Mổ sinh khi nào?

,
Chia sẻ

Mổ sinh giờ đã thành “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng có phải cứ mổ là tốt.

 

.

Hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn hình thức sinh mổ muốn con sinh vào giờ tốt, mổ vì bác sĩ nói như thế là tốt nhất.

Những trường hợp bệnh lý của mẹ hoặc con được chỉ định mổ

1- Tiên đoán sản phụ không sinh thường được do em bé quá to (trên 4kg), khung chậu hẹp...

2- Tiên đoán sinh thường sẽ gây nguy hiểm cho mẹ hoặc con trong trường hợp doạ vỡ tử cung, thai suy lúc chuyển dạ, nước ối xấu, nhau tiền đạo hoặc nhau bong non... Trường hợp em bé nằm ngồi bất thường.

3- Có trục trặc xảy ra trong quá trình chuyển dạ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con như sản phụ rất bình thường, đang rặn nhưng tim đập, ngừng thở, tiền sản giật gây hôn mê nặng không sinh được hoặc biến chứng phù phổi cấp...

4- Sản phụ bị bệnh tim và bị suy tim nặng thì bắt buộc phải mổ

Tất cả trường hợp trên đều phải lập tức can thiệp bằng mổ.

Mổ sinh có an toàn tuyệt đối?

Nhiều sản phụ lầm tưởng mổ sinh là an toàn tuyệt đối nhưng trên thực tế tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở mổ sinh lại cao hơn so với sinh thường. Nguyên nhân của những nguy cơ này là do tai biến khi gây tê, gây mê, vết mổ bị rách rộng gây chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch, và đặc biệt là nhiễm trùng.

Nhiễm trùng vết mổ tử cung sau mổ sinh thì sản phụ có thể bị băng huyết vài tuần sau. Nhiễm trùng mổ khiến vết mổ không lành, có khi gây hoại tử cơ tử cung, muốn cầm máu và chấm dứt nhiễm trùng có khi phải cắt bỏ tử cung. Đây là một biến chứng nặng, đặc biệt nguy hiểm đối với người mới sinh lần đầu vì như vậy họ không còn khả năng mang thai lần nữa.

Tai biến xa về sau còn phải kể tới bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.

Thai đủ tháng phải từ 38 tới 40 tuần nhưng có người xem ngày, mổ khi thai mới được từ 36 – 38 tuần tuổi. Thai còn non mà mổ ra may mắn không gặp chuyện gì thì không sao nhưng cũng có những nguy cơ như dễ bị suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng do sức đề kháng kém hơn những bé đủ tháng. Bé non tháng có nhiều biến chứng như bệnh võng mạc sơ sinh, xẹp phổi...

Bệnh võng mạc sơ sinh gây mù ở trẻ non tháng, nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ mù luôn.

Có trường hợp hiếm con nên thai mới được 26 tuần tuổi đã vào bệnh viện dưỡng thai, đến 32 tuần thì mổ. Lúc đầu bé bình thường những đến 2 tuổi vẫn không đi được phải tập vật lý trị liệu, nhưng rồi chỉ lê lết trong khi thần kinh phát triển bình thường.

Ngoài ra, cũng có trường hợp sản phụ tới các bệnh viện tư khám và được “dụ mổ” dù không thuộc nhóm bị chỉ định mổ. Bác sĩ mổ sinh trong trường hợp này sẽ có rất nhiều thuận lợi như mỗi ca mổ sinh chỉ mất khoảng 1 – 1,5 giờ, không phải theo dõi lâu như sinh thường; chi phí cho một ca mổ sinh thường cao; bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn bình thường...

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ khi nói mổ lấy thai nhưng không nói tới những biến chứng, bất lợi về sau nên các cặp vợ chồng thường đồng ý vì nghĩ đó là cách tốt nhất. Vì vậy, tại các bệnh viện lớn và uy tín đều quản lý rất chặt các trường hợp phải mổ sinh khi không còn biện pháp nào khác.

Phương Linh
Giadinh.net
Chia sẻ