Món ăn giải độc
Trong Đông y có rất nhiều món ăn có tác dụng giải độc thật đơn giản
Trong Đông y có rất nhiều món ăn có tác dụng giải độc thật đơn giản, nhưng nhiều khi chúng ta không biết hoặc lúc gặp các trường hợp ngộ độc lại lúng túng mà cuống lên chẳng biết làm gì nhất là những vùng sâu, vùng xa, nơi cơ sở y tế còn quá xa nơi dân cư. Để giúp phần nào khắc phục được những tình huống bất trắc ấy, dưới đây xin nêu một số cách giải độc hay gặp như ngộ độc cá nóc hay thuốc phiện, rượu cồn, nấm độc, lá độc... để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
Khoai tây tán nhỏ trộn với đường trị ngộ độc rượu.
Trị ngộ độc nha phiến (thuốc phiện): Bí đỏ tươi 1 quả, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt cho người bị ngộ độc uống.
Trị ngộ độc cồn rượu: Lấy khoai tây và đường, mỗi thứ một lượng vừa phải, sau rửa sạch khoai tây tán nhỏ với đường cho người ngộ độc ăn.
Trị ngộ độc lá ngón: Nhổ cả cây rau má rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt hoà với nước đã đun sôi đang còn ấm cho người bị ngộ độc uống.
Trị ngộ độc do nấm: Lấy rau má 4 lạng, đường phèn 2 lạng. Sắc lấy nước uống nhiều lần.
Hoặc lấy rau má 4 lạng, củ cải 1kg. Rửa sạch giã nát ép lấy nước cho nạn nhân uống làm nhiều lần trong ngày.
Lưu ý: khi lấy cây rau má cần cẩn thận để khỏi lấy nhầm cây rau má lông toàn bộ thân cây đều có độc.
Trị ngộ độc sắn (khoai mì): Lấy một chén hạt đậu xanh, giã nát đun sôi để nguội, lọc lấy nước chia 2 lần cho nạn nhân uống cách nhau 1 - 2 giờ mỗi lần uống.
Hoặc lấy một nắm rau má tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho thêm nước sôi còn ấm mà uống.
Trị ngộ độc thạch tín: Lấy một vốc đậu ván trắng giã nhỏ, hoà với nước cho uống.
Cần chú ý: Tất cả các trường hợp ngộ độc do ăn uống qua đường tiêu hoá, trước hết khi mới tiếp xúc với nạn nhân bao giờ cũng phải làm mọi cách để nạn nhân nôn ra được các chất độc vừa ăn phải như cù họng bằng lông gà, móc họng, uống mùn thớt... rồi mới cho uống những thứ như vừa hướng dẫn ở trên cho từng loại ngộ độc. Khi gây nôn cần để nạn nhân ở tư thế nằm đầu nghiêng sang một bên để phòng các chất nôn lạc vào đường khí quản gây ngạt thở mà tử vong. Nên đưa cấp cứu tại cơ sở y tế gần nơi nạn nhân xảy ra ngộ độc.