Mẹ Hà Nội chia sẻ: Cách quản lý tài chính của tôi là tuân thủ quan điểm KHÔNG NHÀ - KHÔNG XE - KHÔNG NỢ
Trong ghi chép chi tiêu của gia đình tôi không có khoản nào chi cho việc trả nợ!
* Câu chuyện được chia sẻ bởi chị Thu Linh, 40 tuổi, Hà Nội
Quản lý tài chính gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho mỗi thành viên. Một kế hoạch tài chính gia đình hiệu quả giúp kiểm soát nguồn thu và chi, từ đó có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản, chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng, đối phó với các tình huống khẩn cấp, và hướng tới việc đầu tư lâu dài.
Quản lý tài chính là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng một gia đình vững mạnh, có khả năng đối mặt với những thử thách của cuộc sống mà không bị dao động bởi các vấn đề tài chính.
Mục đích cuối cùng mà gia đình tôi muốn hướng đến trong công cuộc quản lý tài chính là MUA NHÀ - MUA XE nhưng chúng tôi không lựa chọn phương án dùng cho đã trước rồi mới tìm cách trả tiền sau. Bởi vậy nguyên tắc đặt lên hàng đầu của gia đình tôi là KHÔNG NỢ NẦN.
Nhà tôi có 2 vợ chồng và 1 con nhỏ, thu nhập của 2 vợ chồng hiện tại là 42 triệu. Trong đó sẽ có 12 triệu để tiết kiệm và toàn bộ chi phí sinh hoạt cho cả tháng sẽ gói gọn trong 30 triệu.
Các khoản chi của gia đình tôi sẽ chia làm 3 phần chính: Chi tiêu chung; Chi cho con; Chi tiêu riêng.
Chi tiêu chung: 15 triệu đồng
- Ăn uống: 7 triệu đồng
- Thuê nhà: 5 triệu đồng
- Phí sinh hoạt (điện nước, internet...): 2 triệu đồng
- Phát sinh: 1 triệu đồng
Chi cho con: 8 triệu đồng
- Học phí: 4 triệu đồng
- Bỉm sữa: 2 triệu đồng
- Thuốc men, thực phẩm chức năng, ăn uống, ăn vặt: 2 triệu đồng
Chi tiêu riêng: 7 triệu đồng
- Tiền tiêu riêng của vợ: 3 triệu đồng
- Tiền tiêu riêng của chồng: 4 triệu đồng
(Khoản tiêu riêng này sẽ bao gồm cả tiền xăng xe, chi phí đi lại...)
Hiện tại, chúng tôi có 1 khoản tiết kiệm 1,5 tỷ. Bố mẹ 2 bên đều khuyên vay mượn thêm để mua nhà, thậm chí chị chồng tôi sẵn sàng cho vay không lãi suất, không áp lực hạn trả, có thể chia ra mỗi năm trả 1 ít cũng được nhưng cả 2 vợ chồng tôi đều thống nhất là không vay mượn. Nợ nào mà chẳng phải trả.
Chúng tôi hướng tới mục đích mua nhà, mua xe nhưng là khi đã tiết kiệm đủ tiền chứ không phải cứ mua đại đi, thiếu thì vay rồi trả sau. Bởi vậy cho nên đến thời điểm này vợ chồng tôi vẫn KHÔNG NHÀ - KHÔNG XE - KHÔNG NỢ.
Áp lực trả nợ là áp lực không phải gia đình nào cũng gánh được và gia đình tôi là 1 trong những gia đình không chịu nổi áp lực này. Hơn nữa, nếu mua nhà trả góp, với tiềm lực kinh tế của nhà mình thì ít nhất cũng phải 7 năm cho đến 10 năm chúng tôi mới trả hết nợ. Vào thời điểm 10 năm nữa, căn nhà chúng tôi mua chắc chắn đã xuống cấp phần nào. Vừa trả hết nợ thì cũng là lúc phải cải tạo.
Xe cộ vốn dĩ là tiêu sản, càng đi càng hao mòn, càng sử dụng càng mất dần giá trị. Nếu vay mượn hoặc mua xe trả góp thì đến khi trả hết nợ có lẽ cũng là lúc phải mua xe mới. Vậy sao tôi không để đến lúc đủ tiền để mua đứt 1 chiếc xe luôn?
Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, thế nhưng gia đình tôi đã quản lý chi tiêu rất thành công chỉ dựa trên nguyên tắc có thì mua không thì thôi và nhất quyết thống nhất quan điểm KHÔNG NHÀ - KHÔNG XE - KHÔNG NỢ!