Moderna thử nghiệm thành công vắc-xin ung thư công nghệ mRNA
Một loại vắc-xin ung thư thử nghiệm của hãng dược Mỹ Mordena dựa trên công nghệ mRNA đã rất thành công trong vắc-xin COVID-19, vừa được chứng minh là có tác dụng chống lại ung thư hắc tố trong một thử nghiệm kết hợp với hãng được Meck.
Vắc-xin ung thư cá nhân hóa của Moderna được kết hợp với một liệu pháp miễn dịch "bom tấn" tên Keytruda của hãng được Merck (Mỹ) làm giảm 44% nguy cơ tái phát hoặc tử vong của căn bệnh ung thư da nguy hiểm nhất - u hắc tố - khi so sánh với bệnh nhân chỉ dùng Keytruda trong một thử nghiệm ở giai đoạn giữa, theo hai công ty này tuyên bố hôm 13-12.
Bảng hiệu của Mordena trước trụ sở ở Cambridge, Massachusetts (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, nghiên cứu này là thử nghiệm ngẫu nhiên đầu tiên cho thấy rằng việc kết hợp công nghệ vắc-xin mRNA với một loại thuốc làm tăng phản ứng miễn dịch sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân ung thư hắc tố và có khả năng là cả các bệnh ung thư khác.
"Đó là một bước tiến vượt bậc trong liệu pháp miễn dịch" - Trưởng bộ phận Phát triển lâm sàng toàn cầu kiêm Giám đốc y tế của Merck Eliav Barr cho biết; trong khi Giám đốc y tế của Moderna Paul Burton tuyên bố sự kết hợp này "có khả năng trở thành một mô hình mới trong điều trị ung thư"
Nghiên cứu có sự tham gia của 157 bệnh nhân bị ung thư hắc tố giai đoạn III/IV, có khối u đã được phẫu thuật cắt bỏ trước khi được điều trị bằng liệu pháp kết hợp vắc-xin/Keytruda hoặc Keytruda đơn độc với mục đích trì hoãn bệnh tái phát.
Sự kết hợp nói chung là an toàn và đã chứng minh được lợi ích so với Keytruda đơn độc sau một năm điều trị. Tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến thuốc xảy ra ở 14,4% bệnh nhân dùng liệu pháp phối hợp so với 10% dùng Keytruda đơn độc.
Merck và Moderna có kế hoạch thảo luận kết quả với các cơ quan quản lý và bắt đầu một nghiên cứu lớn Giai đoạn III ở bệnh nhân ung thư hắc tố vào năm 2023.
Liệu pháp mới được thiết kế để nhắm mục tiêu các khối u đột biến cao. Vắc-xin hoạt động cùng với Keytruda của Merck, cái gọi là "chất ức chế trạm kiểm soát" được thiết kế để vô hiệu hóa một loại protein có tên là "cái chết được lập trình 1", hay PD-1, giúp các khối u trốn tránh hệ thống miễn dịch.
Để chế tạo vắc-xin, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của chính bệnh nhân. Sau khi phân tích các mẫu để giải mã trình tự di truyền của chúng và phân lập các protein đột biến chỉ liên quan đến bệnh ung thư, thông tin đó được sử dụng để thiết kế một loại vắc-xin ung thư phù hợp với từng cá nhân.
Khi được tiêm vào bệnh nhân, các tế bào của bệnh nhân hoạt động như một nhà máy sản xuất, tạo ra các bản sao hoàn hảo của các đột biến để hệ thống miễn dịch luyện tập nhận biết và tiêu diệt.
Hai công ty cũng dự định nghiên cứu phương pháp này trong các bệnh ung thư đột biến cao khác, chẳng hạn như ung thư phổi, ung thư bàng quang và một số bệnh ung thư vú.