Món thạch ngăn ngừa lão hóa, giúp trẻ lâu chị em nhất định phải thử trong hè này
Món thạch làm từ loại quả này không chỉ giúp thải độc tốt mà còn giúp chị em "chống già".
Mặc dù mướp đắng có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và chúng cũng được chế biến thành nhiều món ngon như mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng dồn chuối, mướp đắng xào trứng,... Tuy nhiên nhiều người vẫn e ngại bởi vị đắng của chúng. Hãy thử công thức làm thạch mướp đắng, món ăn này không chỉ giúp bạn thải độc tố trong cơ thể mà còn giúp da dẻ trắng mịn, hồng hào.
Hướng dẫn làm thạch mướp đắng thải độc da ngày hè
Nguyên liệu cần thiết làm món thạch mướp đắng
- 2 quả mướp đắng, 100g sữa tươi, 30g đường (tăng lên nếu bạn thích ngọt nhiều), 1 gói bột thạch agar hoặc gelatin vài lá, 1 thìa muối.
Cách thực hiện thạch mướp đắng
Bước 1: Mướp đắng cắt đôi, nạo bỏ hạt và phần lõi giữa, rửa sạch và cắt miếng nhỏ. Cho mướp đắng vào bát, thêm 1 thìa cà phê muối cùng 1 bát nước lọc vào ngâm 15 phút để chúng bớt đắng.
Sau khi ngâm mướp đắng, vớt ra để ráo nước. Tiếp đó cho vào máy xay sinh tố, cho thêm 100ml sữa và 500ml nước, xay nhuyễn chúng. Dùng rây lọc mịn.
Bước 2: Cho phần nước đã lọc này vào chảo, để lửa vừa và khuấy đều tay. Khi sôi cho thêm 30g đường và 1 gói bột thạch agar hoặc gelatin vào. Nếu dùng gelatin bạn cần ngâm nước trước sau đó mới cho vào.
Khi nước thạch tan hết tắt bếp. Rót thạch vào khay, để nguội sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh vài giờ cho thạch mát. Khi ăn cắt miếng nhỏ cho vào bát. Có thể thêm hoa quả khô thái nhỏ rắc lên trên làm topping cho đẹp mắt.
Chúc bạn thực hiện món thạch mướp đắng thành công!
Ăn mướp đắng có lợi gì cho sức khỏe?
Theo Healthline, mướp đắng chứa nhiều vitamin A, vitamin C cùng các chất dinh dưỡng khác. Mướp đắng đặc biệt giàu vitamin C - chất quan trọng tham gia bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, hỗ trợ tạo xương và chữa lành vết thương.
Mướp đắng cũng chứa nhiều vitamin A - loại vitamin tan trong chất béo giúp tăng cường sức khỏe làn da đồng thời bảo vệ thị lực tốt. Ngoài ra, mướp đắng cũng là một nguồn cung cấp catechin, axit gallic, epicatechin và axit chlorogenic dồi dào. Các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ này có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
Mướp đắng giàu chất xơ nhưng ít calo - thực phẩm hoàn hảo cho người đang theo đuổi chế độ ăn kiêng hoặc giảm cân giữ dáng.
Cũng theo Healthline, mướp đắng được cho là có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Bởi chúng thúc đẩy quá trình tiết insulin - loại hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng đường trong máu.
Còn trang WebMD cho biết, mướp đắng là nguồn giàu chất chống oxy hóa, flavonoid và các hợp chất polyphenol khác. Chúng có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn việc chứa nhiều polyphenol sẽ giúp cơ thể được chữa lành, chúng có khả năng giảm viêm trong cơ thể. Bổ sung mướp đắng nhiều, tác dụng chống viêm càng lớn.
Cũng theo đó, mướp đắng chứa hợp chất hoạt tính sinh học được gọi là saponin và terpenoid. Các hợp chất này tạo nên vị đắng cho quả nhưng chúng cũng giúp làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Hai hợp chất trên có thể giúp di chuyển glucose từ máu đến các tế bào đồng thời giúp gan, cơ của bạn xử lý và lưu trữ glucose tốt hơn.
Cùng với chuyển hóa glucose, mướp đắng còn có tác dụng chuyển hóa lipid. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng có thể làm giảm sự tích tụ chất béo, do đó ăn mướp đắng có tác dụng chống béo phì.
Lượng vitamin C trong 1 quả mướp đắng có thể cung cấp khoảng 43% lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày của bạn. Quả mướp đắng càng non thì chứa càng nhiều vitamin C. Cho nên nếu chế biến các món như mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng dồn chuối hoặc mướp đắng xào trứng, bạn nên chọn mướp đắng bánh tẻ, quả đã nở đều mắt, không bị quá đắng. Còn với món thạch mướp đắng bạn có thể dùng mướp đắng non hoặc loại mướp đắng rừng sẽ cho vị đắng đậm đà hơn.
Nhìn chung, mướp đắng có thể kiểm soát bệnh tiểu đường, hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa táo bón, tăng cường sức khỏe của gan và điều trị các bệnh về da. Mướp đắng an toàn cho tất cả mọi người ngoại trừ phụ nữ mang thai và cho con bú.