Miền Bắc vào “mùa” đau mắt đỏ
TS Phạm Ngọc Đông, Phó khoa Kết - Giác mạc, BV Mắt TƯ cho biết, đang là thời điểm bắt đầu dịch đau mắt đỏ. Bệnh viện hiện đã có nhiều bệnh nhân đến khám vì bệnh này.
Trung bình mỗi ngày, phòng khám của bác sĩ Đông tại BV Mắt TƯ có khoảng 20 bệnh nhân bị đau mắt đỏ tới khám (toàn viện có 10 phòng khám mắt). Đa số các bệnh nhân đều đến khám sau vài ngày tự chữa không khỏi, trong tình trạng rất nặng, mắt ken đặc dử, sưng húp, phù nề.
Bệnh nhân đau mắt đỏ khi đi khám thường "ngụy trang" bằng đôi kính đen
(Ảnh chụp chiều 22/4 tại BV Mắt TƯ - Ảnh: H.Hải)
Theo TS Đông, cứ vào thời điểm này, khi nắng lên, mưa nhiều, môi trường khói bụi cũng là “mùa” của vi rút hoành hành, gây bệnh về mắt. Đây cũng là thời gian các hoạt động du lịch, vui chơi diễn ra nhiều, nhất là với thanh thiếu niên, làm tăng cơ hội phát tán bệnh.
Tuy thời điểm bệnh chưa đến mức rầm rộ, thành dịch nhưng đang có dấu hiệu tăng nhanh. Nếu không biết cách phòng ngừa ngay từ đầu mùa dịch, bệnh đau mắt đỏ sẽ có cơ hội bùng phát thành dịch. Có những năm, mỗi ngày bệnh viện mắt tiếp nhận, khám cho khoảng 300 bệnh nhân bị đau mắt đỏ.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, cần phải biết giữ gìn vệ sinh đôi mắt. Khi đi đường bụi phải đeo kính. Khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, hóa chất, nước hồ bơi, dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt...
Trong gia đình có người bị bệnh, mọi người cũng nên thường xuyên rửa mắt bằng muối sinh lý nhưng không được dùng chung lọ người bệnh đã nhỏ, tránh nguy cơ lây lan qua đầu nhỏ. Người bệnh có thể giảm đỡ cảm giác ngứa, cộm bằng cách chườm gạc lạnh nhiều lần trong ngày.
Adeno vi rút là tác nhân chủ yếu gây đau mắt đỏ và nó rất dễ lây qua đường tiếp xúc, đường hô hấp nên bệnh dễ lan rộng. Vi rút này có nhiều trong dử mắt nên chỉ cần vô ý dùng tay dụi mắt, rồi quên không rửa xà phòng lại tiếp tục sờ mó vào các vật dụng để trong nhà là có thể lây bệnh cho người khác.
Triệu chứng chính là cộm mắt, ngứa, cảm giác có dị vật trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều rỉ mắt, mắt đỏ. Đôi khi sáng ngủ dậy, dử mắt làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh hay bắt đầu từ một mắt, sau đó vài ba ngày đến mắt thứ hai… Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to. Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ không để lại biến chứng cho mắt. Ngược lại sẽ gây loét, xước giác mạc khiến người bệnh rất khó chịu.
Việc điều trị chủ yếu là nhỏ kháng sinh phổ rộng và nước muối sinh lý. Bệnh thường khỏi sau 7 - 10 ngày. Nếu không điều trị, khoảng 12 - 20% số bệnh nhân có biến chứng như xước giác mạc, viêm dưới biểu mô... Nhưng khi đã khỏi cũng có thể lây cho người khác trong vòng một tuần, nên tốt nhất người bệnh cần có ý thức cách ly, tránh dùng chung dụng cụ sinh hoạt, không dùng tay dụi mắt, nên rửa tay thường xuyên với xà phòng.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không được xông bằng lá trầu không, bạc hà hay các loại lá có tinh dầu vì chỉ khiến bệnh nặng thêm do mắt đang bị viêm sưng. Như trường hợp của chị Nguyễn Thu Thủy (ở Phú Xuyên, Hà Đông). Nhà sẵn cây trầu không, nên chị ngày 3 lần, lấy 9 lá trầu không rửa sạch, vò nát rồi ngâm trong nước nóng, cho vài hạt muối vào để xông mắt. Kiên nhẫn xông gần 1 tuần mà mắt vẫn không đỡ, ngược lại, mắt ngày càng sưng phồng, 2 mí không thể mở ra được. “Bình thường, với người bệnh đau mắt đỏ chỉ khoảng 1 tuần thì khỏi nhưng khi đã bị như vậy, điều trị có khi tới gần tháng trời”, TS Đông nói.
Ngoài ra, cũng không nên tự ý nhỏ cortisol quá sớm khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thuốc này có thể làm bệnh nặng lên, dai dẳng, hoặc gây biến chứng rầm rộ, thậm chí dẫn đến mù lòa.