Mẹ già 80 tuổi cặm cụi chăm sóc con mắc bệnh Down
Con gái đầu bỏ đi biệt tích, con thứ 2 mất vì ung thư, tuổi già của bà Đặng Thị Phấn (Hóc Môn, TP.HCM) chưa hết buồn lo với cậu con trai Đặng Văn Hồng 40 tuổi bị mắc bệnh Down.
Cuộc đời là chuỗi nỗi đau...
Cuộc đời của bà Đặng Thị Phấn (80 tuổi, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) là những chuỗi ngày buồn không dứt. Chồng mất sớm, bà phải làm lụng vất vả đủ mọi nghề để nuôi 4 đứa con nhỏ. Từ nhân viên vệ sinh đến giúp việc nhà… bà Phấn đều không ngại vất vả với mong muốn mang cho con những ấm no đủ đầy.
Những tưởng được an ủi khi về già, nào ngờ cách đây hơn 10 năm, con gái lớn của bà đột nhiên bỏ nhà ra đi, đến giờ vẫn bặt tăm tin tức. Những lần nhớ về con là những lần bà quay quắt khôn nguôi. Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì năm 2013, cô con gái thứ hai qua đời vì bệnh ung thư.
Dù đã 80 tuổi, ngày ngày bà Phấn vẫn chăm sóc con trai bị bệnh Down
Nhắc đến con trai út, bà Phấn trầm giọng: “Lúc sinh con ra, tui đâu biết nó bị hội chứng Down. Càng lớn, con vẫn không biết nói năng gì, mặt thì khờ khạo. Giờ 40 tuổi rồi mà vẫn như một đứa con nít. Ai cũng gọi nó là Ngốc”.
Cái nghèo cái khổ hình như đã đeo bám ai là không chịu buông tha. Hoàn cảnh của bà Phấn cũng như vậy, làm việc vất vả, chắt chiu từng đồng nhưng vẫn không đủ sống, đến tận cuối đời vẫn không có một mái nhà của riêng mình để đi về.
Sau khi đi khắp nơi chữa bệnh, bà Phấn đành chấp nhận sự thật con mình bị khiếm khuyết trí tuệ
Trước đây, bà Phấn, anh Hồng cùng một anh con trai nữa sống cùng người con trai thứ ba. Không may, anh này làm ăn sa sút, phải bán hết nhà cửa, ba mẹ con phải về Hóc Môn tá túc tạm ở ngôi nhà nhỏ xíu của con rể thứ hai. Lương hưu của bà cộng với tiền trợ cấp khuyết tật của anh Hồng mỗi tháng hơn 2 triệu, bà chắt góp để lo từng bữa ăn cho con, không muốn phiền lụy đến cậu con rể một mình phải lo cho hai con nhỏ.
"Lúc con ôm tui, tui rất hạnh phúc"
Thời còn trẻ, bà đã từng ấp ủ hy vọng một ngày nào đó, cậu con trai bị Down của mình biết gọi "mẹ ơi" và được đến trường như bao đứa trẻ khác. Thấy con thường xuyên đau yếu nên nghe ở đâu có thầy hay, thuốc tốt, bà đều bế con đi chữa trị. Hết thuốc Tây rồi lại đến thuốc Nam nhưng anh Hồng vẫn như thế, ốm yếu, bệnh tật liên miên. Những năm tháng dần trôi qua, hi vọng cũng cạn dần, bây giờ bà chấp nhận sự thật rằng anh bị khiếm khuyết trí tuệ và chỉ mong bình yên luôn ở bên cậu con trai lúc nào cũng ngơ ngác, hiền lành và không bao giờ chọc phá ai.
Sau khi nghỉ hưu, bà Phấn dành toàn thời gian để ở nhà chăm sóc, lo lắng cho con, cơm nước, giặt giũ... Do những ngày còn trẻ bà làm việc quá sức, cộng thêm với tuổi đã cao sức đã yếu nên nay lưng của bà ngày càng còng. Sức khỏe bà ngày càng yếu, con rể và con trai cũng phải đi làm cả ngày nên một mình bà nhiều lúc không canh con được cả ngày như trước khiến nhiều lần anh Hồng bỏ nhà đi lạc. May mà nhờ mọi người cũng tìm lại được.
Bây giờ, mỗi sáng, bà đánh thức anh Hồng dậy, cùng ra chợ mua đồ ăn về nấu. Sợ con buồn, đi đâu bà cũng dẫn con đi. Chân bà yếu đi không vững, anh Hồng dìu mẹ đi. Nhiều lúc, anh phụ giúp cho người ta được trả công, cũng mang về cho mẹ hết. Hỏi hai mẹ con có đi đâu chơi không, bà trầm ngâm. Rồi đột nhiên nhớ ra, bà khoe “Có, thỉnh thoảng hai mẹ con lại đi bộ ra chùa”.
Dù không nói được nhưng anh Hồng luôn cảm nhận được tình yêu của mẹ
Tuy không nói được nhưng anh Hồng luôn cảm nhận được sự vất vả và tình yêu của mẹ. Bà cho biết: “Tuy không biết nói nhưng Hồng rất ngoan, ai cho gì cũng để dành về cho mẹ. Nhiều lúc, Hồng ôm lấy tui rất âu yếm khiến tui rất hạnh phúc”, bà Phấn móm mém cười.
Tuổi già như chuối chín cây khiến bà Phấn không nguôi lo lắng: Liệu mai này bà có chuyện gì thì ai sẽ là người thay bà lo lắng cho con. Nó ngốc nhưng ngoan và hiền, ai sẽ thương con như bà đã thương?
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Bà Đặng Thị Phấn, 60/3M, tổ 4, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM.