Mới 25 tuổi đã phải cắt một phần lá phổi, cô gái trẻ kể về hành trình chữa bệnh suốt 2 năm, tiết lộ 4 điều quan trọng mà người trẻ nên nhớ

Đâu Đậu,
Chia sẻ

"Bệnh tật bất ngờ có thể xảy tới bất kì ai, không chừa ai. Người trẻ cũng bị chứ đừng quá tin vào sức khoẻ bản thân".

Đang ở độ tuổi sung sức nhất, nhiều người trẻ không bao giờ cảm thấy quý trọng sức khỏe của mình vì nghĩ rằng bệnh tật chỉ dành cho những người cao tuổi. Nếu bạn đang có cùng suy nghĩ đó thì rất nên đọc bài viết dưới đây vì nó ghi lại trải nghiệm chữa bệnh của một cô gái trẻ, cũng từng coi thường sức khỏe như vậy.

Bài viết như sau:

"Mình - 27 tuổi. Phát hiện bệnh vào 25 tuổi - nghĩa là vào độ tuổi mà các bạn thường nghĩ mình sung sức nhất, chủ quan với sức khoẻ nhất.

Giới thiệu qua về bản thân: Có công việc tốt. Sinh hoạt thất thường như bao bạn trẻ khác. Ăn ngủ tuỳ tiện, tắm sau 12h đêm thường xuyên. Không dùng chất kích thích, không rượu bia. Có dấu hiệu của trầm cảm. 

Tháng 8/2018

Đang ngồi làm việc ở công ty tự nhiên mình bị ho, cổ họng hơi tanh tanh, mình mặc kệ và tiếp tục ngồi làm việc. Mình tiếp tục đi ăn bún đậu buổi trưa, và tiếp tục ho nhẹ và ít, tới khi nhổ ra thì thấy máu. Tới 4h chiều đang làm việc thì máu nó dồn ra rất liên tục. Mình xin sếp nghỉ đi khám, vừa đi xe máy vừa ho sặc sụa nhiều hơn, họ không ngừng và nó tràn lên cả mũi. 

Khi khám bác sĩ lập tức cho mình thuốc kìm ho. Bác sĩ yêu cầu mình nhập viện ngay lập tức. Từ đó trở đi mình nằm viện suốt 26 ngày. Liên tục nằm khoa cấp cứu và là một trong những ca nghiêm trọng khó hiểu nhất của cả viện.

Bác sĩ hội chẩn và kết luận: Ho máu do giãn động mạch phổi. Sau 26 ngày nằm viện chữa trị mình đi làm lại.

Tháng 2/2019

Mình đi xem phim ở rạp thì đột nhiên ho máu. Mình cấp cứu nhập viện và ho ra máu rất nhiều. Thế là các bác sĩ ngay lập tức đưa mình đi nút mạch. Nút mạch là một tiểu phẫu nhỏ, cỡ 20 phút thôi, nội soi. Nói chung hơi buốt nhẹ không đau mấy. Mình tiếp tục nằm cấp cứu theo dõi và được ra viện sau vài hôm.

photo-1608115871495-16081158718221927064665-062157.jpeg

Hình minh họa.

Tháng 5/2020

Đang ăn lẩu ở nhà thì cay quá, thế là ho ra máu. Lần này không thể nút mạch được nữa, buộc phải cắt phần phổi bị hoại tử. Tuy nhiên máu đông quá nhiều, phim chụp rất khó nhìn ra là phải cắt chỗ nào. Bác sĩ cảnh báo là phải cắt thuỳ phổi phải, có thể cắt cả lá phổi phải, vì không nhìn dc chỗ nào cần phải cắt chính xác.

Ca mổ kéo dài 4 tiếng, từ 11h - 2h sáng, Mở mặt dậy là đau, khóc lóc um lên luôn dù vẫn có thuốc giảm đau hạng nặng.

Những ngày sau đó, 1 tuần mình phải nội soi lại 3 lần để hút dịch, vô cùng đau đớn.  

Mình nằm hậu phẫu 10 ngày vì khá là nặng, về nhà mình vẫn không biết mình bị làm sao cho tới khi tự phát hiện ra vết sẹo rất kinh ở nách. Mình đọc lại bệnh án thì thấy cắt một miếng phổi phải 11x12x3cm.

Có tí rùng mình với vết sẹo, nhưng vẫn an ủi là thôi may sống rồi. Sau đó thì mình như bây giờ. Và đợt dịch này mình ngoan ngoãn ở nhà lắm, sợ chết nữa.

Ca bệnh của mình hiện nay và lúc nằm viện thì không bác sĩ nào, thực tập nào không hỏi và điều tra vì nó quá lạ, ý là không có lý do nào để bị bệnh đó cả. Mình trước giờ gần như ít ốm, sức đề kháng bình thường, chỉ hay cúm vặt thôi.

Cuối bài viết của mình, cô gái trẻ cũng đúc rút ra 4 điều quan trọng và mong muốn những người trẻ nên nhớ để bảo vệ sức khỏe của mình.

"Mình xin tổng kết lại một số ý để mong các bạn lưu tâm:

1. Căn bệnh bất ngờ có thể xảy tới bất kì ai, không chừa ai cả. Người trẻ cũng bị chứ đừng quá tin vào sức khoẻ bản thân.

2. Không được chủ quan với cơ thể: Mình là quá coi thường sức khoẻ.

3. Trầm cảm có ảnh hưởng thật sự tới sức khoẻ. Chỉ là bạn không nhận ra mà thôi.

4Khi bạn sắp chết, bạn nhận ra không gì quý hơn sức khoẻ nữa. Sau khi mình từ cõi chết trở về thì cũng vào đợt dịch nên mặc cho mọi người kêu ca vì chuyện thiếu thốn chỗ chơi, cuồng chân đi du lịch hay không dc tụ tập. Mình thấy bình thường cực kì, mình chỉ cần sống thôi và chúng ta cần rất ít để sống hạnh phúc là được".

Bài chia sẻ của cô gái trẻ.

Bài chia sẻ của cô gái trẻ này đã nhận được gần 3.600 lượt like trên mạng xã hội, hàng trăm lượt bình luận. Không ít cư dân mạng đã để lại bình luận khen ngợi vì ý chí mạnh mẽ của cô gái. Đồng thời, nhiều bạn trẻ cũng nhận ra rằng bệnh tật thật sự không chừa một ai, nó có thể đến bất cứ lúc nào vì vậy mỗi chúng ta đều nên trân trọng sự sống, chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu rủi ro nhập viện thấp nhất có thể.

Ho ra máu là máu từ đường hô hấp dưới được ho, khạc, trào, ộc ra ngoài theo đường miệng, mũi. Ho ra máu là một dấu hiệu liên quan tới nhiều bệnh, trong đó có các bệnh tại phổi như lao phổi, nấm phổi, áp xe phổi…

Ho ra máu có nguyên nhân từ các bệnh như:

- Ung thư phế quản phổi (bệnh nhân có tiền sử hút thuốc, tuổi trên 40, ho máu, gầy, sút cân);

- Giãn phế quản (bệnh nhân có biểu hiện ho, khạc đờm thường xuyên, kéo dài);

- Lao phổi (bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với người bị lao, ho khạc đờm kéo dài, gầy sút cân, ra mồ hồi đêm);

- Nấm phổi (người bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, sau điều trị với thuốc ức chế miễn dịch);

- Áp xe phổi (Ho, khạc đờm, mủ, ho máu, tức ngực, khó thở); Viêm phổi (bệnh nhân sốt cấp tính, ho khạc đờm, tức ngực, khó thở);

- Tắc mạch phổi (bệnh nhân đau ngực, khó thở, ho máu); Dị dạng mạch phổi (bệnh nhân tiền sử ho máu tái phát nhiều lần);

- Dị vật đường hô hấp dưới (bệnh nhân có thể ho khạc đờm từng đợt).

Bệnh nhân cần được làm các thăm dò chẩn đoán và điều trị sớm ở bệnh viện. Đồng thời điều trị cầm máu và điều trị nguyên nhân (điều trị các nguyên nhân gây ho ra máu như lao phổi, giãn phế quản, ung thư phế quản, phù phổi cấp…).

Chia sẻ