Món canh bạc nhạc "trứ danh" của ông ngoại và bí mật động trời giấu trong cái nồi cũ

Aries,
Chia sẻ

Tôi chưa từng nghĩ ông sẽ tặng cho cô cháu gái duy nhất món quà lớn lao như thế. Vậy là ông vẫn có mặt trong đám cưới của tôi, ấm áp và bao dung.

- A, ông Nhụ lại nấu canh bạc nhạc!

- Thơm quá ông Nhụ ơi, cho xin bát về ăn cơm nào.

Cứ mỗi lần ông ngoại chưng cái nồi gang Liên Xô ra giữa ngõ là cả xóm lại tưng bừng như thế. Cái thời đứa 8X 9X nào cũng mặc quần thủng đũng thì thứ ngon lành mang mùi thịt bò ấy quả thực rất xa xỉ và thèm thuồng.

Nhà tôi có mỗi ông ngoại nấu ăn ngon. Bà ngoại dạy mầm non nhưng chỉ biết mỗi việc trông trẻ, còn lại ông chiều hết. Ông nhận làm hộp diêm ở nhà cho xí nghiệp gần đó, sáng đi chợ sớm xong ngồi làm một chút rồi nấu cơm. Tôi ở với ông bà ngoại cùng 2 anh chị họ nữa, 3 đứa gần bằng tuổi nhau nên lúc nào cũng ríu rít một hội quanh ông.

Món canh bạc nhạc "trứ danh" của ông ngoại và bí mật động trời giấu trong cái nồi cũ - Ảnh 1.

Ông kể chúng tôi nghe rằng ngày bé ông đi làm con nuôi nhà địa chủ. Họ rất giàu có lại tốt bụng, nuôi dạy ông như con đẻ, song ông vẫn thích chui vào bếp nấu nướng. Tính ra ông mở nhà hàng cũng được ấy, mà may quá ông chỉ thích ở nhà làm "bếp trưởng" riêng cho bà và các cháu! Tôi mê nhất là món canh dưa bạc nhạc của ông. Vừa lạ vừa ngon. Hôm nào trời mưa chan canh với cơm nóng xì xụp thì cứ gọi là hết sảy! Miếng bạc nhạc giòn dai nhai trẹo cả mồm mới cắn đôi được. Cơ mà vị bò tỏa ra thấm vào đầu lưỡi, quyện với nước dưa chua cay cay thực sự là một tuyệt phẩm không thể chối từ!

Mấy chục năm trước thịt bò là thứ xa xỉ, nên cái phần màng dai ấy có thể thay thế cho cả cân thịt đỏ có giá bằng nửa tháng tiền công dán bao diêm. Hình như người ta còn chẳng thèm ăn bạc nhạc, ra chợ ai cũng hỏi ông mua phần thịt vứt đi ấy làm gì. Chỉ có chúng tôi biết rằng ông sẽ "hô biến" bạc nhạc thành nồi canh hạnh phúc.

Khi nấu lên bạc nhạc vẫn có mùi thơm nức dậy hương bò, song ngồi nhai thì... hơi mệt. Bởi vậy nên ông hay thái ra thành lát nhỏ, xào với gừng, cà chua và dưa "khú" trước rồi ninh thật nhừ cho đám trẻ con dễ ăn. Miếng bạc nhạc núng nính lẫn cả mỡ thịt, trong veo như ngọc thạch màu nâu. Lũ trẻ đứa nào cũng mắt mũi tròn xoe, tranh nhau múc ăn trước nụ cười bất lực của ông ngoại. Bà tôi từng thú nhận: "Bà đòi cưới ông mày vì cái món canh dưa này đấy, chẳng có ai biết nấu món này ngon như ông!".

Món canh bạc nhạc "trứ danh" của ông ngoại và bí mật động trời giấu trong cái nồi cũ - Ảnh 3.

Chẳng biết ai nghĩ ra cái món canh này khiến xóm tôi mê như điếu đổ vậy. Qua thời bao cấp khó khăn nhưng cả xóm vẫn giữ thói quen chia sẻ đồ ăn thức uống. Nhà ai có gì cũng í ới gọi hàng xóm tới, từ củ khoai miếng sắn đến bát canh bạc nhạc của ông. Vật chất thì không dư dả mấy, nhưng tình cảm trong xóm thì phải "đẳng cấp" đại gia!

Tôi lớn lên bằng những bữa cơm đạm bạc và sự đùm bọc yêu thương của ông bà, hạnh phúc đến nỗi tôi chỉ muốn bé bỏng mãi. Cho đến một ngày mùa đông năm tôi 14 tuổi thì ông ngoại đột ngột ra đi. Sáng hôm ấy trước khi đi học tôi còn thì thầm dặn: "Rét quá ông ơi, cháu muốn ăn món ngon nhất của bếp trưởng Nhụ". Ông nháy mắt ra chiều hiểu ý, nụ cười hiền từ cứ phảng phất mãi trong ký ức của tôi suốt bao năm.

Món canh bạc nhạc "trứ danh" của ông ngoại và bí mật động trời giấu trong cái nồi cũ - Ảnh 4.

Ngờ đâu đó là bữa ăn cuối cùng ông nấu cho chúng tôi. Trưa hôm ấy khi đang phơi diêm, ông lên cơn đột quỵ rồi ngã gục bên vệ đường. Cô hàng xóm đi qua hô hoán gọi mọi người đưa ông đi cấp cứu nhưng đã quá muộn. Tôi hớt hải chạy về thấy nồi canh vẫn đang nghi ngút khói trên bếp. Chiếc muôi nhôm cũ kĩ còn nguyên vệt dầu mỡ tay ông. Ấm nóng, nồng nàn. Như tình thương gửi gắm trong món ăn truyền thần đáng tự hào nhất cuộc đời ông...

Đám tang ông có rất đông người đến viếng. Tôi gồng mình lên không dám khóc, bởi bà ngoại dặn nếu làm thế ông sẽ vương vấn không muốn rời đi. Đến lúc chẳng thể nhịn được nữa tôi trốn chạy 1 mạch ra bờ mương, khóc tu tu gọi ông. Mấy hôm trước ông còn hứa sẽ làm đèn lồng con cá cho tôi xách đi chơi trung thu. Hôm qua tôi thấy ông xin tre về vót nan rồi, vậy mà tìm mãi chẳng thấy chiếc đèn đâu nữa...

Bẵng đi hơn 10 năm, cuối tháng này tôi sắp sửa thành cô dâu mới. Ngôi nhà tuổi thơ của ông bà giờ không còn ai ở nữa. Di chúc ông ghi nguyện vọng bán nhà đi chia phần cho con cháu, nhưng cả gia đình tôi thống nhất để nguyên làm chỗ thờ tự gia tiên, lấy nơi nấu giỗ chạp, quây quần dịp Tết.

Chồng sắp cưới chở tôi qua thăm nhà ông bà. Bao năm con ngõ nhỏ vẫn vậy, hàng xóm dù xây sửa mới vẫn giữ nguyên lối đi chung. Cổng nhà ông bà không khóa, chiều chiều lũ trẻ hay chạy tới chơi trong sân vườn, ngồi dưới gốc khế chụm đầu xem điện thoại hoặc nghịch ngợm đủ trò. Thấy tôi đến chúng chào rõ to. Bỗng dưng tôi nghẹn ngào nhớ về thời thơ ấu dữ dội trong ngôi nhà nhỏ ấy. Bóng lưng ông lui cui quạt than nướng chả, xách nước tắm cho lũ cháu bên mái hiên. Bà cặm cụi đan áo bên cửa sổ, quát mắng chúng tôi vì làm vỡ bình hoa. Rồi những đêm mất điện chị em tôi túm tụm nằm lên đùi ông nghe chuyện cổ tích, bà phe phẩy quạt bên cạnh với bài hát ru...

Món canh bạc nhạc "trứ danh" của ông ngoại và bí mật động trời giấu trong cái nồi cũ - Ảnh 5.

Trong nhà mọi thứ vẫn vẹn nguyên như khi ông bà còn sống. Sau khi ông mất 5 năm, bà cũng đổ bệnh ốm rồi qua đời. Chúng tôi xếp gọn đồ đạc lại, mỗi tháng có người qua quét dọn 1 lần. Chiếc tivi đen trắng ngày xưa anh chị em tôi từng tranh nhau bật. Cái radio cũ đã hỏng vẫn để trong góc bếp, ông ngoại hay mở nghe mỗi lúc nấu cơm... Tôi mở ngăn tủ lôi mấy món đồ cũ ra ngắm nghía, chợt phát hiện một chiếc nồi gang bị lệch nắp. Tò mò mở ra xem, tôi bật khóc nức nở khi nhận ra thứ bên trong.

Vậy là ông ngoại vẫn giữ lời hứa! Chiếc đèn con cá đã gần hoàn thiện, lớp bóng kính xanh đỏ được dán kín gần hết. Chỉ còn mỗi cái đuôi nham nhở mốc meo vì nó được ông giấu trong ấy từ hơn chục năm trước rồi. Ông chẳng kịp tặng cho cháu gái, còn tôi vẫn đinh ninh rằng ông chưa kịp làm xong. Cuối cùng thì món quà bí mật đã suýt bị thời gian chôn vùi...

Ngày tôi kết hôn, ai cũng hỏi tại sao lại có chiếc đèn lồng cũ kỹ nằm trên bàn bánh cưới. Tôi đã lau thật sạch sẽ và ôm nó rất lâu. Nó đã xuất hiện đúng lúc đúng thời điểm, như kỉ vật vô giá dành cho tôi trước dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Ông ơi cháu thành cô dâu rồi!

Chia sẻ