Mẹ không biết chữ dạy con từ học sinh cá biệt thành giám đốc tập đoàn lớn: Không học thêm, chỉ áp dụng bằng 1 bản hợp đồng
Mẹ con bà Vương Tú Vân chẳng ngờ rằng bản hợp đồng năm xưa mà đã thay đổi toàn bộ tương lai của cả gia đình sau 20 năm.
Bản hợp đồng có 1 không 2
Sinh ra trong một gia đình nghèo, là con cả, Vương Tú Vân đã phải bỏ học từ sớm để kiếm tiền nuôi các em. Năm 1982, khi 22 tuổi bà kết hôn với một giáo viên trong làng và sinh được cậu con trai Lưu Hoa Nam.
Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, bà nhận ra rằng dẫu chăm chỉ đến mấy nhưng chỉ làm những công việc đồng áng thì khó có thể thoát nghèo. Vì thế bà luôn tin rằng nếu muốn thay đổi số phận con đường duy nhất là học vấn. Bởi vậy, bà luôn quản thúc và bắt ép con trai mình phải học thật giỏi.
Lưu Hoa Nam là một đứa trẻ thông minh và nghịch ngợm. Trong những năm tiểu học, mặc dù chán ghét sự kiểm soát của mẹ nhưng điểm số của cậu vẫn ở top đầu và giành được nhiều giải thưởng.
Tuy nhiên đến năm cấp 2, Lưu Hoa Nam luôn tỏ ra khó chịu trước sự kiểm soát của mẹ. Khi bước vào năm thứ 3 trung học, cậu thành một học sinh cá biệt: trốn học, đánh bạn... Cậu không muốn đến trường và có ý định bỏ học vì không còn hứng thú.
Sự thay đổi của con trai khiến Vương Tú Vân bất lực. Sau lần bị mời ra trường gặp giáo viên vì hành vi đánh bạn của con trai, bà đã không kiềm chế được nên đánh con. Lúc đó, bà nghĩ rằng việc mình đánh con sẽ khiến cho cậu bé nhận ra sự nghiệm trọng của hành vi đã gây ra. Tuy nhiên bà không ngờ rằng Lưu Hoa Nam đã bất bình với cách kỷ luật của mẹ.
''Tại sao con phải chăm chỉ học hành? Tại sao mẹ không biết chữ mà con phải học? ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh là gì? Con không quan tâm đến những thứ đó'', Lưu Hoa Nam tức giận và cãi lời mẹ.
Trước câu hỏi đó, Vương Tú Vân khẳng định: ''Con khó có thể đỗ được ĐH Thanh Hoa. Nhưng nếu con vào được Thanh Hoa thì người không biết chữ như mẹ sẽ trở thành nhà văn''.
Vương Tú Vân và con trai Lưu Hoa Nam (2 người ngồi 2 bên)
Trước lời nói có phần thách thức của mẹ và tâm lý hiếu thắng, Lưu Hoa Nam đã cá cược với mẹ mình bằng 1 bản hợp đồng rõ ràng. Vì muốn thay đổi tương lai của của cậu con trai nổi loạn, bà đã đồng ý ký vào bản hợp đồng. Sau này hai mẹ con đều không ngờ rằng chính thoả thuận tưởng đùa trên giấy đã ràng buộc họ đến 20 năm.
Hành trình thực hiện thoả thuận
Sau khi ký kết hợp đồng với con trai, mặc dù bà cũng lo lắng không biết bản thân có thể trở thành nhà văn hay không nhưng luôn hạ quyết tâm đến cùng để có thể thay đổi tương lai cho Lưu Hoa Nam. Vào những năm 40 tuổi, Vương Tú Vân mới bắt đầu học những chữ Hán đơn giản nhất và từng bước lấp đầy lỗ hổng kiến thức trước đó.
Do bỏ bê việc học trong thời gian dài, nền tảng kiến thức của Lưu Hoa Nam rất kém, đặc biệt là tiếng Anh. Để bắt kịp tiến độ học tập, anh tự học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi. Thậm chí trong giấc ngủ buổi đêm anh cũng nói mơ những từ tiếng Anh.
Lưu Hoa Nam viết tiếng Anh vào những tờ giấy nhớ và dán khắp nơi để học.
Nhìn thấy sự cố gắng của con trai, Vương Tú Vân bắt đầu nhen nhóm hy vọng. Khi kể với chồng về vụ cá cược, bà được chồng ủng hộ. Để thực hiện được ước mơ trở thành nhà văn, khi rảnh rỗi ông thường dạy vợ mình các kiến thức văn học. Khi đọc được nhiều ký tự hơn, Vương Tú Vân cũng rèn luyện bằng cách đọc cho chồng nghe sách báo, tiểu thuyết, hay các tác phẩm văn học kinh điển trong và ngoài nước. Việc tăng cường đọc đã giúp bà nâng cao khả năng cảm thụ văn học.
Nhìn thấy sự cố gắng và tiến bộ của mẹ, Lưu Hoa Nam không dám buông bỏ. Trong 3 năm cấp 3, điểm số của anh từ vị trí cuối đã dẫn đầu lớp.
Vụ cá cược tưởng rằng là lời nói đùa đã trở thành ''đòn bẩy'' để hai mẹ con cùng tiến bộ và hoàn thành mục tiêu. Vào những ngày cuối tuần, Lưu Hoa Nam thường trao đổi kiến thức và viết lách với mẹ. Dường như giữa hai mẹ con không còn khoảng cách như xưa.
Chiếc bàn cũ và ngọn đèn được thắp suốt đêm ngày đã mang bao ước mơ của một gia đình 2 thế hệ.
Bà Vương Tú Vân ngày đêm miệt mài lấp đầy kiến thức
Năm 2001, Lưu Hoa Nam được nhận vào ĐH Lâm nghiệp Bắc Kinh chuyên ngành kiến trúc cảnh quan. Dẫu không được nhận vào ĐH Thanh Hoa nhưng bố mẹ rất hài lòng về sự tiến bộ của con trai.
Về phần Vương Tú Vân, bà cũng bắt đầu con đường trở thành nhà văn của mình. Với sự giúp đỡ của chồng và con trai, bà cũng đã xuất bản được cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Giữ đúng lời hứa với mẹ, năm 2007, sau hai năm học lên cao, Lưu Hoa Nam đã lấy được bằng thạc sĩ của trường kiến trúc thuộc ĐH Thanh Hoa. Sau khi tốt nghiệp, anh gia nhập vào tập đoàn Lenovo và từng đạt được vị trí giám đốc điều hành.
Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay công việc, nghĩ về 20 năm thực hiện bản hợp đồng cá cược với mẹ, anh lại có thêm sự tự tin.
Sau cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Vương Tú Vân lần lượt xuất bản những tác phẩm khác và được nhiều bạn đọc yêu thích. Từ mù chữ trở thành một nhà văn, khoảng trống tưởng như không thể vượt qua đã được Vương Tú Vân lấp đầy từng chữ một.
Có thể thấy trong quá trình giáo dục của trẻ việc nêu gương là rất quan trọng. Nhiều người cho rằng trẻ chỉ đang học khi đọc sách nhưng thực tế, quá trình tiếp thu kiến thức của trẻ diễn ra liên tục trong quá trình tương tác với môi trường xung quanh. Chúng thu vào tầm mắt mọi hành vi của cha mẹ. Có những người không hiểu vì sao con trẻ có hành vi thiếu chuẩn mực. Nhưng nếu tự soi chiếu những thói quen của con trẻ vào hành vi ứng xử của những người xung quanh, nhất là cha mẹ, có thể họ sẽ tìm thấy câu trả lời. Trẻ con như một miếng bọt biển, thấm hút mọi thứ trong tầm mắt. Chính vì vậy, cha mẹ nêu gương được xem là một trong những phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất, giúp trẻ định hướng bản thân một cách tự nhiên, hài hòa.