Mẹ tôi lãi 80 triệu nhờ mua vàng, tôi đầu tư cổ phiếu vẫn quanh "bờ"

Thanh Anh,
Chia sẻ

"Đầu năm nay, mẹ khuyên mình đi làm hàng tháng có lương thì trích ra một ít để mua vàng, có thể gửi về cho mẹ tiện thể mua hộ vì mẹ vẫn đều đặn tích vàng. Khi đó, mình từ chối vì muốn tự lập, tự quyết định tài chính", Thuỳ Trang chia sẻ.

Trong khi thế hệ trước thích đầu tư bất động sản, tích trữ vàng, gửi tiết kiệm thì nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng thích đầu tư vào chứng khoán.

Thuỳ Trang (26 tuổi, làm bộ phận kinh doanh cho một công ty dược) chia sẻ, sau khi đi làm được có vài trăm triệu tiền tiết kiệm, cô bắt đầu nghĩ đến việc tìm đến các kênh đầu tư. "Thu nhập của mình lúc đó khoảng 25 triệu/tháng, có thể nói là khá ổn định và thừa sức để trang trải sinh hoạt. Thế nhưng nếu cứ chỉ đi làm và gửi tiết kiệm thì không biết đến bao giờ mới đạt được giấc mơ có nhà ở thành phố, có tiền tỷ trong tay", cô nói.

Trong các kênh đầu tư phổ biến, rõ ràng với số vốn nhỏ của các bạn trẻ thì mua một mảnh đất, một căn chung cư là điều rất khó. Bởi vậy, Trang đã quyết định rót 50% số tiền vào cổ phiếu, với hy vọng tài khoản sẽ x2, x3 trong vài năm. "Mình không định mua vàng vì nghĩ vàng nếu có tăng thì cũng phải đầu tư dài hạn, trong khi mua cổ phiếu thì có thể lãi hàng chục % chỉ sau vài tuần đến vài tháng. Trong số bạn bè của mình cũng có nhiều người lãi đậm, sau 1 năm đã đủ tiền mua xe, mua nhà".

Năm đầu tiên, Thuỳ Trang lãi khoảng 20%/năm, nhìn chung là mức lãi khá ổn mặt bằng chung và cũng gấp 3 lần gửi tiết kiệm. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, cô gần như không có lãi. "Có những thời điểm rất thuận lợi, mình lãi đến 30% nhờ đầu tư một mã ngân hàng trong 2 tháng. Thế nhưng chỉ cần sai một bước, có đợt tài khoản mình sụt giảm hẳn 15% chỉ sau vài phiên giao dịch. Nhìn đi nhìn lại, mình vẫn ở loanh quanh "bờ", chưa thấy giàu lên nhanh chóng như tưởng tượng", Trang kể thêm.

Khoản đầu tư hiệu quả nhất của Trang trong năm nay lại đến từ vàng. Cô nói: "Mẹ mình từ trước nay vẫn có thói quen mua vàng để phòng thân. Đầu năm nay, mẹ cũng khuyên mình đi làm hàng tháng có lương thì nên trích ra một ít để mua vàng, có thể gửi về cho mẹ để mua hộ. Khi đó, mình từ chối vì muốn tự lập, tự quyết định tài chính".

Sau đó Trang suy nghĩ lại. Tuy vàng khó tăng nhưng giảm thì còn khó hơn. Nếu coi như là một khoản tích trữ như gửi tiết kiệm cũng không tệ. Thế là đầu năm, Trang gửi nhờ mẹ mua giúp 5 chỉ vàng 4 số 9 có giá đâu đó hơn 6 triệu đồng/chỉ. Sau đó cứ một vài tháng cô lại gửi thêm nhờ mẹ mua vàng.

"Hôm nay thấy vàng tăng lên 7,8 triệu đồng/chỉ, mình phấn khởi về nhà hỏi mẹ. Mẹ mình mở két ra đếm cho mình 12 chỉ vàng, nếu bán đi lúc này cũng có lãi hơn 15 triệu đồng. Số tiền lãi thật ra không nhiều nhưng cũng giúp nỗi buồn từ tài khoản cổ phiếu vơi bớt phần nào".

Thuỳ Trang cũng chia sẻ thêm, ngoài số vàng mẹ mua để riêng cho cô thì bố mẹ vẫn giữ thói quen mua vàng như thường lệ. "Số vàng đó đã tăng 80 triệu đồng sau 1 năm miệt mài gom của mẹ tôi. Hoá ra, vàng không phải là kênh đầu tư chậm chạp và mất nhiều thời gian như mình nghĩ", Trang đúc kết. Bạn trẻ cho rằng tuy bố mẹ cô không am hiểu nhiều về thị trường tài chính, nhưng quan niệm đầu tư dài hạn của thế hệ trước rất đáng để học hỏi, và là một phần không thể thiếu khi đa dạng hoá danh mục đầu tư.

Chia sẻ