Một nam ca sĩ nổi tiếng: "Tôi bị cạch show 3 tháng vì phá đồ"
"Tôi bị cạch show, không được mời hát khoảng 3 tháng vì phá đồ của đoàn" – Nguyên Vũ chia sẻ.
Mới đây, chương trình Kính đa chiều đã lên sóng, với khách mời là ca sĩ Nguyên Vũ, một tên tuổi từng khá nổi tiếng giai đoạn cuối 1990 - đầu 2000.
Tại chương trình tuần này, Nguyên Vũ tâm sự về sự nghiệp của mình. Anh nói: "Tôi bắt đầu tham gia vào những đoàn hát sân khấu lưu động từ năm 1995 - 1996. Khi đó cả đoàn gồm ca sĩ, nhạc công, người phụ trách âm thanh, ánh sáng đều đi cùng một chiếc xe khách 45 chỗ và di chuyển từ khoảng 3 - 4 giờ sáng.
Trên xe, mỗi người mang theo bánh mì, xôi hoặc những món ăn đơn giản để chống đói vì mất rất nhiều thời gian để di chuyển từ TP.HCM đến địa điểm biểu diễn.
Nếu hiện tại đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ khoảng vài giờ đồng hồ thì khi xưa có thể kéo dài đến nửa ngày vì đường xá chưa phát triển, thậm chí còn chưa xây cầu và phải đi phà nên tốn rất nhiều thời gian.
Sau khi đến nơi, các bộ phận âm thanh, ánh sáng bày ra dàn dựng. Tôi hay bảo những buổi biểu diễn này là "hát chuồng gà" vì sân khấu thường được rào lại bằng lưới B40. Phòng vé thì được đặt ở ngoài để bán vé, trong khi các nghệ sĩ thì chuẩn bị phía trong hậu trường.
Thời điểm bấy giờ không có khách sạn hiện đại, ngoại trừ những thành phố lớn như Cần Thơ, còn những vùng ven hoàn toàn không có khách sạn.
Do đó, ở những nơi xa xôi không có nhà nghỉ hay khách sạn, nghệ sĩ chúng tôi thường xin ở nhờ nhà dân hoặc các ngôi chùa, đình, miếu để dùng nước, ánh sáng và trang điểm. Đôi khi chúng tôi còn tận dụng ngay cánh gà sân khấu để chuẩn bị trang phục.
Lúc đó, một là đến nhà dân xin một thau nước để rửa mặt, xin ngọn đèn để trang điểm hoặc vào chùa, đình miếu để xin đèn, nước, không thì cứ chuẩn bị sau lưng sân khấu hay ngay cả cánh gà, tranh thủ lúc khán giả chưa vô. Mọi việc diễn ra rất thô sơ, tạm bợ.
Nhưng vì thế, tình cảm của mọi người gắn bó với nhau rất nhiều, như một đại gia đình, bởi từ ca sĩ ngôi sao, ca sĩ trẻ hay ban nhạc công đều đi chung một xe.
Sân khấu lưu động thường biểu diễn vào cuối tuần và lưu lại mỗi nơi khoảng hai ngày. Khi ấy, khán giả sân khấu lưu động rất đông vì đây là cơ hội để mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ. Bởi thời điểm đó, công nghệ chưa phát triển, khán giả ở vùng quê chỉ có thể nghe nhạc, giao lưu với nghệ sĩ qua thư tay, radio, tivi trắng đen. Thậm chí, nhiều nhà còn chưa có tivi nên sân khấu lưu động là dịp để khán giả gặp gỡ các nghệ sĩ thần tượng.
Thời gian này, tên tuổi tôi dẫu không nổi tiếng rầm rộ nhưng được nhiều người biết đến khi xuất hiện trên truyền hình và báo chí.
Tôi thường gửi thư hồi âm cho người hâm mộ kèm theo một tấm hình có chữ ký như một cách thể hiện tình cảm và lời cảm ơn. Những tấm hình này được khán giả vùng quê trân quý, giữ gìn bằng cách dán lên tường.
Trong thời kỳ hoàng kim của sân khấu lưu động, có rất nhiều đoàn hát nổi tiếng như đoàn Sao Đêm, đoàn Duy Ngọc, đoàn Minh Dũng và các đoàn tỉnh khác nhau.
Dẫu thời điểm ấy sân khấu không hoành tráng hiện đại như bây giờ, micro phải cắm dây và có thể hư đến 2 – 3 lần nhưng đối với tôi, đây chính là giai đoạn vô cùng huy hoàng.
Một kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian biểu diễn sân khấu lưu động của tôi là lần đó nhảy quá sung làm dây micro quấn vào đèn chiếu sáng duy nhất trên sân khấu. Do đang sung sức biểu diễn nên tôi giật mạnh ra khiến thiết bị bị hỏng. Hậu quả, tôi bị cạch show, không được mời hát khoảng 3 tháng vì phá đồ của đoàn".