Mẹ phàn nàn con trai có bàn chân bốc mùi cá ươn, đến bệnh viện khám mới biết mắc bệnh, đáng nói là nhiều người cũng bị bệnh này trong mùa hè

TÚ UYÊN,
Chia sẻ

Mỗi lần Tiểu Anh bước chân vào nhà, người mẹ đều phàn nàn về bàn chân bốc mùi cá ươn của con trai.

Bác sĩ Thái Dật San, khoa da liễu, bệnh viện Mackay Memorial Hospital chia sẻ về trường hợp bệnh của Tiểu Anh (17 tuổi), hiện là học sinh trung học. Mỗi lần Tiểu Anh bước chân vào nhà, người mẹ đều phàn nàn về bàn chân bốc mùi cá ươn của con trai.

Tại phòng khám, Tiểu Anh chưa cởi giày nhưng bác sĩ có thể ngửi thấy bàn chân bốc mùi hôi thối. Điều khiến bác sĩ kinh ngạc là gót chân của chàng trai có màu trắng và loang lổ vết rỗ. Bác sĩ đã chẩn đoán cậu bé mắc bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân. Ngoài ra, bác sĩ nhận thấy Tiểu Anh mắc hội chứng tăng tiết mồ hôi tay chân, điều này khiến bàn chân càng bốc mùi nồng nặc giống như có 20 con cá ươn quanh quẩn trong bầu không khí. Tiểu Anh vốn xem nhẹ bệnh tình của mình, bởi em cho hay không cảm thấy đau hay ngứa nơi gót chân loang lổ vết rỗ.

Mẹ phàn nàn con trai có bàn chân bốc mùi cá ươn, đến bệnh viện khám mới biết mắc bệnh này - Ảnh 1.

Điều khiến bác sĩ kinh ngạc là gót chân của chàng trai có màu trắng và loang lổ vết rỗ, được chẩn đoán mắc bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân.

Bác sĩ Thái Dật San cho biết: "Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại vi khuẩn micrococcus hoặc corynebacterium. Vi khuẩn sẽ tiết ra enzym phá vỡ keratin trong lớp sừng tạo các lỗ nhỏ như vết rỗ, đồng thời vi khuẩn phân sẽ giải lưu huỳnh trong protein khiến nó phát ra mùi nồng nặc là armonia".

Bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân thường xuất hiện ở nhóm người mắc hội chứng tăng tiết mồ hôi tay chân, do bàn chân chịu sức nặng của cơ thể nên ngón chân, gót chân, lòng bàn chân rất dễ xuất hiện dấu hiệu trên, trẻ nhỏ và cầu thủ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh.

Bác sĩ Thái Dật San cảnh báo: "Khi có dấu hiệu mắc bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân, bạn nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ sẽ kê toa cho người bệnh sử dụng thuốc mỡ kháng sinh hoặc thuốc nước. Trong trường hợp bệnh nhân mắc kèm hội chứng tăng tiết mồ hôi tay chân, bệnh nhân sẽ phối hợp sử dụng thuốc giảm tiết mồ hôi, thường xuyên thay giày tất, mang tất cotton thấm hút tốt, giữ bàn chân sạch sẽ, khô thoáng sẽ có lợi trong việc điều trị. Trong trường hợp bệnh diễn biến nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ điều trị bằng thuốc uống kháng sinh".

Bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân là gì?

Bệnh tiêu sừng lõm lòng bàn chân (pitted keratolysis): còn gọi là bàn chân rỗ, bàn chân hà. Tổn thương là những vết lõm đường kính từ 1-3mm tập trung thành đám ở lòng bàn chân hay thấy ở gót trước và gót sau không đau không ngứa.

Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở nam giới (tỉ lệ khoảng 8:1), và ở những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc môi trường ẩm ướt, bí mồ hôi hoặc những công việc ngoài trời vào những mùa mưa ẩm.

Có nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng này, phải kể đến:

- Thời tiết ấm nóng.

- Thói quen, công việc sử dụng giày dép bí hơi như ủng cao su, giày cao su, sợi vải tổng hợp.

- Những người bị tăng tiết mồ hôi tay chân.

- Những người gặp phải chứng tăng sừng, dày sừng lòng bàn tay chân.

- Người bị đái tháo đường.

- Người lớn tuổi.

- Người suy giảm miễn dịch.

Các biểu hiện có thể gặp phải:

Điều dễ nhận biết nhất chính là mùi khó chịu của chúng gây ra do vi khuẩn (2/3 số trường hợp sẽ có biểu hiện này). Cả phần trước gan chân, hoặc cả gót chân (mặt tì đè là chính) xuất hiện các đám bong da theo dạng lỗ chỗ từng lỗ kích thước khoảng 1-3 mm. Vùng bị tác động có thể ẩm ướt, rịn dịch nhẹ. 

Dễ nhận thấy nhất sau khi mới vừa ngâm hoặc tiếp xúc với nước xong. Các rỗ bong da này thường không có triệu chứng gì khó chịu nhưng đôi khi một số tình huống có thể cảm giác đau nhức hoặc ngứa khi đi lại (khoảng 1/3 số trường hợp). 

Dù hiếm nhưng vẫn có thể gặp phải tình trạng tương tự ở các ngón chân. Một biến thể ít gặp với biểu hiện bệnh lan tỏa cả lòng bàn chân kèm nền da đỏ bên dưới.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh lý này?

Tình trạng này có thể tái lập lại nhanh chóng trừ khi bạn giữ được lòng bàn chân luôn khô ráo. Những lưu ý sau đây có thể phần nào giúp hạn chế tái phát cũng như xuất hiện tình trạng bệnh:

- Hạn chế đi giày, tất nhiều nhất có thể.

- Đi tất bằng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như cotton và/hoặc sợi thiên nhiên, tơ tre…

- Nếu được, hãy đổi sang thói quen đi dép sẽ tốt hơn, đặc biệt dành cho những ai bị tăng tiết mồ hôi chân.

- Rửa chân bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn 2 lần mỗi ngày.

- Sử dụng con lăn hoặc bình xịt khử mùi, chống ra mồ hôi cho vùng chân.

- Không đi một đôi giày quá 2 ngày, hãy để thời gian cho chúng khô thoáng hẳn rồi sử dụng lại.

- Cần giặt tất thường xuyên với nhiệt độ ít nhất 60 độ C để đạt hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn.

- Không dùng chung khăn tắm, giày dép với người khác.

- Cần thấm khô chân sau khi tắm, rửa. Không để bàn chân ướt khi ngủ, nghỉ.

Theo Ettoday

Chia sẻ