Một kiểu bắt cóc mới cực tinh vi đang âm thầm phổ biến: Hai đứa trẻ 6 tuổi biến mất, phụ huynh ngơ ngác không hiểu tại sao
Thủ đoạn của những kẻ buôn người cũng đang âm thầm leo thang khiến các bậc cha mẹ khó có thể đề phòng hết.
Khi một đứa trẻ bị bắt cóc, cha mẹ mỗi ngày phải sống trong sự hối tiếc và đau đớn vô tận. Dù các bậc phụ huynh ngày nay rất chú trọng việc cập nhật thông tin và có ý thức cảnh giác hơn nhưng thủ đoạn của những kẻ buôn người cũng âm thầm thay đổi liên tục.
Trong mắt mọi người, những kẻ bắt cóc ít nhất phải là người lớn. Thực tế không phải vậy, trẻ em cũng có thể trở thành kẻ tiếp tay! Vụ việc được chia sẻ ở Trung Quốc mới đây khiến các phụ huynh phải cảnh giác về một thủ đoạn bắt cóc mới rất khó ngờ.
Thủ đoạn mới: Trở thành người quen mặt
Được biết, cô Dương là nhân viên thu mua và có thời gian tương đối rảnh rỗi. Cô thường đưa con trai Pengpeng đi chơi ở khu cộng đồng vào cuối tuần. Một lần, cô đưa con đi chơi bóng đá. Đột nhiên, có người phụ nữ dẫn theo một đứa trẻ hơn 6 tuổi chạy tới chơi bóng với Pengpeng. Trong lúc trông con, người này cũng ngồi xuống nói chuyện với một phụ huynh tên Viên Viên ở cùng tòa nhà với chị Dương.
Thấy chị Dương ngồi một mình, người này cũng với sang bắt chuyện. Ba người thảo luận từ chuyện con cái ăn uống đến học hành. Chị Dương qua đó được biết người phụ nữ này là một bà mẹ toàn thời gian và sống ở căn nhà số 402, tòa nhà 6, cạnh bên. Người này rất nhiệt tình và vui vẻ, vậy nên trò chuyện với nhau rất lâu cho đến tận giờ ăn tối mới đưa con về nhà.
Sau bữa tối, bố Pengpeng hỏi con ban ngày chơi có vui không. Pengpeng nói: "Con và Tiểu Minh chơi rất vui vẻ". Người bố bối rối, quay sang hỏi vợ: "Tiểu Minh là ai vậy em?". Cô Dương trả lời: "Người bạn mới mà Pengpeng quen ban ngày và chơi bóng đá cùng là người ở tòa nhà 6 cạnh nhà chúng ta".
Ngày hôm sau, sau bữa tối, Pengpeng đòi xuống chơi bóng đá, cô Dương đưa con trai xuống, tình cờ gặp Viên Viên cùng người phụ nữ hôm trước ở đó. Họ ngồi trên ghế nói chuyện rồi ba đứa chạy đi. Cô Dương có chút lo lắng, dặn con trai: "Pengpeng, đừng chạy quá xa!". Người phụ nữ kia trấn an: "Con trai đôi khi nên được tự do để trau dồi sự nam tính của mình!".
Hai người trò chuyện một lúc thì cô Dương phát hiện hai đứa trẻ đã mất tích, cô hét lên rất lâu nhưng không nhận được phản hồi nào, liền vội vàng đi tìm chị Viên Viên. Khi quay lại nơi cũ thì phát hiện chị Viên Viên cũng bất lực ngồi dưới đất gọi điện cho chồng mình: "Chồng ơi, con trai mất tích rồi". Nhìn đi nhìn lại, chỉ có hai mẹ con Tiểu Minh là mất tăm mất tích.
Ngay sau đó, bố Pengpeng cùng cảnh sát lao tới, rồi đi đến số 402, tòa nhà 6 để gõ cửa. Kết quả, một bà lão ra mở cửa. Khi được hỏi có bà mẹ trẻ và cậu bé 6 tuổi ở nhà không, bà lão lắc đầu nói: "Không, chỉ có tôi và chồng tôi đã sống ở đây gần 30 năm. Con trai và con dâu của tôi đều làm việc ở ngoài thị trấn".
Lúc này, hai vợ chồng mới nhận ra người phụ nữ và cậu bé 6 tuổi đều là kẻ buôn người. Người phụ nữ có trách nhiệm đánh lạc hướng sự chú ý của cô Dương và Viên Viên bằng cách trò chuyện và khiến cô trông quen mặt, còn cậu bé chịu trách nhiệm bắt cóc đứa trẻ, qua đó hoàn thành mục tiêu được tính toán trước.
Sau khi mất đi con trai, cô Dương đau khổ, rơi vào cảnh tự trách móc nặng nề. May mắn thay, cảnh sát đã theo dõi chiếc xe từ camera giám sát và cuối cùng đã phát hiện ra chiếc xe buôn bán Pengpeng trên đường cao tốc. Họ đã nhờ đồng nghiệp ở đó chặn lại tại trạm thu phí và giải cứu đứa trẻ.
Ý thức tự bảo vệ bản thân của trẻ rất quan trọng và thực sự có thể cứu được mạng sống vào những thời điểm quan trọng
Việc mất đi một đứa con chắc chắn là nỗi đau không thể nguôi ngoai của mỗi gia đình. Đằng sau tổ chức buôn người khổng lồ là những gia đình tan vỡ. Mặc dù số lượng trẻ em bị bắt cóc đang giảm dần nhưng cha mẹ không nên mất cảnh giác.
Với thủ đoạn mới, trẻ em có thể bị bắt đi ngay dưới sự giám sát của cha mẹ. Để đề phòng, cha mẹ cần ngăn ngừa trước và bồi dưỡng ý thức tự bảo vệ cho trẻ trong thời gian bình thường .
Trước đây ở Trung Quốc, có một kẻ buôn người tên Trần Liên Hương, đã bắt cóc 46 đứa trẻ trong hai năm. Sau khi bị bắt, được hỏi đã dùng phương pháp nào để bắt cóc trẻ em, Trần Liên Hương thẳng thắn khai nhận: "Chọn trẻ cũng có kỹ năng, gặp phải đứa dễ dụ dỗ sẽ nói dối để chúng đi theo. Tuy nhiên, có một kiểu trẻ mà chúng tôi không muốn làm vì tốn thời gian và công sức mà rất ít cơ hội thành công. Đó là những đứa trẻ có ý thức tự bảo vệ bản thân mạnh mẽ".
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con mình còn quá nhỏ và sẽ không hiểu ngay cả khi được dạy những điều này. Thực tế không phải vậy, trẻ càng biết cách tự bảo vệ mình trước những tổn hại thì càng tốt.
Thủ đoạn chính của bọn bắt cóc trẻ em là lợi dụng tính ngây thơ và thích được cho quà, tặng quà của trẻ em. Đối tượng bắt cóc trẻ em có thể là người lạ, cũng có thể là người thân, người quen. Bọn bắt cóc có thể tiếp cận khi trẻ đang chơi tại siêu thị, khu vui chơi, công viên, trường học....
Cha mẹ cần dạy trẻ những kiến thức như vậy và thường xuyên nhắc trẻ cảnh giác về việc có thể trở thành đối tượng cho bọn bắt cóc khi không có người thân bên cạnh, nhất là nơi công cộng.
Dạy con: Không bắt chuyện với người lạ. Không được nhận quà từ người lạ, người khác nếu không có sự cho phép của người lớn. Không tự ý đi theo người khác khi không có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Khi ở nhà, trẻ không tự ý cho người lạ hoặc người khác vào nhà nếu không có ý kiến của người lớn trong gia đình. Không tự ý nói chuyện, kết nối với người lạ qua mạng. Trẻ cần báo ngay với cha mẹ hoặc người giám hộ về việc người lạ chủ động kết nối với trẻ qua mạng. Ghi nhớ tên, số điện thoại của cha, mẹ hoặc người giám hộ.