Mẹ học võ để dạy con

,
Chia sẻ

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, trên tờ Tân Văn học báo của Trung Quốc có đưa một thông tin gây nhiều chú ý.

Một ông chủ lớn tại tỉnh Quảng Đông bỏ 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 đôla) thuê võ sư Thiếu Lâm tự làm vệ sĩ cho con gái mình.

Tờ ChinaDaily cũng có hẳn một bài phóng sự về hiện tượng tại Bắc Kinh nở rộ các lớp dạy học sinh tiểu học cách tự vệ khi bị tấn công. Và trên rất nhiều các diễn đàn phụ nữ của Trung Quốc hiện nay, chủ đề được quan tâm và trao đổi nhiều nhất chính là chuyện các mẹ đi học võ để về dạy con mình.


Các vụ tấn công trường học ở Trung Quốc liên tiếp xảy ra, do đó các em học sinh tại một trường tiểu học ở Bắc Kinh đi học có nhân viên bảo vệ mang dùi cui hộ tống. Ảnh: Reuters

Thời gian biểu của chị Trương Liên, đang sống tại Bắc Kinh đã thay đổi từ hai tuần nay. Chị có ba buổi sáng trong tuần tham gia lớp dạy võ thuật và tự vệ của một trung tâm thể thao gần nhà. “Tôi không học cho mình, mà học để về dạy cho con cách tự vệ khi bị tấn công”, chị Trương Liên lý giải. Nặng 50kg và cao 1,62m, Trương Liên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày mình sẽ… học võ. Ngoài công việc nội trợ, chị chỉ có một niềm ưa thích là may vá và thiết kế các bộ quần áo cho cô con gái đang học lớp hai. Nhưng một loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại Trung Quốc nhằm vào các trường học gần đây đã khiến chị cùng nhiều bậc phụ huynh khác tại nước này lo lắng.

“Tôi đã nói chuyện với các chị em trong khu chung cư. Họ cũng giống tôi, đều cảm thấy bất an khi con cái tới trường. Và thực sự, chúng tôi không biết làm gì để giảm bớt sự lo lắng…” Giải pháp xuất hiện khi chị Mã, người hàng xóm của Trương Liên đọc được lời giới thiệu của một số chị em khác trên diễn đàn các bà nội trợ Trung Quốc. Chị đã rủ bốn, năm mẹ khác trong khu nhà cùng đi học võ.

Theo các chị tới một lớp học vào 9 giờ sáng, nhà báo Chung Thẩm của tờ ChinaDaily khá bất ngờ khi chứng kiến cảnh rất đông chị em không phải đang tập aerobic mà đang thực hiện các động tác karate. “Họ vụng về nhưng rất nghiêm túc. Các giáo viên của họ khá vất vả khi hướng dẫn động tác cho những phụ nữ chỉ quen bếp núc và may vá. Nhưng các chị thực sự muốn học và điều đó động viên các võ sư rất nhiều”. Chung Thẩm viết.

Mỗi khoá học ba tháng của Trương Liên có chi phí 1.000 nhân dân tệ. Đặc biệt, các chị được học nhiều động tác tự vệ và đối kháng để sử dụng trong trường hợp cần thiết. “Họ muốn học để về dạy lại cho con cái cách tự vệ.
 
Đó cũng là một cách hay bên cạnh việc trực tiếp cho các cháu tới lớp học”, võ sư Lương 42 tuổi nói. Ông Lương đang phụ trách bốn lớp võ đặc biệt tại trung tâm thể thao quận An Đông, thành phố Bắc Kinh. Hai lớp của các mẹ và hai lớp là trực tiếp dạy kỹ năng phòng thủ cho các em học sinh từ 6 – 15 tuổi.

Vị võ sư này chưa bao giờ kín lịch dạy như hiện nay. Nhưng ông tâm sự điều đó ít nhiều khiến ông buồn: “Nếu võ thuật chúng tôi dạy là để người học nâng cao sức khoẻ và sự dẻo dai thì thật có ý nghĩa. Nhưng chúng tôi phải dạy võ cho những cô bé cậu bé này cũng như mẹ của chúng để họ tự vệ trước những nguy cơ bị tấn công thì chẳng đáng vui chút nào…”

Tâm sự của vị võ sư giống với nhiều bậc phụ huynh tại Trung Quốc hiện nay. Trên nhiều diễn đàn gia đình và phụ nữ, sự bất an, lo lắng thể hiện rất rõ. “Đi học là niềm vui của bọn trẻ. Vậy mà giờ đây chúng phải học trong môi trường bị bảo vệ nghiêm ngặt. Các tiết học có thêm buổi hướng dẫn tránh xa người lạ và cách xử trí khi bị người lạ tấn công. Đó đâu phải thứ một học sinh lớp hai như con tôi cần phải học?!” Đây là tâm sự của chị Đình Đình, 32 tuổi đang sống tại Thiểm Tây. Đây chính là nơi đã xảy ra một trong những vụ tấn công làm bảy trẻ em bị chém chết và 20 em bị thương.

Nhiều bà mẹ trên diễn đàn chinawoman.com chia sẻ họ rất khó giải thích cho con cái tại sao phải cảnh giác với mọi người xung quanh và cần học vài thế võ. “Tiểu Lâm nhà tôi là một thằng bé hiền lành. Nó chỉ thích đọc truyện tranh và vẽ. Khi tôi dạy cho cháu một số động tác mình học được, thằng bé không hề thích và tỏ ra ngạc nhiên tại sao phải học võ mà không phải môn thể thao nào khác”, chị Lỗ ở Thượng Hải kể. Không bà mẹ nào không muốn con cái có một tuổi thơ vô tư trong sáng. Nhưng thực tế xã hội đang khiến họ phải dạy con cái biết cảnh giác và hoài nghi.

Nhà tâm lý học La Tiểu Lượng tại trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em thành phố Thượng Hải cho biết: “Những vụ tấn công trường học liên tiếp này giống một vết đâm rất sâu vào cơ thể xã hội Trung Quốc hiện nay. Nó buộc người lớn phải giúp con trẻ tự vệ. Và đau đớn hơn, nó khiến con trẻ mất niềm tin từ quá sớm và thế giới xung quanh”.
 
Bà La Tiểu Lượng là người trực tiếp được mời điều trị tâm lý cho một số học sinh đã chứng kiến vụ tấn công tại tỉnh Giang Tô. Hiện nay, ba trong số 22 học sinh cần điều trị tâm lý vẫn đang trong tình trạng sợ hãi.
Chính ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng phát biểu rằng nguyên nhân của những vụ giết người dã man vừa qua xuất phát từ căng thẳng xã hội. Đa số các hung thủ đều tự tử sau khi gây án và đều trong tình trạng mất kiểm soát bản thân.
 
Chính phủ Trung Quốc hiện nay đang kêu gọi một cuộc chỉnh đốn sâu sắc trong xã hội, đặc biệt là các cơ quan từ cấp địa phương. Tăng cường các hoà giải mâu thuẫn, rà soát lại và hỗ trợ giải quyết tâm lý căng thẳng cho những đối tượng đặc biệt trên địa bàn song song với các biện pháp xử lý mạnh tay là những gì các nhà quản lý đang làm.

Còn các bà mẹ ở thành phố Bắc Kinh vẫn ngày ngày chăm chỉ tới các lớp học karate và về nhà truyền lại các kỹ năng phòng ngự cho con cái mình. Ít nhất điều đó khiến họ bớt phần nào lo lắng. Nhưng một mối lo khác lại mơ hồ xuất hiện. Tư tưởng bạo lực xuất hiện từ đâu?

 
Theo Thanh Minh
SGTT
Chia sẻ