Mẹ Hà Nội liệt kê 1 khoản chi, hỏi 1 câu khiến tất cả thở dài

Ngọc Linh,
Chia sẻ

Nhiều người chỉ biết đồng cảm, động viên bà mẹ này cố gắng chứ cũng chẳng biết phải khuyên điều gì.

Những ngày cuối năm, chỉ cần mở điện thoại ra và truy cập vào bất kỳ 1 trang MXH nào, chúng ta đều có thể bắt gặp những bài tâm sự, trải lòng về chuyện thưởng Tết, tiêu Tết. Có người than năm nay lương thưởng giảm, có người kể Tết này quyết tiêu tiết kiệm.

Đâu đó trong những luồng chia sẻ ấy, có những “hơi thở dài” khẽ vang lên, không phải vì chuyện tiêu Tết nói chung, mà vì lại 1 năm nữa trôi qua mà bản thân chẳng có gì ngoài những khoản nợ chồng chéo.

Thất nghiệp, một mình nuôi 2 con và khoản nợ 858 triệu đồng

Chia sẻ của bà mẹ này có thể gói gọn trong 1 câu: “Bế tắc vì nợ nần”. Ở độ tuổi ngoài 40, chị đang phải 1 mình nuôi 2 con học cấp 1, đã thất nghiệp 2 tháng nay, nhưng tất cả những khó khăn đó chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ hơn 800 triệu đang đè lên vai.

Mẹ Hà Nội liệt kê 1 khoản chi, hỏi 1 câu khiến tất cả thở dài- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

“Mình thất nghiệp 2 tháng nay. Trước đó còn đi làm, mình có vay tín chấp qua lương của 3 ngân hàng, tổng nợ hiện tại còn 700 triệu, trả góp 3 năm nữa mới hết. Ngoài ra, mình cũng dùng 3 thẻ tín dụng, tổng dư nợ là 158 triệu.

Mình vay mượn và nợ do trước đó kinh doanh thua lỗ. Nếu bây giờ mình xin ngân hàng cho ngưng đóng 1 thời gian để làm lại, qua giai đoạn khó khăn rồi mình trả tiếp thì có được không mọi người nhỉ?

Thực sự là mình gồng hết nổi rồi, tháng này cũng chi tới 60-70 triệu mà chủ yếu là tiền trả nợ. Nhiều lúc nghĩ tới việc buông xuôi nhưng thương 2 con nên lại cố…” - Cô viết.

Với câu hỏi mà cô đặt ra về việc xin ngân hàng giãn nợ, ngưng trả nợ 1 thời gian, nhiều người chỉ biết thở dài, vì rõ ràng đó là điều không thể, không khả thi ở thời điểm này. Tất cả mọi người cũng chỉ biết động viên cô cố gắng, khuyên cô nên chia sẻ với gia đình, nhờ gia đình giúp đỡ chứ chẳng còn cách nào khác.

“Không xin được đâu bạn. Không đóng thì bị nợ xấu, dù là khoản vay tín chấp hay thẻ tín dụng. Nếu hết sức gồng thì đành chấp nhận nợ xấu, nhưng nên báo cho người thân, bạn bè biết vì khi không trả đúng hạn, ngân hàng sẽ gọi cho người tham chiếu mà bạn đăng ký khi tạo khoản vay đấy” - Một người chia sẻ.

“Khó quá thì đành chấp nhận nợ xấu thôi bạn. Chứ đang thất nghịêp mà mỗi tháng chi phí 60-70 triệu thì gánh kiểu gì nổi, cùng lắm cũng cố được 1-2 tháng nữa là kiệt sức. Chuẩn bị tinh thần, tâm lý để bị đòi nợ, rồi tập trung làm kiếm tiền trả sau” - Một người khác khuyên.

“Không ai muốn bị nợ xấu cả nhưng hoàn cảnh thế này nếu cố thì vòng nợ cứ nối dài ra thôi, quẩn quanh không biết bao giờ mới dứt được ấy chứ… Còn việc xin giãn nợ thì không khả thi rồi, vì nghị định gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn chỉ có hiệu lực từ ngày 24/4/2023 đến hết 30/6/2024 thôi” - Một người khác cho hay.

Nợ nhiều nơi, nên làm gì để giảm bớt tiền lãi, tránh thanh toán chậm?

Nếu hiện tại, bạn đang có nhiều hơn 1 khoản nợ, mỗi khoản nợ lại có mức lãi suất khác nhau, hãy tham khảo 3 gợi ý dưới đây để giảm tối đa tiền lãi, cũng như đảm bảo việc thanh toán đúng hạn.

Mẹ Hà Nội liệt kê 1 khoản chi, hỏi 1 câu khiến tất cả thở dài- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

1 - Gom nợ về 1 mối

Nói một cách dễ hiểu hơn: Ví dụ bạn đang có 3 khoản nợ, thay vì trả 3 khoản nợ ở 3 nơi, bạn có thể tạo thêm 1 khoản nợ thứ 4 với số tiền vay bằng dư nợ của 3 khoản nợ hiện tại cộng lại. Sau đó, dùng tiền đi vay được để trả đứt 3 khoản nợ ở 3 nơi khác nhau, và tập trung trả 1 khoản nợ duy nhất (khoản nợ số 4).

Việc này vừa tối ưu tiền lãi, vừa hạn chế tình trạng quên thanh toán dẫn tới chậm trả. Tuy nhiên, nếu tổng dư nợ hiện tại của bạn đang quá cao, việc vay thêm sẽ không mấy khả thi. Cách tốt nhất có lẽ vẫn là vay người thân, bạn bè.

2 - Ưu tiên trả những khoản nợ có lãi suất trước

Vay tiền từ ngân hàng, công ty tài chính hoặc thẻ tín dụng, chắc chắn bạn sẽ phải trả một khoản tiền lãi. Trong trường hợp có cả nợ có lãi, và nợ không có lãi (nợ vay người thân, bạn bè), bạn nên ưu tiên thanh toán đúng hạn và dứt điểm các khoản nợ có lãi. Đồng thời, xin giãn nợ với những khoản nợ không có lãi.

3 - Nợ nhỏ trả trước, nợ lớn trả sau

Nếu tất cả các khoản nợ hiện tại của bạn đều là nợ có lãi, vậy thì hãy ưu tiên trả hết các khoản nợ nhỏ trước, trong lúc đó, vẫn duy trì việc trả nợ hàng tháng một cách đúng hạn với các khoản nợ lớn.

Mẹ Hà Nội liệt kê 1 khoản chi, hỏi 1 câu khiến tất cả thở dài- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Đây chính là phương pháp "quả cầu tuyết" trong giải quyết nợ nần, được sáng lập bởi Dave Ramsey - Chuyên gia tài chính cá nhân và tác giả cuốn sách The Total Money Makeover.

Dave Ramsey cho rằng xử lý các khoản nợ theo thứ tự từ nhỏ đến lớn giúp hạn chế tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con", đồng thời, tạo dựng sự lạc quan và tự tin trong quá trình trả nợ.

Sau khi trả được một món nợ, bạn sẽ không phải trả tiền lãi của món nợ đó nữa, những quả cầu tuyết nhỏ đã bị mất đi và quan trọng nhất đó là tâm lý hoàn thành. Tâm lý này sẽ tạo cho bạn động lực để trả những món nợ lớn hơn. Dần dần, với sự kiên trì cùng tinh thần lạc quan và tự tin, bạn sẽ thoát khỏi vòng xoáy nợ nần.

Chia sẻ