Món quà quý giá mà tôi tặng cho con gái khi lấy chồng
Con gái tôi hờn trách mẹ vì sao nhà có điều kiện nhưng tôi chỉ hồi môn cho con 1 cây vàng. Tôi gắt con “đẻ con gái rồi gả đi thì có gì quý báu mà cho nhiều tiền nào”. Tôi làm thế là có lý lẽ riêng của tôi.
Chỉ những ai đã làm cha mẹ rồi mới biết, con cái có thể bất hiếu nhưng cha mẹ không bao giờ hết yêu thương con. Dù con vài tháng tuổi hay vài chục tuổi, độc thân hay lập gia đình, tình yêu cha mẹ dành cho con vẫn luôn như thế.
Tôi có một cô con gái, gả nó mà tôi thấy xót xa như cắt một khúc ruột cho đi. Gần 30 năm ở nhà với bố mẹ, nhõng nhẽo, lười nhác, ở bẩn thế nào bố mẹ vẫn chịu được nhưng nhà chồng có hiểu cho không? Rồi tính tình ương bướng có hòa hợp được với mọi người? Khi ở nhà tôi lo cho nó từng miếng ăn, cốc nước. Thấy con ăn được ngủ được mà sảng khoái cả người vì vui con khỏe mạnh. Giờ đi lấy chồng có ai lo lắng cho nó như thế không?
Con gái tôi đi lấy chồng không biết có nhớ mẹ ở nhà không nhưng tôi thì nhớ đến con mỗi phút. Nhớ và lo lắng rất nhiều. Tôi muốn trở thành một bà mẹ xù lông nhím sẵn sàng đến nhà thông gia đập bàn kéo con về nếu nhà chồng không làm con hạnh phúc.
Nhưng rồi lại nghĩ, nếu làm thế thì biết đến bao giờ con gái mới trưởng thành? Và quan trọng hơn, tôi có thể bảo vệ con đến suốt đời được không? Một mai kia tôi chết đi, liệu tôi có nhắm mắt được khi con đã 40, 50 tuổi nhưng vẫn yếu đuối và ngơ ngác giữa đời? Thế nên mặc dù đau và khó khăn lắm nhưng tôi vẫn giả vờ là một bà mẹ cứng cỏi và khô khan.
Con gái tôi hờn trách mẹ vì sao nhà có điều kiện nhưng tôi chỉ hồi môn cho con 1 cây vàng. Tôi gắt con “đẻ con gái rồi gả đi thì có gì quý báu mà cho nhiều tiền nào”. Tôi làm thế là có lý lẽ riêng của tôi. Tôi dư sức cho con vài cây hay cả chục cây vàng làm hồi môn nhưng khi về đến nhà chồng sẽ rất dễ bị xem là “của chung”.
Tôi dốc hết cho con gái trước mặt nhà chồng nó thì được cái nở mặt nở mày. Nhưng nhỡ sau này hôn nhân con trục trặc, tôi đâu còn khoản tiền riêng nào để cho con nữa. Vả lại, nếu tạo ấn tượng nhà vợ giàu có trong mắt thông gia thì con rể và chính con gái của tôi sẽ ỷ lại mà lười nhác lao động. Đó là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Tôi dạy con rất nghiêm khắc. Khi mới về nhà chồng, hầu như ngày nào con gái cũng gọi điện than phiền kể xấu bố mẹ chồng và cả chồng nó. Tôi không bao giờ hùa theo nói xấu họ, tôi cũng không khuyên con cố chịu đựng. Tôi khuyên con “hãy thích nghi và thay đổi”.
Tôi còn mắng “mẹ không chứa chấp con đâu, thế nên đừng nghĩ đến chuyện trở về nhà với mẹ mà hãy sống tốt ở nhà chồng, đó là lựa chọn duy nhất”. Con gái giận vì tôi đã không về phe với nó. Ngày nào tâm trạng con không tốt là đêm đó tôi không thể ngủ. Tôi tự vạch trong đầu mình muôn ngàn cách mà nhà chồng đối xử tệ với con mình, nghĩ đến đâu nhói đến đó nhưng khi nói chuyện với con, tôi phải luôn tỏ ra cứng cỏi.
Có một lần con tôi khóc bù lu xách vali về nhà. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng cảm giác đầu tiên là xót xa. Chuyện gì phải khiến con tôi khóc đến mức phải bỏ đi thế này? Bản năng mẫu tử khiến tôi muốn chạy đến ôm con và vỗ về. Nhưng tôi đã không làm thế.
Tôi bình tĩnh hỏi ngọn ngành rồi sau đó đứng về phía nhà chồng để mắng con. Tôi phân tích và khuyên nhủ để con hiểu con làm thế này là sai. Tôi bắt con phải trở lại nhà chồng xin lỗi ngay lập tức. Con gái muốn tôi đi cùng nó để tôi đứng ra nói giúp. Tôi gạt đi ngay “nhục thế sao mẹ chịu được”. Thật sự thì không phải thế, đối với tôi, không có nỗi nhục nào lớn hơn tình yêu đối với con. Nhưng tôi muốn con biết tự chịu trách nhiệm và tự giải quyết sai lầm của mình.
Tôi không dám tự hào là mình nuôi dạy con tốt, tôi chỉ tự hào vì con tôi thật sự đã trưởng thành (Ảnh minh hoạ)
Nói thế nhưng khi con vừa chạy xe đi thì tôi cũng âm thầm bắt taxi đi theo sau. Tôi theo con đến tận nhà chồng của con và đứng nấp ở ngoài nghe ngóng xem họ sẽ làm gì con mình. Tôi sẵn sàng lao vào bảo vệ con nếu cần thiết. Nhưng may là bố mẹ chồng của con gái tôi là người biết điều nên cuối cùng mọi chuyện cũng tốt đẹp.
Con gái tôi hay trách “mẹ chẳng thương con gì cả”. Và lúc nào tôi cũng giả vờ hỏi lại “sao con biết hay thế?”.
Có một điều mà tôi muốn con hiểu, tình yêu tôi dành cho con không phải là bênh vực con bất chấp đúng sai mà là luôn luôn bên con, dõi theo con từng bước và âm thầm bảo vệ con. Tình yêu đó vừa đủ để con cảm nhận được yêu thương nhưng cũng phải vừa đủ để con không trở nên dựa dẫm thiếu tự lập.
Tôi không dám tự hào là mình nuôi dạy con tốt, tôi chỉ tự hào vì con tôi thật sự đã trưởng thành. Đó chính là món quà quý giá mà tôi tặng cho con gái khi lấy chồng.