Mẹ trẻ 25 tuổi ôm con nhảy cầu Vĩnh Tuy: Thêm cảnh báo về chứng bệnh nguy hiểm sau sinh
Một mẹ 25 tuổi ôm con nhỏ 7 tháng tuổi nhảy xuống sông Hồng tự vẫn như thêm lời cảnh báo về chứng bệnh nguy hiểm của các bà mẹ sau sinh.
Những ngày tháng "kinh khủng"
Mới đây, T.P.T trú tại Hà Bà Trưng, Hà Nội đã bế theo con gái nhỏ bỏ nhà đi và người nhà đã tìm được xác của chị T ở sông Hồng. Nhiều người đi đường ngày 23/9 trên cầu Vĩnh Tuy cũng chứng kiến bà mẹ trẻ bế theo con nhỏ đi ra giữa cầu, bỏ ô lại và nhảy xuống dưới sông. Dù có thuyền ở dưới sông đi qua nhưng vẫn không thể cứu được người mẹ trẻ.
Những người phụ nữ đã trải qua sinh đẻ nhiều người tâm sự họ đã vượt qua được những tháng ngày "kinh khủng" của tháng đầu sau sinh.
Chị Lê Thị Hà, Vĩnh Tuy, Hà Nội vẫn không thể nào quên được 1 tháng sau sinh của mình rơi vào khủng hoảng. Chị sinh mổ, sau sinh bé quấy, lại bị tắc sữa chị sốt liên tục.
Mọi người trong gia đình ai cũng bảo chị phải cho con bú mẹ, phải bú sữa mẹ. Đêm đến, bé khóc quấy, ngực đau tức sữa, đi lại chỉ trong phòng nhỏ 10 mét vuông khiến bà mẹ này như phát điên. Đỉnh cao đó là đêm khi bé được 20 ngày tuổi, chị đã ném con xuống đất mặc kệ bé khóc còn chị ngồi thu lu.
TS Tô Thanh Phương – Bệnh viện tâm thần trung ương 1
Mẹ chị vào hỏi sao chị lại ném con xuống đất, chị Hà đã nói "mẹ hãy mang nó về quê mà nuôi, con không nuôi nữa".
Câu nói này khiến cả gia đình chị Hà giật mình lo lắng về chứng trầm cảm sau sinh. Lúc này, cả nhà chồng và nhà chị Hà thống nhất cho chị về nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên để nghỉ ngơi, có hàng xóm, láng giềng, bạn bè đến chơi chị sẽ khuây khoả không nghĩ quẩn.
Đến nay, con chị Hà đi học mẫu giáo nhưng cứ thấy hình ảnh bà mẹ sau sinh bị trầm cảm nghĩ quẩn, chị lại "rùng mình" nghĩ về mình. Chị Hà may mắn có gia đình ở bên, mọi người nhanh chóng vỗ về để chị có thể thoải mái nhất. Nhưng hình ảnh bé con nằm khóc dưới đất, chị mặc kệ đến giờ bà mẹ trẻ này vẫn thấy ân hận sao lúc ấy lại bỏ con giữa nền đất lạnh.
Đừng "bỏ rơi" bà đẻ
Theo TS Tô Thanh Phương – chuyên gia về trầm cảm của Bệnh viện tâm thần trung ương 1, chứng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ ngày càng phổ biến hơn.
TS Phương kể ông gặp nhiều bà mẹ sau sinh được 3 – 4 tháng gia đình đã phải đưa vào viện điều trị trầm cảm sau sinh. Có những bà mẹ 5 năm nay vẫn chưa thể ngủ được, vẫn ít nói, vẫn lầm lì chống chọi với chứng trầm cảm.
Có những bà mẹ đã giết con mình, tự tử… vì bị trầm cảm sau sinh, ảo giác, hoang tưởng nghĩ con sẽ hại mình nên đã "ra tay" trước.
Người đời nói "hổ dữ không ăn thịt con" nhưng với những bà mẹ trầm cảm sau sinh, họ bị chứng loạn thần nếu có ảo giác, hoang tưởng thì nguy hiểm cho chính họ cũng như đứa trẻ.
TS Phương cho biết bình thường một tuần sau sinh, phụ nữ hay có cảm giác buồn, rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân. Cảm xúc này thoáng qua và sẽ hết nếu được sự hỗ trợ tích cực của gia đình, đặc biệt là người chồng.
Gia đình cần chia sẻ với phụ nữ sau sinh nhiều hơn
Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ ba sau đẻ), chị em rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều.
Nếu gia đình tinh ý, có thể nhận thấy những biểu hiện này trong một tuần họ điều chỉnh ngay cho sản phụ thì sẽ hết. Tuy nhiên, nhiều người bệnh sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi đẻ 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng.
TS Phương cho biết không phải ai sau sinh cũng bị trầm cảm nhưng tỷ lệ này chiếm khoảng 0,15 % phụ nữ sau sinh. Bệnh hay gặp ở những người đã từng bị bệnh trầm cảm, những người có mỗi quan hệ trong gia đình căng thẳng, chồng đi vắng, bà mẹ đơn thân.
Để hạn chế tối đa chứng trầm cảm sau sinh, TS Phương cho rằng gia đình là yếu tốt quyết định. Từ khi mang bầu nên tránh những sang chấn tâm lý, căng thẳng, áp lực đối với phụ nữ sau đẻ. TS Phương nhấn mạnh sau sinh sự quan tâm của người chồng, của gia đình chính là yếu tố giúp phụ nữ vượt qua được những triệu chứng của trầm cảm sau sinh.