Món phở Thìn Lò Đúc rốt cuộc có những điểm mạnh kinh doanh gì mà ai cũng muốn bỏ tiền để được mở bán?
Hiện tại phở Thìn Lò Đúc có rất nhiều cơ sở trong cả nước dưới hình thức nhượng quyền.
Ở Hà Nội, không ai mà không biết phở Thìn Lò Đúc. Tiệm phở lâu đời từ năm 1979 này đến nay đã là thương hiệu ẩm thực vang danh khắp cả nước lẫn nước ngoài.
Trong nước, ngoài cơ sở ở số 13 Lò Đúc, phở Thìn còn mở thêm tiệm tại số 19B Hoàng Ngọc Phách. Bên cạnh đó, phở Thìn cũng đang hoạt động dưới hình thức nhượng quyền tại nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hoá, TP.HCM... Ngoài nước, phở Thìn đang vang danh ẩm thực Việt thông qua các cơ sở ở Úc, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc. Rốt cuộc không biết tiệm phở nằm ở số 13 Lò Đúc này sở hữu công thức bí truyền gì mà ai cũng muốn mở kinh doanh - vì tin chắc rằng, khi được nhường quyền sẽ làm ăn khấm khá?
Phở Thìn được ông Nguyễn Trọng Thìn (sinh năm 1952) gầy dựng từ cuối năm 1979. Vẫn sở hữu nước dùng vị ngọt thanh chuẩn phở Hà Nội, nhưng bí quyết để tên tuổi phở Thìn vang xa là ở cách xào bò tái lăn một lần không tái mà không kỹ, đặc trưng nhận diện là bát phở với rất nhiều hành kèm muỗng tương ớt do chính ông Thìn làm.
Ở món phở tái lăn độc đáo này, thay vì trần tái thịt bò trong nồi nấu phở thì người nấu xào tái thịt lên trước, sau đó mới cho vào bát và chan nước dùng gia truyền lên. Mà lưu ý, thịt sẽ được đảo với lửa to trong thời gian ngắn, không để chín kỹ quá mà cũng không bị sống quá, độ chín vừa tới để giữ được vị ngọt mềm, săn ngon khi ngấm gia vị đậm đà.
Trong một phóng sự về phở Thìn được South China Morning Post của Trung Quốc thực hiện, ông Thìn chia sẻ rằng bát phở muốn ngon và ấn tượng thì quan trọng nhất là phần nước dùng, sau đó mới là bánh phở, thịt. "Thịt bò và xương bò, bản thân đều có mùi hôi. Tôi dùng kết hợp xương bò và xương lợn để tạo nên mùi vị hài hòa, giống như một bản hòa nhạc giao hưởng".
Ngoài sở hữu công thức nấu phở ngon độc nhất, phở Thìn còn được nhiều người kinh doanh chọn làm ngách kinh doanh lý tưởng vì sự hút khách của nó.
Khi quán phở Thìn khai trương cơ sở ở Tokyo (Nhật Bản), ngay ngày đầu tiên, đã có một hàng dài thực khách chờ được đến lượt vào ăn, gây tiếng vang lớn với người dân xứ hoa anh đào. Sau đó, phở Thìn cũng nhận được sự chú ý rầm rộ tại Úc, Hàn Quốc, Indonesia.
Ngay quê nhà, hễ đến hàng phở Thìn nào cũng thấy nườm nượp khách, mặc dù mức giá có độn cao hơn so với các tiệm phở khác đi nữa, chính vì quyền lực của cái tên "phở Thìn", mọi người vẫn chấp nhận móc ví mà thưởng thức. Rất nhiều người bị chinh phục vì tô phở có vị ngon khó cưỡng, nhưng cũng rất nhiều người chấp nhận ăn dù không hợp khẩu vị, miễn là ăn món "sang", có tên tuổi, theo hội chứng FOMO có lẽ.
Có độ nổ ra nhiều tranh cãi khi phở Thìn lên mức giá 90.000đ, khách ruột mê phở Thìn vẫn chầm chập đôi co rằng nếu không mê phở Thìn sẽ không hiểu được, bỏ con số đó để thưởng thức một bát phở chất lượng là xứng đáng... Nhìn tình yêu mà thực khách gần xa dành cho phở Thìn, ai mà không muốn thoả thuận nhượng quyền để bán? Chính vì không chỉ mua công thức phở ngon, mà còn mua cả lượng lớn khách hàng trung thành.
Ảnh: Fanpage Phở Thìn 13 Lò Đúc
Như đã đề cập về mức giá, số tiền để mọi người chi trả cho một bát phở không dừng lại ở bài toán nguyên vật liệu công với chi phí nấu, mà còn cộng thêm tiền "tên tuổi".
Tức là nếu một người kinh doanh muốn mở một hàng phở bình thường, sẽ chỉ bán dao động 40.000đ theo giá mặt bằng chung. Còn khi bán phở có thương hiệu, vinh vào giá trị nức tiếng xa gần, mức giá sẽ tăng lên không ít. Rõ ràng, cũng chỉ tương đương chi phí vốn để nấu ra một bát phở, nhưng bán phở kèm theo tên "phở Thìn", giá bán cao hơn một khoản không nhỏ, có khi gấp đôi. Vậy thì chắc chắn, phần lãi cũng là một khoản "ra gì". Dễ hiểu ai cũng muốn bán phở Thìn hơn phở Tỵ, Ngọ nào đó trong menu.