Mẹ thủ khoa Hưng Yên trượt NV1: "Đây là cú sốc quá lớn đối với gia đình"
Bà Minh Thảo, mẹ thủ khoa Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự bức xúc khi biết tin con trai trượt NV1, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, em Nguyễn Mạnh Hùng (Trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong ba thủ khoa khối A00 toàn quốc với số điểm 29,35 (vật lý 10, toán 9,6, hóa 9,75). Hùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính, nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bà Hồ Thị Minh Thảo (Hưng Yên) cho biết, kể từ khi hay tin con trai trở thành thủ khoa, gia đình bà luôn đặt trọn niềm tin vào Hùng. Tuy nhiên đến chiều 22/8, sau khi Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn đợt 1, ngành khoa học máy tính lấy điểm chuẩn 29,42, cả hai mẹ con bà đều thở dài, buồn rầu.
Theo đó, công thức tính điểm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành Khoa học máy tính như sau: Điểm xét tuyển = (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên.
Như vậy, dựa theo công thức tính điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội, em Mạnh Hùng sẽ được 29,21 điểm. Điều này đồng nghĩa nam sinh đã trượt nguyện vọng 1 ngành Khoa học máy tính.
"Lúc nào gia đình tôi cũng đặt niềm tin hy vọng vào cháu. Tôi bảo con đặt 10 nguyện vọng cho mẹ. Ai nghĩ đâu đây là một cú sốc quá lớn với gia đình.
Tôi cũng không biết quy chế cộng điểm như thế nào. Các cháu càng giỏi, điểm càng cao thì điểm cộng lại càng thấp. Học vỡ đầu cũng không bằng các bạn được cộng nhiều điểm ưu tiên. Tôi nghe nói có bạn được cộng gần 3 điểm, học làm sao lại?", bà Thảo nói.
Hơn một ngày sau khi biết điểm, gia đình bà Thảo nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm, động viên và chia buồn với Hùng.
Giống như mọi năm, mức điểm cộng ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75, khu vực 2 nông thôn là 0,5 và khu vực 2 là 0,25. Với đối tượng chính sách, mức ưu tiên chia thành hai nấc là 1 và 2 điểm. Như vậy, một thí sinh được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên (Xem phân chia khu vực và đối tượng ưu tiên ).
Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sau khi quy đổi về thang 30 được xác định theo công thức:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Với cách tính này, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần. Những em đạt tổng 30 điểm 3 môn sẽ không còn được ưu tiên.
Theo công thức tính điểm ưu tiên của năm 2023, 2 thủ khoa Mạnh Hùng và Mạnh Thắng sẽ có thêm khoảng 0,05 điểm cộng.
Bản thân bà cũng rất bức xúc và tiếc nuối bởi Hùng đã vạch ra quyết tâm theo đuổi nguyện vọng 1 - ngành Khoa học máy tính từ năm lớp 10. Bà luôn động viên, nhắc nhở con cần đọc và nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường.
"Con bỏ ăn, học ngày học đêm 3 môn toán, lí, hóa, thức đến 2 giờ sáng để vào bằng được NV1. Tôi cũng tin tưởng, hỏi con đọc kĩ đề án tuyển sinh đi. Vậy mà khối A00 có 3 cháu thủ khoa thì trượt 2 cháu, thế còn nói chuyện gì nữa?
Rõ ràng con giỏi đều 3 môn, mà giờ không bằng người giỏi 1 môn.
Lẽ ra đã vinh danh các cháu cả nước như vậy, khi xét vào bất cứ một trường đại học nào cũng phải ưu tiên thủ khoa hàng đầu. Xong lấy hết lượt rồi mới đến điểm các bạn còn lại. Chứ không vinh danh thủ khoa để làm gì?", bà mẹ Hưng Yên bày tỏ.
ĐH Bách khoa nêu lý do thủ khoa A00 trượt nguyện vọng 1
Năm nay, ngành Khoa học máy tính tuyển 300 sinh viên, chiếm chưa đến 4% tổng chỉ tiêu toàn Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại diện trường cho biết việc hai thủ khoa toàn quốc khối A00 trượt nguyện vọng 1 vào ngành có điểm chuẩn cao nhất là do cách tính điểm chuẩn riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo đó, với cách tính điểm chuẩn của Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh có điểm toán cao sẽ là lợi thế.
Đại diện trường cũng cho biết thêm sau khi nhập học, hai thí sinh này vẫn có cơ hội học ngành khoa học máy tính nếu vượt qua vòng phỏng vấn chọn vào lớp tài năng khoa học máy tính của trường.