Mỏi mòn chờ kết quả ADN, bố bé gái 12 tuổi bị xâm hại hé lộ thông tin lạ về nghi phạm
Nạn nhân bị xâm hại tình dục còn cả một cuộc đời để sống. Nhưng muốn vậy, kẻ gây tội phải bị trừng trị. Im lặng, hòa giải là thỏa hiệp với cái ác.
Trước việc con bị xâm hại tình dục - một trải nghiệm tồi tệ mà không ai muốn trải qua, có nhiều phụ huynh chọn cách không thưa kiện kẻ thủ ác, giấu con khỏi truyền thông, cố làm con quên những ký ức đau đớn đó đi.
Cũng có những người chọn cách đối diện với kẻ xâm hại con mình, đấu tranh đến tận cùng, lên tiếng thật mạnh mẽ để đòi công lý, để đưa kẻ xấu ra ánh sáng. Anh Đ.N.A, bố bé gái 12 tuổi vừa sinh mổ hôm 17/4 đã chọn cách thứ hai. Con gái anh là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục, dẫn đến mang thai khi mới 11 tuổi.
Việc cháu Đ.T.N.L bị xâm hại tình dục đã được công an huyện Thanh Trì quyết định khởi tố vụ án. Bị can là hàng xóm của cháu L. chỉ thừa nhận hành vi dâm ô (sờ mó) chứ không thừa nhận hành vi hiếp dâm. Cơ quan điều tra chưa ra quyết định khởi tố bị can và đã áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm rời khỏi nơi cư trú.
Ngay khi cháu L. sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cơ quan chức năng đã lấy mẫu ADN của bé trai sơ sinh. Anh A. đang tạm gửi cháu tại bệnh viện để tập trung lo cho con gái.
Đề cập đến việc theo đuổi công lý cho con, anh A. nói: “Công an hẹn tôi 3 - 4 tuần sẽ thông báo về kết quả ADN. Gia đình chỉ biết hợp tác, cung cấp thông tin trung thực, còn 3 tuần hay 3 tháng, tôi vẫn chờ đợi. Có thông tin sớm ngày nào thì bớt đau khổ cho chúng tôi ngày ấy.
Tôi chỉ mong cơ quan điều tra sớm tìm ra kẻ làm hại con gái tôi, công khai danh tính và xử phạt. Kẻ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, phải được đưa ra ánh sáng thì tôi và con mới được an tâm sống tiếp được”.
Anh cho biết, dù vô cùng đau khổ, cảm thấy bản thân cũng có trách nhiệm trong việc con xảy ra biến cố, anh không chọn cách im lặng hay hòa giải. Anh muốn con gái hiểu, trong vụ việc này, kẻ có lỗi là kẻ có hành vi xâm hại với con.
“Từ khi phát hiện cháu có thai đến giờ, tôi không gặp cũng không quan tâm động thái của nghi phạm. Tôi không thể tha thứ hay làm ngơ cho kẻ đã khiến con mình bước vào đời đầy tổn thương. Đau lắm! Làm sao tha thứ được cho sự đồi bại này?
Trong hai con của tôi, cháu L. học khá hơn. Tôi đã hy vọng vào con, từng nghĩ dồn sức đầu tư cho con, động viên con phấn đấu học tập. Giờ lại rơi vào cảnh ngặt nghèo như thế này, con phải nghỉ học 1 năm, và chắc sẽ mất một thời gian để ổn định lại”.
Dù đang rối bời tâm trí, anh A. đã có kế hoạch phục hồi cuộc sống cho con gái nhỏ. “Con tôi như chồi non vừa nhú đã bị bẻ gãy, chỉ mong còn nhựa sống để trở thành cành xanh. Tôi vẫn muốn con mình được tiếp tục đi học, để cuộc đời cháu có tương lai, không phải vì bị xâm hại hay có con sớm mà phải vứt bỏ cuộc đời”, anh khẳng định.
Cháu L. hiện đang được ở nhà tạm lánh do một nhóm công tác xã hội hỗ trợ. Anh A. tính, sau khi con ở cữ, phục hồi sức khỏe 1 tháng, anh muốn tìm gia sư về dạy kèm, cho cháu ôn lại kiến thức, để đến khi vào năm học mới có thể đi học lại, theo kịp bạn bè.
Bên hỗ trợ cũng đã liên hệ xin học ở trường mới cho cháu L. “Ở trường cũ cháu học khá, nhưng các bạn cùng lứa tuổi đã lên lớp hết rồi, tôi sợ cháu ngại với bạn. Đổi sang trường mới, tôi cũng phải quán xuyến kỹ hơn, đưa đi đón về, buổi trưa sẽ cho con ăn bán trú.
Điều khiến tôi lo nhất và muốn cháu được hỗ trợ tâm lý đó là vấn đề thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Cháu đã từng bị xâm hại nên phải giáo dục và đề phòng bị tái xâm hại nữa. Tôi là đàn ông, đề cập vấn đề này với con gái cũng bị ngượng ngùng, khó nói”.
Anh A. dự định sẽ ở nơi mới 6 tháng đến 1 năm, cho đến khi con gái ổn định trường lớp rồi cân nhắc việc quay trở lại nhà. Anh lý giải, biến cố trầm trọng nhất của cuộc đời con xảy ra tại nhà, nên cũng phải đề phòng chuyện khi về nhà, con có thể bị tái lặp sang chấn.
Tuy nhiên, căn nhà này là của ông cha để lại, không phải nhà riêng của anh A., không thể nói bán nhà để con đi chỗ khác là bán được ngay.
“Con tôi còn nhỏ quá, đời còn bao nhiêu năm về sau. Sau này cho tiếp cận cháu bé thế nào, rồi con còn yêu đương, lấy chồng, người ta hỏi chuyện mẹ hơn con có chục tuổi thì trả lời thế nào… Tôi đang rối bời quá nhiều thứ, sợ hãi quá nhiều thứ, có lẽ phải tính từng bước một cho đến khi ổn định cuộc sống”, anh trăn trở.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viên Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân, gia đình nạn nhân, cộng đồng, thậm chí là các cơ quan chức năng im lặng trước những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Nạn nhân bị bạo hành, xâm hại trong thời gian dài, chịu nhiều thương tổn về thể chất và tinh thần. Nạn nhân im lặng, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ vì sợ bị đổ lỗi, sợ bị kỳ thị, ảnh hưởng tương lai…
Nguyên nhân sâu xa là từ nền văn hóa ngại nói về vấn đề tình dục, nhất là những câu chuyện liên quan đến hiếp dâm, ấu dâm. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi nếu nói ra, cuộc sống của họ sẽ bị thay đổi hoàn toàn, cô bé (cậu bé) sẽ không có tương lai, gia đình phải chuyển đi nơi khác vì sợ đàm tiếu.
"Nếu xã hội vẫn còn đổi lỗi cho nạn nhân, đổ lỗi cho con gái ăn mặc hở hang, đi khuya, trẻ con dậy thì sớm hay bố mẹ không trông chừng con thì sự im lặng sẽ kéo dài mãi", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.