Một mình... đi đẻ!

,
Chia sẻ

Nghĩ đến cảnh một mình đi làm, khám thai, thậm chí một mình đi đẻ chị Hồng không khỏi tủi thân...

Lấy nhau được năm tháng, khi vợ chồng vừa kịp “quen hơi” thì cũng là lúc chồng chị Hồng phải sang Nga. Dù rất buồn, nhưng anh chị đã thống nhất để anh đi xa “làm ăn”, tất cả “vì tương lai con em chúng ta”.

Vừa qua giai đoạn thai nghén, được chồng đưa đón, chăm sóc chu đáo, nay nghĩ đến cảnh một mình đi làm, khám thai, sinh con… chị Hồng không khỏi tủi thân. Hơn nữa, nhà bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng lại ở xa, giờ chỉ có mỗi cậu em chồng đang học đại học ở Hà Nội là người thân thiết nhất.

Anh Hoàng, chồng chị Hồng rất lo cho vợ, anh đắn đo muốn ở nhà với chị cho đến khi mẹ tròn con vuông. Dù ngổn ngang trăm mối tơ lòng, nhưng chị Hồng vẫn cố an ủi, động viên chồng, nói cứng là ở nhà chị sẽ tự lo liệu được.

Tiễn chồng ra sân bay, chị Hồng nước mắt lưng tròng. Suốt mấy tuần liền, lúc nào chị cũng trong tình trạng nước mắt ngắn dài. Bất cứ khi nào cũng có thể bật khóc nếu ai đó hỏi thăm. Sau này, nghĩ đến em bé, mẹ buồn là con sẽ buồn theo, chị Hồng vui vẻ hơn. Thời gian cũng trôi qua thật nhanh, vèo cái đã sắp đến ngày sinh.

“Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”

Vì là con đầu, chưa có kinh nghiệm nên chị Hồng phải học hỏi từ đồng nghiệp, bạn bè. Chị lọ mọ lên mạng tìm kiếm thông tin và đăng ký các lớp học tiền sản. Chị Hồng cũng không quên đăng ký ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương một bác sỹ chuyên theo dõi sức khỏe cho mình.

“Em bé ra đời muộn gần một tuần so với dự kiến”, chị Hồng chia sẻ. Ngày nào chị cũng đi xe ôm hơn chục kilômét lên bệnh viện khám. Sáng hôm đó, thấy con không giống bình thường, đạp ít, chị Hồng lo cuống lên, về nhà vơ vội đống quần áo, tã lót và nhờ cậu em chồng đưa ngay đi viện. Không may cậu em nói: “Chị đợi em đi thi về đã nhé. Hôm nay em thi môn cuối cùng?!”. Lúc này không biết khóc hay cười nữa, chị đành một mình ra đầu ngõ gọi bác xe ôm: “Bác đưa cháu đi đẻ với”. Đến bệnh viện, bác sỹ cho biết, nước ối bị cạn một nửa, phải mổ ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng em bé. Chị Hồng khóc nức nở cho đến khi lên bàn mổ.

Các bác sỹ nhìn chị ái ngại hỏi “Người nhà chị đâu?” khiến chị càng tủi thân hơn. Trước khi sinh, chị không quên gọi điện về quê cho ông bà nội, ngoại.

Phải đến hai ngày sau khi chị sinh, mẹ chồng chị mới sắp xếp ra với con, cháu được. Nhưng vì sống ở quê, chưa quen đường sá và cách mua bán ở thành phố nên mọi việc chị Hồng lại phải lo liệu.

Mãi đến khi con bé được tuổi rưỡi, chồng chị Hồng mới về nước. Một mình vượt cạn, một mình nuôi con thơ, mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau đều… một mình. Khỏi nói anh Hoàng khâm phục vợ đến thế nào. Đi đâu anh cũng tự hào với mọi người: “Vợ tôi tuyệt đấy chứ?”.

Vừa lo vượt cạn, vừa lo đứa lớn ở nhà

Chị Hiên (32 tuổi) ở Cầu Giấy, Hà Nội sẽ không bao giờ quên được thời gian mình sinh bé thứ hai. “Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn hãi. Nhiều khi không muốn nhắc lại, thấy sao mình khổ thế”, chị Hiên bày tỏ.

Chồng chị Hiên công tác tại một công ty liên doanh, việc đi nước ngoài đã trở thành cơm bữa. Chị quá quen với việc chồng thường xuyên vắng nhà nên phải đợi cho đến khi thằng lớn được 6 tuổi mới nghĩ đến việc sinh đứa nữa. Dù mẹ chồng đã lên trước ngày sinh gần một tuần, anh chị chủ động chuẩn bị mọi thứ, nhưng đùng một cái, chồng chị lại phải đi công tác. Ba mẹ con bà cháu ở nhà với nhau, vừa thấp thỏm lo âu, vừa cầu trời khấn phật cho mọi chuyện yên lành.

“Cái đêm mình chuyển dạ, thằng nhỏ ở nhà bỗng lên cơn sốt. Gửi con cho bác hàng xóm thân thiết bên cạnh, mình cũng không yên tâm, đành bảo mẹ chồng quay về chăm sóc nó. Biết là gọi cho chồng cũng không giải quyết được vấn đề gì, nhưng mình vẫn ức phát khóc. Người ta khi sinh thì có chồng bên cạnh, chồng mình thì ở tận đẩu tận đâu. Nhỡ ra thằng lớn ở nhà có chuyện gì, đúng là chả biết làm thế nào, chả biết gọi ai… trong khi họ hàng thân thích không có, bố mẹ đẻ thì ở xa”.

Đến khi chồng chị Hiên về thì trời đã yên, bể đã lặng. Rất may là không có việc gì đáng tiếc xảy ra. Song, anh cũng rất áy náy đã không ở bên vợ con trong lúc cần thiết nhất. Bù lại, anh ra sức chăm nom, chiều chuộng cả ba mẹ con. “Thế mình mới bớt giận đấy”, chị Hiên cười xòa.

Nghị lực, tình yêu giúp chị em vượt qua tất cả

“Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Vẫn biết với chị em phụ nữ, vượt cạn là hành trình gian nan, vất vả nhất, nhưng họ sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi biết rằng, chỉ ngay phía ngoài bức tường của phòng sinh kia thôi, người chồng thân yêu cũng đang sốt ruột, hồi hộp và lo lắng chờ đón đứa con bé bỏng. Liệu pháp tinh thần đó cũng sẽ giúp chị em trải qua “cuộc chiến” một cách thuận lợi và an tâm hơn, so với những người một mình đi… đẻ.

Cùng với guồng quay của cuộc sống hiện đại, những công việc đột xuất không thể từ chối thì việc các bà vợ có chồng mà vẫn phải vượt cạn một mình không còn hiếm gặp. Đó cũng là chuyện chẳng đặng đừng, bởi hầu hết những người đàn ông chuẩn bị làm bố đều rất yêu vợ, mong muốn được ở bên vợ trong khoảnh khắc "vượt cạn". Bản thân họ cũng cảm thấy có lỗi khi không được ở bên vợ lúc khó khăn nhất và cũng thấy thiệt thòi khi mình không phải là người đầu tiên được nhìn và ôm ấp con.

Bằng tình yêu, sự hy sinh và bản năng làm mẹ, nhiều chị em đã làm được những điều phi thường khiến các ông chồng không chỉ thêm yêu mà còn thêm cảm phục. 

 Theo Gia đình và Trẻ em

Chia sẻ