Mỗi thí sinh chỉ đăng ký 1 bộ hồ sơ cho nhiều nguyện vọng xét tuyển đại học
Thí sinh có nhiều nguyện vọng nhưng chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ, nộp đăng ký và thống nhất một kiểu mẫu, cơ bản ổn định như các năm trước.
Thông tin được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT trao đổi với báo chí mới đây.
Không lo loạn rút - nộp hồ sơ xét tuyển
Theo PGS Nguyễn Thu Thuỷ, năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1 như năm 2019. Do đó nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT các em theo học.
Cùng thời điểm đăng kí dự thi THPT, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường đại học khác. Tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên (khâu này không có thay đổi so với 2019). Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.
Như vậy, với việc Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và quy trình xét lọc ảo, điều này giúp các thí sinh và các nhà trường giảm chi phí, thời gian, công sức, đi lại đăng ký, tiếp nhận các hồ sơ nguyện vọng…
Một thí sinh có nhiều nguyện vọng chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ, nộp đăng ký tại 1 nơi, thống nhất 1 kiểu mẫu, cơ bản ổn định như các năm trước. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… không gây ra xáo trộn trong việc xét tuyển.
Ngoài ra, theo khảo sát của Vụ Giáo dục Đại học hầu hết kế hoạch tuyển sinh đều vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để chọn đầu vào.
“Tỉ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm so với năm trước. Nếu năm ngoái có 62% thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, thì năm nay tỉ lệ này dự báo sẽ khoảng 50%”, bà Thuỷ nói.
Từ kinh nghiệm tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy, sử dụng kết quả thi THPT quốc gia không phải cách duy nhất để tuyển sinh. Các trường đại học từng kết hợp nhiều phương thức khác để lựa chọn nguồn tuyển như: Kiểm tra đánh giá năng lực, xét kết quả học bạ THPT; điểm các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; thi năng khiếu; hồ sơ năng lực, hồ sơ dự tuyển, qua phỏng vấn… hoặc kết hợp các hình thức đó với nhau.
Do vậy, từ lâu nay, sử dụng kết quả thi THPT quốc gia không phải là cách duy nhất để tuyển sinh, cũng không phải con đường duy nhất để vào đại học.
Chỉ 10-20% thí sinh tham dự thi tuyển riêng
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho rằng, những trường đại học chưa sẵn sàng cho việc tự tổ chức các bài kiểm tra hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng hoàn toàn có thể sử dụng kết hợp các phương thức khác nhau, lựa chọn cách xét tuyển phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo của mình.
Hiện một số cơ sở giáo dục đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM… dần công bố các phương án tuyển sinh của mình. Các trường còn lại đều đang cân nhắc lựa chọn phương án hợp lý nhất.
Việc trường lựa chọn hình thức xét tuyển nào là quyền tự chủ của các trường, trường có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Nhưng dữ liệu để tuyển sinh phải là kết quả học tập, kết quả thi đã được đánh giá, ghi nhận của cơ quan/tổ chức có uy tín, hoặc được Bộ GD&ĐT công nhận.
Dù quyết định về kỳ thi tốt nghiệp THPT đến sớm hơn dự kiến, nhưng các trường đại học đều ít nhiều có sự chuẩn bị từ vài năm qua. Điều này cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình tự chủ đại học toàn diện, trong đó có công tác tuyển sinh.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng có thể coi đây là một “cú hích” để các trường mạnh dạn hơn trong đổi mới thi tuyển, tự chủ tuyển sinh. Tự chủ tuyển sinh sẽ giúp các trường hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn nguồn tuyển phù hợp nhất với từng ngành nghề đào tạo của mình.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, đầu vào chỉ là một trong nhiều tiêu chí để có chất lượng đầu ra phù hợp; quan trọng hơn cả là quá trình đào tạo của các nhà trường phải đáp ứng các các điều kiện đảm bảo chất lượng; đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Sẽ chỉ có những trường thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như Y dược, Công an, Quân đội, hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật… và một số trường đại học có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức các bài kiểm tra riêng.
“Ước tính sẽ có khoảng từ 10 đến 20% học sinh THPT có thể sẽ lựa chọn tham dự các bài kiểm tra đánh giá năng lực như thế này”, vị này cho hay.
Trên cơ sở quy định 5 bài thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH), Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện quy chế tuyển sinh trong đó có việc quy định các tổ hợp xét tuyển đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo và phù hợp với quá trình học, ôn tập của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh muốn xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp.