Mối nhân duyên được mệnh danh là "ly kì nhất lịch sử": Nhờ 1 dòng thơ vu vơ về sau lại được lấy Công chúa, xoay chuyển cả vận mệnh

VV,
Chia sẻ

Bấy giờ, nhà vua mới nghĩ, đúng là ý trời. Và có thể vì lẽ cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, nhà vua đã dễ dàng gả Công chúa đi.

Ngôn tình có lẽ là thể loại truyện tình yêu mà lứa tuổi nào cũng thích, kể cả phụ nữ đã có gia đình. Người ta vẫn nghĩ những mối duyên kiểu định mệnh, kì lạ và như 1 sự sắp đặt từ trước chỉ có trong phim, trong truyện. Nhưng khó ai tin được, lịch sử Việt Nam lại có những chuyện tình thú vị và khó tin đến vậy.

Mối duyên đẹp nhất lịch sử Việt Nam, kì lạ đến khó tin

Cả chính sử lẫn dã sử đều cho rằng, cặp đôi Hồ Quý Ly và Nhất Chi Mai (Huy Ninh Công chúa) là một thiên tình sử mà bất cứ ai ở thời đó đều mơ ước được như ông.

Giai thoại kể rằng, Hồ Qu‎ý Ly thuở hàn vi thường theo người cha nuôi đi buôn đường biển. Một hôm thuyền chở hàng của ông ghé vào bờ, thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ: "Quảng Hàn cung l‎ý nhất chi mai" (tức trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Qu‎ý Ly liền nhẩm thuộc lòng câu ấy, cũng không nghĩ 1 sự việc bâng quơ lại thay đổi vận mệnh đời mình.

Mối nhân duyên khó tin được mệnh danh là "ly kì nhất sử Việt": Nhớ 1 dòng thơ vu vơ về sau lại được lấy Công chúa, xoay chuyển cả vận mệnh - Ảnh 1.

Sau này, đến khi được làm quan, một hôm Hồ Quý Ly hộ giá vua Trần Nghệ Tông đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử. Nhìn hàng ngàn cây quế trước mặt, nhà vua nổi hứng liền ra một vế đối: "Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế" (tức trước điện Thanh Thử có hàng ngàn cây quế).

Các quan đi theo đang lúng túng chưa biết đối lại ra sao thì Hồ Qu‎ý Ly đã nhanh chóng nhớ lại câu thơ trên bãi biển năm xưa, bèn đáp: "Quảng Hàn cung l‎ý nhất chi mai". Không ngờ, 2 câu ghép vào lại là vế đối nhau rất chỉnh, tạm dịch: Trước điện Thanh Thử ngàn gốc quế - Trong cung Quảng Hàn một cành mai.

Nghe xong, các quan đều bái phục tài văn chương của Hồ Qu‎ý Ly. Vua Trần vừa phục, vừa thấy lạ lùng bởi nhà vua có một nàng Công chúa tên là Nhất Chi Mai (Công chúa Huy Ninh - con gái vua Trần Minh Tông). Nàng ở trong cung cấm kín không ra ngoài nên kể cả các quan gần gũi cũng rất ít người biết.

Vua hỏi Hồ Qu‎ý Ly tại sao lại biết được việc kín trong cung, rồi chuyện tòa lầu của Công chúa ở là cung Quảng Hàn do chính vua đặt tên? Hồ Qu‎ý Ly cứ thật tình tâu bày chuyện câu thơ năm xưa trên bãi biển.

Bấy giờ, nhà vua mới nghĩ, đúng là ý trời. Và có thể vì lẽ cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, nhà vua đã gả Công chúa Nhất Chi Mai cho Hồ Quý Ly. Nhờ đó, ông lên nhanh như "diều gặp gió".

Mối nhân duyên khó tin được mệnh danh là "ly kì nhất sử Việt": Nhớ 1 dòng thơ vu vơ về sau lại được lấy Công chúa, xoay chuyển cả vận mệnh - Ảnh 2.

Tranh minh họa

Đó là theo giai thoại mà tác giả Chử Nhân Hoạch đời nhà Thanh soạn, sau được Lê Quý Đôn dẫn lại trong Kiến văn tiểu lục. Theo chính sử, do Hồ Quý Ly có 2 cô đều làm cung nhân của Trần Minh Tông, bà Minh Từ Hoàng thái phi sinh ra Trần Nghệ Tông, bà Đôn Từ Hoàng thái phi sinh ra Trần Duệ Tông. Do đó, Trần Nghệ Tông mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly, nhân đó đem em gái mới góa chồng là Huy Ninh Công chúa gả cho. Bởi trước lúc lấy Hồ Qu‎ý Ly, Công chúa Huy Ninh đang để tang chồng là Phó kỳ lang Trần Nhân Vinh mới bị giết.

Tuy nhiên, mối duyên kỳ lạ này đều được cả chính sử và dã sử cho rằng đó là một thiên tình sử đến nhiều đời sau vẫn còn ngưỡng mộ. Bởi lẽ, ngoài duyên cớ như là trời định sẵn kia thì cuộc hôn nhân này đã bất chấp cả quy chế đặt ra từ đời Trần Thủ Độ đó là người trong hoàng tộc nhà Trần không được lấy người họ khác.

Chỉ vì cái ôm mà có luôn cô vợ, đưa cuộc đời rẽ hẳn sang trang mới

Chuyện tình ly kì và lãng mạn không kém đó chính là Nguyễn Ánh - vua Gia Long. Cũng theo sử sách ghi lại, thời còn bôn ba lánh nạn, Nguyễn Ánh đã có mối duyên rất tình cờ với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng.

Cụ thể, sách Việt Nam phong tình cổ lục ghi: Trong những ngày đi lánh nạn, một lần chúa một mình trốn về cù lao Ông Chưởng (rạch Ông Chưởng - An Giang). Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Ánh phải náu mình trong một bụi rậm.

Bên bờ sông gần đó có một cô thôn nữ dịu dàng, xinh đẹp đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người nhìn theo mình. Sự cố xảy ra, cô thôn nữ hụt chân hét lớn. Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, lao ra cứu người đẹp.

Mối nhân duyên khó tin được mệnh danh là "ly kì nhất sử Việt": Nhớ 1 dòng thơ vu vơ về sau lại được lấy Công chúa, xoay chuyển cả vận mệnh - Ảnh 3.

Tranh vẽ Nguyễn Ánh

Sau khi được cứu sống, cô thôn nữ vì cảm kích, nắm chặt lấy tay Nguyễn Ánh kéo về nhà ngỏ ý muốn... sống chung. Vì theo tục lệ ở đó, khi người con gái nào đã bị đàn ông ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng. Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự kết hợp hoàn hảo, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn.

Nguyễn Ánh "ở ẩn" luôn nhà cô thôn nữ, sống bình yên, tận hưởng. Thậm chí ông còn được cô "vợ nhặt" đi thăm dò, tìm kiếm giúp các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn kế sách tiếp tục sự nghiệp "phục quốc".

Dân gian lưu truyền rằng, khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh - Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ này. Tuy nhiên, lại có giai thoại truyền lại, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tố Lan. Sau khi thu giang sơn về một mối, Gia Long đã cho rước bà Tố Lan về kinh đô, phong làm Chánh hậu.

Quả thật, những mối lương duyên luôn đến với chúng ta 1 cách đầy bất ngờ và khó lý giải như thế, kể cả vua chúa hay dân thường. Và ở thời nào thì bạn cũng hãy tin vào tình yêu, chỉ cần chân thành thì chuyện "sinh ta là để dành cho nhau" hoàn toàn có thật!

Tổng hợp

Chia sẻ