Mẹ nguy kịch, con tử vong vì chờ... phẫu thuật
Chỉ định mổ lúc 23h ngày 6/4, song mãi đến 6h sáng hôm sau, sản phụ Lã Thị Mai (Đồng Nai), mới được bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) "sờ" đến. Hậu quả là thai nhi tử vong.
Người nhà sản phụ cho biết, ngày 6/4, chị Mai có dấu hiệu đau bụng, gò từng cơn và xuất huyết âm đạo, người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ.
Tại đây, chị Mai được bác sĩ siêu âm và chỉ định mổ lúc 23h. Tuy nhiên, đến tận sáng hôm sau, khi chị Mai lên cơn sốc, tím tái, cuộc phẫu thuật mới được tiến hành. Kết quả, thai nhi nữ 36,5 tuần tuổi tử vong, riêng chị Mai hôn mê đến nay vẫn chưa tỉnh.
Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thừa nhận, bác sĩ trực ca - người phụ trách thăm khám cho sản phụ Mai đã chủ quan.
Bác sĩ Thanh cho biết, chị Mai nhập viện lúc 16h40 ngày 6/4. 17h, sản phụ này được chuyển đến khoa sản bệnh lý để đặt máy theo dõi vì kết quả siêu âm cho thấy tình trạng "nhau tiền đạo". Đến 23h, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết âm đạo và tăng cơn co. Bác sĩ trực đã khám và chỉ định mổ.
"Chỉ định của bác sĩ là hoàn toàn chính xác, nhưng vì lý do nào đó, có thể do chủ quan, không tiên lượng sự việc nên thay vì mổ ngay, bác sĩ này lại đi giải quyết sự vụ ở phòng sinh", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, thông thường khi phát hiện xuất huyết, thì dù thai nhi còn non tháng, thậm chí ở tháng thứ 7 cũng phải tiến hành ngay. Với ca này, thai nhi đã tử vong do tim thai suy sau khi mổ.
Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khẳng định, nhau tiền đạo là bệnh lý sản khoa phức tạp, trong phẫu thuật dễ bị xuất huyết ồ ạt và chị Mai rơi vào trường hợp này. "Khi sản phụ bị chảy máu quá nhiều, bệnh viện quyết định cắt toàn bộ tử cung và thắt động mạch để cầm máu nhưng tình hình vẫn xấu. Hiện bệnh nhân vẫn thở máy, huyết áp không ổn và tiên lượng khá dè dặt do mất quá nhiều máu", ông nói.
Trả lời câu hỏi "có hay không việc bác sĩ trực đã tập trung vào các ca mổ dịch vụ khác đến nỗi quên luôn chị Mai", ông Thanh thừa nhận, bác sĩ trực có tham gia mổ dịch vụ nhưng trước thời điểm mà bác sĩ này chỉ định mổ cho chị Mai.
Thay vì bám phần trên tử cung, nhau tiền đạo là loại nhau nằm chắn cửa tử cung. Tùy trường hợp, nhau có thể che một phần hoặc toàn phần cửa tử cung. Nhau tiền đạo chiếm tỷ lệ 1/100 ca mang thai, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng xuất huyết.
Tại Bệnh viện Từ Dũ luôn có trên 10 sản phụ mắc bệnh được theo dõi. Nhau tiền đạo thường được phát hiện trong thăm khám. Khi tư vấn, các bác sĩ luôn khuyên sản phụ nhập viện ở tuần thai thứ 36. Trường hợp xuất huyết âm đạo phải nhập viện ngay.
Phẫu thuật bệnh lý nhau tiền đạo luôn phức tạp vì đường dao mổ có thể cắt vào bánh nhau gây chảy máu. |