Mộng du và những nguy cơ

,
Chia sẻ

Trong y học, mộng du chỉ được coi là một hiện tượng bệnh lý, có thể khiến con người rơi vào nhiều trạng thái nguy hiểm.

Nhiều tình huống hãi hùng

Theo từ điển Hán Việt, mộng du có nghĩa là du hành, người bệnh đi thật, đi trong giấc ngủ, nhưng không bao giờ biết mình bị mộng du. Mộng du bắt gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng trẻ em mắc bệnh mộng du nhiều nhất, chiếm tới 40%. Ngay cả đứa trẻ mới biết đi cũng có thể bị mộng du, trẻ thường dậy tìm đồ chơi hàng ngày của mình, đi về phía có ánh sáng như cửa sổ, leo trèo lên cửa, mở cửa phòng đi ra ngoài và có thể đi về phòng ngủ của bố mẹ.

Người bị mộng du mắt vẫn mở bình thường, và đi ít vấp váp. Có những trường hợp người bệnh có hành động rất kỳ quặc như dậy đi tiểu ngay trong phòng, vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo rồi tắm, khuân vác đồ đạc di chuyển đi nơi khác, có người còn mở cửa xe ôtô, lái xe đi một quãng đường dài mà vẫn thực sự đang ngủ.

Có một số hành vi tình dục xuất hiện trong khi bị mộng du. Người mắc bệnh mộng du thường khó đánh thức họ khi đang trong tình trạng như vậy, họ có thể tấn công người đánh thức mình. Đối với người lớn thì hay có hành vi bạo lực, đặc biệt là đàn ông.

Người bị mộng du có thể gặp nguy hiểm, do họ không kiểm soát được hành động của mình, bị tai nạn hoặc vô tình có những hành động tội ác. Khi người bị mộng du đi, có thể vô ý bị trượt chân ngã xuống vực, xuống sông, hồ…Trên thực tế đã có trường hợp bị mộng du chết khi ngủ trên xe khách. Đó là trường hợp của La Văn K, quê ở Thanh Hoá, sinh viên trường Cao đẳng TPHCM.

K cùng bạn đi xe khách từ Thanh Hoá vào TP. HCM, trở lại trường học sau đợt nghỉ Tết. Xe chạy qua đêm, do đó nhiều hành khách đã ngủ trên xe, trong đó có K. Trong khi ngủ K bị mộng du và dậy mở cửa xe đi ra ngoài, K rơi xuống đường và chết tại chỗ. Gia đình K cho biết, anh vốn bị mộng du, thỉnh thoảng ban đêm thường đột ngột dậy đi lang thang.

Bệnh có thể chữa khỏi

Người ta không xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh mộng du. Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bị mộng du có thể trở lại giường và ngủ tiếp. Mộng du thường xuất hiện sau giấc ngủ vài giờ, vào giai đoạn giấc ngủ sâu (NREM) và kéo dài từ vài giây đến hàng tiếng đồng hồ. Hiện tượng này có thể xảy ra hằng đêm nhưng cũng có thể không thường xuyên.

Bác sĩ Cao Văn Tuân, Khoa tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Trung ương, đang là nghiên cứu sinh tại Pháp, chuyên nghiên cứu về các bệnh rối loạn tâm thần, hiện tượng bệnh lý mộng du, giải mã giấc mơ. Bác sĩ cho biết: “Trong y học, người ta coi đây là một loại bệnh lý, bị rối loạn tâm lý.

Những người bị mộng du thường trong tình trạng lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, thiếu magiê, lạm dụng thuốc an thần, thuốc kháng histamin… Một vài yếu tố khác được các chuyên gia thần kinh chú ý, đó là ngủ trong tình trạng bàng quang đầy nước tiểu, bị stress, ngủ ở môi trường lạ, ồn ào, cũng có thể dẫn tới mộng du. Người lớn ở trong tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn thần kinh, phản ứng thuốc, người nghiện rượu…”.

Bác sĩ Tuân cho biết thêm: “Hiện tại trên thế giới người ta cho rằng, mộng du là một dạng động kinh đặc biệt. Ở Pháp người ta điều trị bằng cách gắn chíp lên đầu để theo dõi và ghi lại các hoạt động của người bệnh. Vì người bị mộng du có thể bị bất cứ lúc nào, không ai biết trước được. Sau đó, dựa vào các kết quả ghi được, người ta sẽ biết được các hoạt động của vỏ não, vỏ não phản ánh những hành vi đó như thế nào, rồi tiến hành điều trị và đã đem lại hiệu quả cao”.

Ở Việt Nam, hầu hết các trường hợp bị mộng du tới bệnh viện đều được chữa trị khỏi. Có rất nhiều phương pháp điều trị, tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân sẽ đưa ra cách điều trị cho phù hợp và đem lại kết quả”, ông La Đức Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương nói.

Theo Vũ Hà
ANTĐ
Chia sẻ