Một NGÀNH NGHỀ có nhu cầu tuyển dụng dồi dào, mức lương RẤT CAO, càng về sau càng triển vọng: Vài chục năm nữa cũng không lo THẤT NGHIỆP
Mức lương của ngành này chỉ tóm gọn trong ba từ: Đáng mơ ước.
Ngoài sở thích, năng lực, trước ngưỡng cửa đại học, việc lựa chọn ngành học có tiềm năng trong tương lai để bớt lâm vào cảnh cặm cụi 4 năm học rồi phải chật vật tìm kiếm việc làm hay học gì lương cao là điều cần cân nhắc. Bởi có rất nhiều những ngành nghề hiện nay đang rất hot, rất "khát" nhân lực song cũng có nhiều nghề kiếm việc rất vất vả.
Một trong những ngành lương cao, cơ hội dồi dào chính là Kỹ thuật Robot. Thạc sĩ Đỗ Lê Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama, trong buổi chia sẻ Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên với chủ đề Chọn ngành học “hot” trong bối cảnh mới cho rằng, chuỗi cung ứng nhân lực cho các nhà máy bị đứt gãy do dịch bệnh, nên hiện nay nhu cầu của doanh nghiệp lựa chọn các ngành nghề về kỹ thuật rất nhiều. Đặc biệt ngành Tự động hóa và Kỹ thuật Robot, không chỉ là những ngành phát triển trong tương lai mà hiện nay cũng đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), tính đến năm 2030, khoảng 146.000 nghề mới sẽ ra đời, liên quan đến kiến trúc và kỹ thuật vũ trụ, bao gồm các ngành về robot. Người máy xuất hiện ở nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, xây dựng, kinh doanh, thám hiểm đại dương hay vũ trụ.
Kỹ thuật Robot là một ngành đào tạo mang tính liên ngành cao, là sự kết hợp giữa các ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, Kỹ thuật điện, điện tử, trí tuệ nhân tạo… Kỹ sư ngành Kỹ thuật Robot được đào tạo về Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điều khiển, Kỹ thuật điện, điện tử, truyền thông, xây dựng phần mềm, ghép nối phần cứng, và tích hợp phần cứng-phần mềm để thiết kế, chế tạo và vận hành Robot.
Với những nhà máy thông minh, các doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện và nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống, có thể nói robotics là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0. Trong 20 năm tới, tại Việt Nam, tầm quan trọng của robot sẽ ngày càng trở nên lớn hơn đối với sự phát triển của con người.
Cơ hội việc làm rất lớn
Hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn đang có nhu cầu về kỹ sư tự động hóa và robot đóng vai trò chủ đạo. Những vị trí công tác người học ngành Kỹ thuật Robot có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp.
Nhóm 1: Kĩ sư kĩ thuật, thiết kế, quản lý nhóm, dự án: Có năng lực làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, các tổ chức, doanh nghiệp, khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực: Robot, Điều khiển và Tự động hóa, Điện, Điện tử - Truyền thông, Công nghệ thông tin.
Nhóm 2: Chuyên viên phân tích, tư vấn và kinh doanh: Có khả năng làm việc tại các công ty và tổ chức tư vấn, doanh nghiệp, các Bộ và Sở, ban, ngành liên quan; có thể đảm nhận các công việc: Tư vấn sản phẩm công nghệ, thiết kế phát triển các sản phẩm mẫu..., có thể trở thành các chuyên gia phân tích, tư vấn, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức.
Nhóm 3: Nghiên cứu viên và giảng viên: Có khả năng nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu; tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến robot, điều khiển và tự động hóa; trợ lý giảng dạy, giảng viên dạy các học phần thuộc ngành đào tạo; phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới; có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên, nhà quản lý.
Mức lương ngành Kỹ thuật Robot từ cao đến rất cao
Mức lương của việc làm liên quan đến chế tạo, lập trình Robot được đánh giá cao. Thậm chí, nhiều sinh viên học năm thứ 3 các chuyên ngành cơ khí, thiết kế chế tạo máy, cơ điện, tự động hóa cũng được “đặt hàng” tuyển dụng. Tùy theo từng vị trí và kinh nghiệm, khả năng mà mức lương của kỹ sư ngành Robot và AI được trả khác nhau.
Mức lương của kỹ sư nghiên cứu Robot mới ra trường, chưa có kinh nghiệm khoảng trên 10 triệu/ tháng, có kinh nghiệm lên tới 30 - 45 triệu đồng/tháng.
Dù rất cần và thiếu, thị trường chỉ cần những lao động thực sự có kỹ năng tốt, kiến thức am hiểu. Có những người học xong không ai tuyển, nhưng có những người chưa học ra đã được tuyển, được săn đón. Học gì lương cao hay học gì để ra trường có việc, vấn đề còn ở năng lực của người học, lỗi không phải ở cái ngành. Vì vậy, có công việc tốt với mức lương sau khi ra trường ra sao phụ thuộc năng lực, thái độ học tập và những kỹ năng mà mỗi sinh viên tích lũy được.
Theo học ngành Robot, bạn không cần phải giỏi Toán, không cần phải IQ cao. Thay vào đó, cách đơn giản nhất để trở thành một lập trình viên giỏi là không ngừng thực hành, hình thành và nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Học ngành Kỹ thuật Robot ở đâu?
Một số trường đào tạo ngành Kỹ thuật Robot như:
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển ngành Kỹ thuật cơ điện tử - chuyên ngành Kỹ thuật Robot ở hệ đại học chính quy chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh với điểm chuẩn năm 2021 26,75 điểm.
Trường Đại Học Công Nghệ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội xét tuyển ngành Kỹ thuật Robot với điểm chuẩn năm 2021 là 27,65 điểm.
Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM xét tuyển ngành Robot & trí tuệ nhân tạo với điểm trúng tuyển năm 2021 là từ 26.5 điểm đến 27 điểm tùy tổ hợp.
Trường Đại học Công Nghệ TP.HCM (HUTECH) xét tuyển ngành Robot & trí tuệ nhân tạo với điểm trúng tuyển năm 2021 là 21 điểm.