Millennial Hàn Quốc: Thế hệ khốn khổ vì quan niệm sống truyền thống ăn sâu “Vất vả hôm nay, sung sướng ngày mai”
Như suy nghĩ chung của toàn phương Đông, người Hàn Quốc cũng cho rằng tuổi trẻ là phải cống hiến tận sức, lao động hết khả năng, tiết kiệm tối đa để về già có cuộc sống an nhàn. Chỉ cần thấy tuổi 20-30 mà chưa yên ổn chỗ công tác, người khác liền tỏ vẻ ái ngại.
Millennial là thuật ngữ tiếng Anh dùng để chỉ Thế hệ Y, những người sinh trong khoảng năm 1981 – 1996, hiện đang từ 24-39 tuổi.
Hàn Quốc: Từng rất sẵn công việc ổn định ở Thế hệ X
Hàn Quốc là đất nước Đông Á với dân số rơi vào khoảng 51,7 triệu người. Mật độ dân số ở mức trung bình, 507 người/km2, nhưng trong các thành phố thì vô cùng đông đúc. Chỉ riêng Thủ đô Seoul đã trên 10 triệu người, tương ứng 17.000 người/km2.
Người Hàn Quốc cho rằng, làm người là phải cống hiến hết mình, chịu đựng kham khổ, vượt mọi thử thách. Kể từ khi hình thành đất nước, các cư dân của "bán đảo phía Nam" đã không ngừng cật lực lao động, góp phần làm giàu cho quốc gia.
Nền kinh tế Hàn Quốc ở thế hệ X thực sự rất khác
Trước cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 1997, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh, mạnh. Nhiều công ty, tập đoàn được thành lập, tuyển dụng các đợt lao động khổng lồ. Thế hệ X (1961 – 1981) chỉ cần có kỹ năng, trình độ, sức khỏe là lập tức được trọng dụng.
"Ở thời của cha mẹ tôi, không quá khó để tìm kiếm một việc làm toàn thời gian cho đến khi hết tuổi lao động," - Seo Ye-jin (25 tuổi) khẳng định. "Hầu hết các công ty đều thịnh vượng trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà phát triển".
Sang Thế hệ Y liền đổi khác
Khác với thập niên 1990, "sự tăng trưởng kinh tế đang bị trì trệ," - Ye-jin tiếp tục. "Nó buộc các công ty phải thu hẹp quy mô, cắt giảm và tệ hơn nữa là sa thải nhân viên. Làm việc yên ổn một chỗ suốt cả đời chỉ còn là chuyện trong quá khứ".
Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm đi trên phạm vi toàn cầu. Không riêng gì Hàn Quốc mà ngay cả ở Mỹ, các "Millennial" cũng khổ sở vì khó xin việc. Thống kê so sánh mới nhất còn chỉ ra, họ thua sút so với cha mẹ. Trong khi phần lớn Thế hệ X đều có nhà riêng, "lực lượng lao động trẻ khỏe, kỹ năng, trình độ nhất" – Millennial lại đa số ở phòng trọ, căn hộ cho thuê hoặc "ké nhà thầy u".
Thế hệ Y xin việc ngày càng khó
Quay trở lại với thế hệ Millennial Hàn Quốc, thực trạng cắt giảm nhân viên liên tục tại chỗ làm ép họ phải nghỉ việc, nhảy việc. Thay vì tuyển dụng nhân viên chính thức, các công ty có xu hướng nhận nhân viên hợp đồng. Với lựa chọn này, chủ lao động có thể giảm nhiều khoản chi phí (ví dụ như lương hưu, bảo hiểm…), đồng thời dễ bề "ép công" và sa thải.
Trái ngược với lượng tuyển dụng nhân viên chính thức ngày càng hạn hẹp, lượng sinh viên tốt nghiệp mới ra trường lại gia tăng. Theo báo cáo mới nhất từ chính phủ Hàn Quốc, số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp năm 2019 là 1.197.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hàng năm, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Áp đặt kỳ vọng, thúc ép tăng ca
Dù thời thế đã khác, quan niệm "đã đi làm thì phải có công việc ổn định, chức vị đàng hoàng" không hề thay đổi. Thế hệ X (cha mẹ) không những ít thông cảm cho hoàn cảnh thiếu công ăn việc làm của Thế hệ Y, mà còn quay ra trách con em "thiếu nỗ lực, kiên trì".
Vì muốn giữ chân chỗ làm, Kim Ri-Oh (26 tuổi) tăng ca cả ngày cuối tuần. Với cô, phải ở lại công ty đến tận 11h tối là chuyện bình thường. "Tôi đã tốt nghiệp đại học và khó lắm mới xin được vào đây, làm nhân viên chính thức đúng như mong muốn của gia đình," – Ri-Oh kể. Nhưng sau 2 năm "đầu tắt mặt tối", cô vẫn bị trả lương thấp hơn so với nam đồng nghiệp vừa mới vào công ty.
Dù "đầu tắt mặt tối" cũng chẳng đảm bảo giữ được chỗ làm
Áp lực công việc cộng với thái độ dò xét, đánh giá từ người xung quanh đẩy giới trẻ Hàn Quốc vào tình trạng căng thẳng tinh thần nặng. Trong vòng 5 năm vừa qua, lượng thanh niên tuổi 20 được chẩn đoán mắc trầm cảm tăng gần gấp đôi.
Trước thực tế đáng ngại này, chính phủ Hàn Quốc quyết định thông qua dự luật giảm giờ làm. Kể từ năm 2018, giờ hành chính 68h/tuần rút xuống còn 52h/tuần. Thế nhưng cũng trong năm 2018, tỷ lệ thôi việc sau 1 năm thử việc lên đến 28%.
Phân biệt đối xử tuổi tác, giới tính
Với Thế hệ Y ở Hàn Quốc, không có bất cứ thứ gì đảm bảo rằng họ sẽ được yên ổn làm một công việc đến tuổi hưu. Ngoại trừ nguy cơ bị cắt giảm nhân viên, môi trường làm việc ở xứ sở Kim chi còn "trọng già, khinh trẻ".
"Đồng nghiệp tiền bối của tôi thích nhậu nhẹt sau giờ tan ca và công khai tỏ ra không vừa ý với những ai có ý trốn tránh không đi," - Jang Ji-hyeon (28 tuổi) cho biết. Mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc là 8350 won/h, tức khoảng 1,74 triệu won/tháng. Trong khi đó từ tiền thuê nhà cho tới các khoản lặt vặt khác đều cao ngất ngưởng. Để mà ngoan ngoãn chiều lòng cấp trên thì dễ… đói như chơi!
Văn hóa làm việc Hàn Quốc ưa "trọng lão", thích ép đàn đúm nhậu nhẹt sau giờ làm
Thêm vào đó, các công ty Hàn Quốc còn trả lương chênh lệch giữa nhân viên nam và nữ. Họ cũng hay "ép công", biến tăng ca thành chuyện hàng ngày.
"Giới trẻ chúng tôi thích dành thời gian cho cuộc sống cá nhân sau giờ làm việc hơn là tụ tập ăn uống với người cùng công ty," - Ji-hyeon nói thêm. Nhưng thiếu khôn ngoan, nhẫn nhịn ở chỗ làm cũng đồng nghĩa với sớm bị mất việc.
Chịu hết nổi, nhiều Millennial đành bỏ việc. Kết quả khảo sát Tháng 12/2019 trên 1831 lao động từ một trang web tuyển dụng cho thấy: 87,6% nghỉ ngang công việc đầu tiên. Trong đó có 15,4% bỏ trong chỉ 6 tháng và 30,6% chỉ chịu đựng được 1 năm.
Thế hệ X Hàn Quốc phàn nàn giới trẻ ngày càng tùy tiện, ít chịu thương chịu khó. Song chẳng có sự hứa hẹn nào đảm bảo các Millennial cứ nỗ lực là sẽ thành công.
Một số người khác thì ngược lại, cho rằng Thế hệ Y dám "nghỉ ngang" là đúng. Sự phản kháng của họ có khả năng sẽ ép các công ty phải xem xét lại, linh hoạt nguyên tắc hơn để thu hút và giữ chân nhân tài.
Tham khảo Koreaherald, BBC