Miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của dịch thủy đậu: Đã có nhiều ca biến chứng nặng

Phương Linh,
Chia sẻ

Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu bệnh nhân thủy đậu trên nền bị các bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể có biến chứng viêm phổi nặng thậm chí tử vong.

Miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của dịch thủy đậu do thời tiết lạnh kéo dài.

Trong vụ đông xuân năm nay, khoa Truyền nhiễm – BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu, và cũng có tới hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi , viêm não … Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân B.T.M.H (SN 1991, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống đã 7 năm nay và hiện đang điều trị nội trú tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai.

Do mắc bệnh nhân kèm thêm mắc hội chứng Raynaud đã cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4,5 trái chưa cắt. Tuy nhiên, ngày 1/3/2018, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt ngày thứ 2 và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình.

Miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của dịch thủy đậu: Đã có nhiều ca biến chứng nặng - Ảnh 1.

Ảnh phim là của cô gái biến chứng viêm phổi.

TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.

Bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp Đông xuân và diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não...

Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh…

Về điều trị bệnh thủy đậu, TS Cường cho biết, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm. Những trường hợp có viêm biến chứng viêm phổi hoặc trên cơ địa suy giảm miễn dịch phải dùng Acyclovir đường tĩnh mạch thì mới có hiệu quả.

Bên cạnh đó dùng các biện pháp chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể sạch sẽ, không cần phải kiêng cữ (kiêng gió, kiêng nước,...).

Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoides,...

Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc - xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 2 tháng.

Chia sẻ