Mẹ doạ "Nếu hư, mẹ không yêu con nữa", bé trai đáp lại 1 câu mà tất cả mọi người xung quanh phải bật cười, nức nở khen thông minh
Dù khen cậu nhóc nhưng nhiều người cũng nhắc nhở bà mẹ.
Mới đây, một cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ một câu chuyện hết sức thú vị. Người này cho biết, khi đi siêu thị, anh tình cờ gặp một cậu bé khoảng 4 tuổi đang đòi mẹ mua cho túi khoai tây chiên. Tuy nhiên mẹ em bé này không đồng ý. Thấy con cứ đòi liên tục, người mẹ đã bực mình nói: "Nếu con còn hư như vậy, mẹ sẽ không yêu con nữa".
Cứ ngỡ nghe lời doạ ấy, cậu bé sẽ sợ và không đòi nữa. Tuy nhiên, lời nói tiếp theo của cậu bé khiến mọi người xung quanh đều phải bật cười.
"Thế cũng không sao ạ, con yêu mẹ mà. Mặc kệ mẹ có yêu con hay không, con vẫn sẽ luôn yêu mẹ" , cậu bé nói. Người bé nghe thế cũng không thể nhịn cười và còn vẻ quay lại kệ hàng, lấy cho con tận mấy gói khoai tây chiên liền.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận về rất nhiều lượt like và bình luận. Không ít người để lại bình luận ngợi khen cậu nhóc thông minh, có EQ (trí tuệ cảm xúc) cao. Tuy nhiên, nhiều người cũng nhắc nhở người mẹ không nên nói với con những câu như "Nếu con còn hư như vậy, mẹ sẽ không yêu con nữa". Thực tế, đây là một trong những câu nói từ cha mẹ mà trẻ ghét nghe nhất!
Câu nói này có thể là lời đe dọa được cha mẹ thốt ra trong lúc xúc động. Tuy nhiên, đối với trẻ em, những lời nói như vậy có thể khiến trẻ sợ hãi và lo lắng. Trẻ con luôn khao khát sự yêu thương, ủng hộ của cha mẹ.
Nếu cha mẹ dùng những lời lẽ như vậy để đe dọa con cái có thể khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, không được yêu thương, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Bên cạnh câu này, theo các chuyên gia giáo dục, còn 4 câu sau của cha mẹ cũng rất tiêu cực đối với con. Cụ thể là: "Trẻ con trẻ cái thì hiểu cái gì"; "Nhìn con nhà người ta xem"; "Con phải nghe lời vì bố mẹ là bố mẹ của con"; "Sao con chẳng được tích sự gì, thế thì làm sao bố mẹ yên tâm được?".
Trong quá trình giao tiếp với trẻ, cha mẹ cần tránh nói những câu tiêu cực và nên tôn trọng tính cách, quá trình phát triển của trẻ, đồng thời dành cho trẻ sự hỗ trợ, khuyến khích đầy đủ. Chúng ta có thể cố gắng bày tỏ suy nghĩ và kỳ vọng của mình bằng những lời nói tích cực và nhẹ nhàng hơn. Thông qua đó, trẻ cảm thấy được tôn trọng, thấu hiểu, được khích lệ tinh thần, phát triển sự tự tin.