổn hại cho mình mà không biết.
Quả thực, không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy cho trẻ mắc tự kỷ. Phần lớn, các cô giáo phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để dạy, "điều tiết" cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm chính là "kim chỉ nam" cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ.
Trăn trở vì bé "không chịu lớn"
Suốt 11 năm mở trung tâm, tới giờ cô Bích không thể nhớ hết được đã tiếp nhận bao nhiêu bé vào trung tâm. Tuy nhiên, trong đầu người phụ nữ tâm huyết với nghề này lại luôn in hằn những trường hợp trẻ mắc tự kỷ quá nặng, quá trình điều trị và giáo dục trẻ không đạt kết quả như mong đợi buộc trung tâm phải trả các cháu về gia đình.
Cô Bích tâm sự: "Có niềm vui khi các bé tiến bộ tốt rời trung tâm thì cũng có nỗi buồn buộc phải gửi trả lại một vài bé về với gia đình. Trường hợp mắc tự kỷ nặng nhất tôi từng gặp là một cậu bé khi đến trung tâm đã 8 tuổi. Tôi nhận cháu vào học trong tình trạng cháu không hề có nhận biết gì về bản thân, về cuộc sống xung quanh, gọi không nói, hỏi không thưa.
Cậu bé vệ sinh một cách bừa bãi. Tệ hơn nữa là cháu bốc ăn! Nếu như các cô không trông chừng cẩn thận, cháu sẽ bôi cả ra sàn nhà. Đóng bỉm cho cháu thì cháu dứt cả bỉm ra ăn”.
Các cô giáo ở trung tâm đã “chiến đấu” với cậu bé này gần 3 năm ròng. Hai lần cô Bích quyết định trả lại cháu về gia đình, mẹ cháu đều tới trung tâm khóc nức nở. Thương cảm cho cậu bé, cô Bích cố gắng kiên trì.
“Nhiều lúc cảm thấy bất lực hoàn toàn với cậu bé đó mà phải quát lên rằng sao con không chịu lớn! Day dứt lắm nhưng vẫn phải trả cháu về. Dù sao không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng cháu cũng bỏ được tật ăn bẩn, rồi cháu cũng tự biết đi vệ sinh”.
"Rất nhiều phụ huynh của các bé sau khi cho con rời trung tâm đã liên lạc lại với chúng tôi bày tỏ mong muốn cho con trở lại. Bởi sau khi trẻ được đến trường đi học lại không thể dung hòa được với môi trường mới này.
Quả thực, tôi yêu từng đứa trẻ ở đây như con mình vậy! Nhưng cũng như tình yêu của một người mẹ không thể bao bọc con cả đời, tôi buộc phải trả các cháu về với gia đình khi các cháu đã lớn hơn, cần phải có một môi trường học tập, điều trị khác dành cho các cháu".
Cô Bích cho biết trường hợp nhỏ tuổi nhất tới trung tâm Vì trẻ tương lai trẻ tự kỷ là 16 tháng tuổi. Các phụ huynh có con tự kỷ nên lưu ý rằng càng phát hiện trẻ mắc bệnh sớm để can thiệp kịp thời, đúng cách thì trẻ sẽ nhanh chóng tiến bộ hơn.
"Thời điểm vàng" chính là khi trẻ khoảng 2 tuổi. Trong khi đó, lứa tuổi trên 5 đã được coi là muộn của một trẻ tự kỷ khi muốn có sự can thiệp của y học và giáo viên tâm lý.