"Mẹ ơi, làm cho con bữa sáng nhé, con tự đi học được rồi" - 14 chữ của con ám ảnh người mẹ suốt đời

Bảo Tín,
Chia sẻ

Vừa quay lại được một lúc, trái tim người mẹ đột nhiên thắt lại, vội vàng đuổi theo đứa con lớn.

"Mẹ ơi, làm cho con bữa sáng nhé, con tự đi học được rồi" - Chỉ vỏn vẹn 14 chữ ấy, đã trở thành cơn ác mộng ám ảnh người mẹ suốt đời.

Ngày thứ Hai ấy, một ngày thứ Hai bình thường đến mức không thể bình thường hơn. Cậu bé 9 tuổi Chenchen (Trung Quốc) có vẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện hơn mọi ngày. Ăn xong bữa sáng mẹ chuẩn bị, cậu chủ động xin tự đi bộ đến trường.

Dù chỉ là quãng đường vài phút, nhưng mẹ Chenchen lại cảm nhận được điều gì đó khác lạ. Sau khi con trai bước ra khỏi nhà, bà lén đi theo phía sau. Đi được một đoạn trong khu dân cư, mẹ Chenchen không thấy gì bất thường, lại nghĩ đến đứa con thứ hai mới 5 tuổi đang ở nhà cần chăm sóc, nên dừng bước.

Nhưng vừa quay lại được một lúc, trái tim người mẹ đột nhiên thắt lại, vội vàng đuổi theo đứa con lớn. Dọc theo con đường đến trường, mẹ Chenchen tìm khắp nơi nhưng không thấy bóng dáng cậu bé đâu.

"Có lẽ mình đã lo lắng quá mức?".  Mẹ Chenchen tự trấn an mình như vậy, rồi vô thức quay trở về tòa nhà nhà mình.

Đột nhiên, một tiếng "ầm" vang lên chói tai. Có người rơi từ trên cao xuống. Mẹ Chenchen tiến lại gần nhìn, ngay lập tức choáng váng: Trời sập rồi!

Chenchen, đứa con trai 9 tuổi, nằm dưới đất. 

Bố Chenchen nghe tin chạy đến, ôm lấy thân thể đứa con, khóc ròng rã... Sau này, người ta xem camera an ninh đã ghi lại những phút cuối cùng trước khi Chenchen rời đi.

Một bóng hình nhỏ bé, cô độc bước lên tầng thượng, đặt cặp sách xuống, đi tới đi lui... Một lúc sau, cậu bé bước lên bức tường thấp trên nóc nhà, chạy vài bước về phía rìa, rồi dừng lại, quay trở lại chỗ cặp sách và đứng yên. Ai cũng mong rằng, lúc ấy cậu bé sẽ khoác ba lô lên vai và quay đi.

Tiếc rằng thế giới này không có chữ "nếu".

Khoảng 30 giây sau, cậu bé tiến thẳng đến mép tầng thượng, rồi biến mất khỏi khung hình camera.

"Mẹ ơi, làm cho con bữa sáng nhé, con tự đi học được rồi" - 14 chữ của con ám ảnh người mẹ suốt đời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại sao?

Bố mẹ Chenchen cũng muốn biết tại sao.

Bố Chenchen đến trường, ngồi trong phòng giám sát xem đi xem lại đoạn băng ghi hình suốt hơn 20 tiếng, trải dài cả tuần lễ. "Tôi thấy Chenchen luôn bị giáo viên mắng, trong một tuần bị phạt 13 lần, thường xuyên bị đánh vào tay, có ngày còn bị phạt đứng suốt 4 tiết học".

Mẹ Chenchen còn tiết lộ, con trai từng bị phạt chép 10.000 lần, quyển vở phạt chép ấy đứa trẻ vẫn giữ đến tận bây giờ.

Bố Chenchen nói, khi chứng kiến những điều này, tay ông run lên không ngừng. Ông không hiểu, con mình đã phạm lỗi gì nghiêm trọng đến mức phải chịu những hình phạt như vậy.

Liệu bi kịch của Chenchen có liên quan đến những chuyện xảy ra ở trường hay không vẫn cần điều tra thêm. Nhưng về vấn đề trừng phạt trong giáo dục, có thể chia sẻ đôi điều với mọi người.

Nghiêm khắc và hà khắc là hai khái niệm khác nhau.

Tôi nhớ năm 13 tuổi, lên thị trấn học cấp hai. Có lẽ do thay đổi môi trường, thành tích học tập sa sút, thái độ cũng trở nên lơ là. Hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi quên mất một phần bài tập cô giao. Sau đó, khi giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, ai chưa hoàn thành đều phải lên văn phòng nhận phạt.

Chiếc thước kẻ rộng bằng hai ngón tay người lớn, mỗi lần quất xuống, lòng bàn tay học sinh đều để lại một vệt đỏ tươi. Thành thật mà nói, trẻ con nông thôn dày dạn, đánh mấy cái cũng chẳng sao. Nhưng điều quan trọng là xấu hổ, nhất là đứa trẻ nhạy cảm như tôi, vừa từ trường làng chuyển lên. Tôi chỉ nghĩ, bị bạn bè cười chê, từ nay không thể ngẩng đầu lên được nữa.

Sau này, những cảnh bị phạt đứng, phạt chép, bị giáo viên phê bình trước lớp vẫn tiếp diễn. Nói rằng nó không ảnh hưởng đến tâm hồn non nớt của tôi là không thể, nhưng những vết sẹo tưởng chừng ấy đều tan biến không lâu sau đó.

Sau này, không chỉ một lần tôi nhớ lại cảnh bị thầy trừng phạt năm xưa, bỗng hiểu ra một điều: Hình phạt lớn nhất với trẻ con không phải là một trận đòn, một lời mắng, mà là khi chúng không còn nhìn thấy ánh sáng của mình trong mắt người lớn.

Quay lại câu chuyện của Chenchen.

Trong mắt bố mẹ, Chenchen là đứa trẻ rất hiểu chuyện, mỗi lần ăn cơm xong đều giúp mẹ dọn bát đĩa, thỉnh thoảng còn quét nhà, lau sàn, chơi với em trai. Chenchen cũng không phải đứa trẻ lập dị, thường chơi bóng rổ, đạp xe cùng bạn bè. Cậu bé cũng từng nói với người lớn về ước mơ sau này của mình: Làm cảnh sát, lính cứu hỏa - đều là những nghề dũng cảm.

Vậy tại sao một đứa trẻ lạc quan như vậy, cuối cùng lại chọn cách ra đi quá đỗi cực đoan?

Bố Chenchen cũng tự tìm lý do từ bản thân.

Ông nói thành tích học tập của con trai luôn duy trì ở mức 80 điểm, có đôi ba lần ông đã nổi nóng vì vấn đề học hành của con. Nói thật, phụ huynh bây giờ ai cũng lo lắng, không ai dám khẳng định mình chưa từng thúc ép con về điểm số, chưa từng quát mắng khi con học kém.

Điều khiến người ta thở dài chính là câu "nợ nần" mà bố Chenchen nhắc đi nhắc lại. "Tôi nợ con quá nhiều, vì bận kiếm tiền, ít khi về nhà, có tháng chỉ về 1-2 lần, chưa từng dẫn con đi chơi xa, xa nhất cũng chỉ trong tỉnh Hồ Nam, thường thì chỉ đi leo núi gần nhà...".

Mẹ Chenchen tuy là nội trợ toàn thời gian, nhưng ngoài đống việc nhà, bà còn phải chăm sóc đứa con nhỏ hơn.

Giờ ngẫm lại, khi mang một đứa trẻ đến thế giới này, có lẽ nhiều bậc cha mẹ đang nợ con nhiều hơn những gì họ tưởng.

Trong thời đại vật chất không còn quá thiếu thốn như hiện nay, nhu cầu tâm lý của trẻ em đang được phóng đại vô hạn.

Không phải trẻ con bây giờ yếu đuối, mà mọi đứa trẻ đều mong manh như thế

Có một chi tiết trước khi Chenchen qua đời. Ngày 22/3, Chenchen từng kêu đau bụng, không muốn đến trường. Mẹ Chenchen đo nhiệt độ thấy không có vấn đề gì, nhưng cậu bé vẫn kiên quyết không đi học.

Thế là bố mẹ Chenchen bàn bạc qua điện thoại, cuối cùng chiều theo ý con. Đây là lần duy nhất cậu bé bày tỏ không muốn đến trường trước khi sự việc xảy ra.

Trong mắt người lớn, nhiều khi trẻ con không muốn đi học, cơ thể khó chịu, hay thậm chí chịu chút ấm ức, đều không phải chuyện quá nghiêm trọng. Nhưng tôi muốn nói rằng, trong thế giới nhỏ bé của một đứa trẻ, không có vấn đề nào là "nhỏ", tất cả đều là "sự kiện lớn".

Cậu bé 11 tuổi ở Giang Tây nhảy lầu tự tử, chỉ vì câu nói của giáo viên trong lớp: "Đầu óc em ngu si quá! Em không biết xấu hổ là gì sao?". Không, là bởi vì trước ánh mắt của cả lớp, cậu cảm thấy mình đã mất hết nhân phẩm.

Trong khoảnh khắc ấy, giá trị và cảm giác tồn tại của một thiếu niên cũng không còn.

Một bác sĩ tâm lý từng nói với tôi: "Rất nhiều đứa trẻ trước khi bước vào con đường tuyệt vọng, đã chiến đấu một mình trong bóng tối suốt nhiều năm".  Đúng vậy, những cảm xúc nhỏ bé, những cơn giận hờn vu vơ của trẻ con, luôn bị người lớn vô tình hoặc cố ý lờ đi.

Khi bi kịch xảy ra, chúng ta lại hỏi: "Trẻ con bây giờ không thiếu ăn thiếu mặc, sao lại yếu đuối thế?". Sự thật là, khi chúng ta dùng thước đo của người lớn để đong đếm trái tim một đứa trẻ, giáo dục đã thất bại ngay từ đầu.

Không phải trẻ con bây giờ yếu đuối, mà mọi đứa trẻ đều mong manh như thế.

Nuôi dạy một đứa trẻ khôn lớn chẳng dễ dàng gì, không cần nó bay cao bay xa, chỉ mong nó bình an đến già.

Chia sẻ