Mẹ đơn thân Hà Nội bất lực vì những hành vi lệch lạc của con trai 2k10, thậm chí từng làm hành động khiến chị nghẹn ngào đau đớn

Đông,
Chia sẻ

Ai cũng bày tỏ sự đồng cảm với phụ huynh này.

Tháng 5 về, mang theo tiếng ve râm ran, những ngày nắng hạ oi ả và cả áp lực mùa thi đè nặng lên vai từng gia đình. Đây không chỉ là cuộc đua căng thẳng của riêng học sinh, mà còn là "kỳ sát hạch tinh thần" của chính các bậc phụ huynh. Cũng trong giai đoạn cao trào ấy, những mâu thuẫn âm ỉ giữa cha mẹ và con cái đôi khi bỗng chốc vỡ oà, phơi bày cả những điều tưởng chừng đã được "thấu hiểu" từ lâu.

Mới đây, một bà mẹ đơn thân tại Hà Nội đã chia sẻ sự "bất lực" trong việc dạy cậu con trai sinh năm 2010 của mình lên MXH khiến nhiều người đồng cảm. Theo chia sẻ, thay vì tập trung ôn tập như các bạn đồng trang lứa, con trai chị lại mải mê chơi game, sử dụng mạng xã hội, thức khuya và thường xuyên bỏ bê học hành.

Bất chấp mọi nỗ lực từ việc khuyên răn, đặt giới hạn sử dụng thiết bị, đến những buổi trò chuyện tâm tình, tham gia hoạt động thiện nguyện hay dẫn con đi trải nghiệm thực tế… người mẹ cho biết con trai vẫn tiếp tục chống đối, thậm chí có hành vi bạo lực như đẩy mẹ ngã khi bị tịch thu máy tính. Con từng bỏ học nguyên ngày, rút điện camera để lén chơi game và tuyên bố muốn "tự do chơi điện tử miễn làm đủ bài tập cô giao".

Mẹ đơn thân Hà Nội bất lực vì những vi lệch lạc của con trai 2k10, thậm chí từng làm hành động khiến chị nghẹn ngào đau đớn- Ảnh 1.

Người mẹ bất lực khi thấy con có những biểu hiện không chuẩn (Ảnh minh họa)

Người mẹ đau đớn thừa nhận, điều khiến chị lo lắng không chỉ là việc con thi tốt nghiệp, mà là những dấu hiệu lệch lạc về tư duy, đạo đức và thái độ sống: thiếu kỷ luật, thiếu lòng biết ơn và tôn trọng mẹ. Chị từng nghĩ đến việc cho con nghỉ học hẳn, đi học nghề, thậm chí là đưa con đi khám tâm thần nhưng chưa được do chi phí quá cao so với điều kiện tài chính.

"Áp lực của mình không hẳn là kỳ thi tới mà là vấn đề đạo đức, lối sống của con. Con chỉ cần tham gia thi tốt nghiệp, không đỗ trường này thì học trường khác nhưng tư duy, đạo đức, lòng biết ơn và biết tôn trọng kỷ luật của con không có thì học đâu con cũng sẽ phá", chị nghẹn ngào viết.

Cộng đồng mạng đồng cảm

Sau khi bài viết được chia sẻ, cộng đồng mạng nhanh chóng bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với người mẹ. Không ít phụ huynh thừa nhận họ cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi những kỳ vọng, lo lắng cho con bị thay thế bằng cảm giác bất lực, tổn thương vì sự chống đối, xa cách từ chính đứa con mình yêu thương nhất.

- Đọc xong bài viết mà thấy nghẹn ngào. Mình cũng đã trải qua cảm giác tương tự khi con vào lớp 12. Hồi đó, mình luôn nhắc nhở con học hành chăm chỉ, nhưng càng khuyên thì con càng cáu giận và thậm chí có lúc còn nói những lời làm mình tổn thương.

- Có lẽ không có gì buồn hơn khi nhìn thấy con cái mình không nhận ra sự quan tâm và hy sinh của mình. Đồng cảm với mẹ, mẹ cố gắng lên nhé!

- Con trai tôi cũng chỉ lo game, bạn bè, không tập trung học. Cảm giác bất lực khi con không hiểu mẹ thật sự rất buồn. Hy vọng con sẽ thay đổi khi trưởng thành.

- Đọc bài viết, tôi nhớ lại chính mình khi còn trẻ, cũng chống đối cha mẹ. Khi trưởng thành mới nhận ra tất cả những gì cha mẹ làm là vì mình. Mong những phụ huynh kiên nhẫn, con sẽ hiểu sau này.

- Mẹ phải cố gắng lên, con ở độ này "ẩm ương" lắm, phải đồng hành cùng con chứ đừng buông tay con mẹ nhé.

Mẹ đơn thân Hà Nội bất lực vì những vi lệch lạc của con trai 2k10, thậm chí từng làm hành động khiến chị nghẹn ngào đau đớn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Song song với đó, nhiều người cũng cho rằng, trong giai đoạn con đang tuổi dậy thì lại chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng, áp lực không chỉ dồn lên vai học sinh mà còn đè nặng lên cha mẹ. Việc nuôi dạy con lúc này giống như đi trên dây, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể đẩy mối quan hệ gia đình vào căng thẳng kéo dài.

- Thực sự là giai đoạn này chẳng dễ dàng gì. Con cần sự kiên nhẫn, nhưng đôi khi chính mình cũng quá căng thẳng và dễ nổi giận. Tất cả những lo lắng, áp lực thi cử đổ dồn lên vai cả gia đình, nhưng không phải ai cũng biết cách chia sẻ và thấu hiểu

- Nuôi dạy con tuổi dậy thì đã khó, thêm chuyện thi cử càng làm tăng thêm sự căng thẳng. Không ai dạy chúng ta cách cân bằng giữa việc hỗ trợ con học hành và giữ mối quan hệ tình cảm gia đình.

- Chưa bao giờ thấy rõ ràng hơn áp lực của cha mẹ trong giai đoạn này.

- Thật sự rất thương người mẹ trong bài viết. Có những lúc mình cảm thấy mệt mỏi và thất vọng đến mức muốn buông xuôi, nhưng cuối cùng lại không thể.

Cha mẹ nên làm gì nếu con có hành vi chống đối?

Khi con có hành vi chống đối, thiếu lễ phép hay vi phạm chuẩn mực đạo đức, cha mẹ không nên vội vàng mắng mỏ hay áp đặt hình phạt, mà cần giữ bình tĩnh để phản ứng thay vì phản xạ.

Theo Tiến sĩ Laura Markham (ĐH Columbia), khi cha mẹ nổi giận và quát mắng, trẻ sẽ chỉ học cách phản kháng lại bằng chính cảm xúc tiêu cực đó. Thay vào đó, cha mẹ nên coi đây là cơ hội để giáo dục, trò chuyện và hiểu con nhiều hơn. Còn Giáo sư Daniel Siegel (UCLA) chỉ ra rằng hành vi chống đối thường là biểu hiện của cảm xúc chưa được thấu hiểu, có thể con đang chịu áp lực học hành, bị bạn bè bắt nạt, hoặc đơn giản là đang cố khẳng định mình. Vì vậy, cha mẹ nên dành thời gian lắng nghe, đặt câu hỏi và tìm hiểu gốc rễ cảm xúc của con.

Song song đó, việc thiết lập giới hạn rõ ràng là rất quan trọng. Chuyên gia giáo dục Jane Nelsen, tác giả Kỷ Luật Tích Cực , cho rằng kỷ luật không phải để trừng phạt, mà để giúp trẻ học cách cư xử tốt hơn lần sau. Cha mẹ cần nhất quán với các nguyên tắc, ví dụ như “Con có quyền không đồng ý, nhưng không được hét vào mặt bố mẹ”, đồng thời đưa ra hậu quả hợp lý thay vì hình phạt cảm tính.

Thêm vào đó, cha mẹ cũng cần dạy con kỹ năng thay thế, không chỉ nói “không được”, mà phải chỉ cho con cách diễn đạt cảm xúc đúng mực, cách ứng xử trong mâu thuẫn, hay cách giải quyết xung đột với người khác.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là xây dựng kết nối thay vì kiểm soát. Tiến sĩ Becky Kennedy, nhấn mạnh rằng trẻ cư xử tốt hơn khi chúng cảm thấy mình là người tốt trong mắt cha mẹ. Sự gần gũi, yêu thương và tôn trọng sẽ khiến trẻ sẵn sàng mở lòng thay đổi. Khi cha mẹ dành thời gian chất lượng để tâm sự, chơi đùa và đồng hành cùng con, mối quan hệ trở nên bền chặt hơn, và hành vi tiêu cực cũng dần được cải thiện.

Nói cách khác, trẻ không cần cha mẹ hoàn hảo, mà cần những người lớn biết sửa sai cùng con. Hành vi chống đối không phải là dấu chấm hết, mà là tín hiệu để bắt đầu một hành trình nuôi dạy kiên nhẫn, bao dung và đầy yêu thương.

Tổng hợp

Chia sẻ