Mẹ đẻ, mẹ chồng

,
Chia sẻ

Mẹ chồng, mẹ đẻ chẳng hiểu sao cùng ốm vào một thời điểm. Chồng đi vắng, nhà có 2 mẹ con, muốn về bên nhà, nấu cho mẹ mình một bát cháo mà khó tựa lên núi Thái Sơn.

Con dâu mới, không lẽ để mẹ chồng sốt nằm còng queo trong nhà, cũng không thể ý kiến: “Mẹ cứ nằm tạm, chờ con trai yêu quý của mẹ về chăm. Con phải lo cho mẹ đẻ của con đã”…

“Con gái là con người ta”, đó là bài than thở của bố từ khi nghe tin “phu nhân” của mình lần thứ hai lại sinh hạ một cô “cách cách”. Sau này, bà nội còn kể lại chi tiết bộ mặt dài thuỗn của bố khi cô y tá báo tin. 

Nhưng không phải vì vậy mà bố tỏ ra chán ghét ba mẹ con, đơn giản bố bảo: “Có thằng cu thì về già đỡ buồn, nhưng không sao, hai đứa nhớ tìm chồng trong vòng bán kính 10km là được”.

May thay, con gái đầu của bố về nhà chồng chỉ cách nhà mẹ đẻ 6,5km. Thế nhưng, muốn phóng xe về nhà hỏi han mẹ đôi câu khi mẹ ốm thôi cũng khó.

Mẹ dặn dò rằng: “Phận làm dâu, phải lo tròn đạo hiếu, không thì bố mẹ sẽ mang tiếng cả đời”.

Ngày xưa, bố mẹ lập nghiệp, cách quê 30km nhưng mỗi lần về thăm quê là một cuộc chiến lén lút. Nhà ông bà nội ngoại chỉ cách nhau một gốc mít. Thế nên, mẹ chỉ có thể đảo qua nhà mình, kịp uống ngụm nước chè với ông bà ngoại rồi lại tất tả sang nhà nội làm cơm. Muốn biếu bà ngoại tấm áo mới, nửa cân đường hay lọ mì chính, mẹ cũng phải dấm dúi. Nếu thông tin bị rò rỉ, mẹ sợ bà nội sẽ giận dỗi cho rằng con dâu không khéo dù quà cáp bên nội chẳng bao giờ mẹ tính thiếu.

Con gái mẹ ở thời hiện tại còn tệ hơn, lúc nào cũng chăm chăm tìm cách lấy lòng mẹ chồng rồi lơ là mẹ đẻ. Vợ chồng “trăng mật, trăng mỡ” ở Huế, hí hửng sắm đủ cho mẹ chồng bộ áo dài, bộ vòng đá bao gồm hoa tai, vòng cổ, vòng tay. Mãi đến khi về đến Hà Nội mới sực nhớ: “Thôi chết, chưa mua quà cho mẹ đẻ”, rồi lại chậc lưỡi: “Để lần khác, còn đến Huế nhiều mà”. Cuối cùng, mang quà về cho nhà mình là một túi toàn mè xửng mà mẹ phải chật vật vừa ăn vừa kéo răng giả vì kẹo dính quá.

Đi mua sắm cùng mấy chị đồng nghiệp, thấy cái áo đẹp dành cho tuổi trung niên, nâng lên đặt xuống vì mẹ đẻ, mẹ chồng xấp xỉ tuổi nhau, vóc dáng và chiều cao tương đương nhau, cuối cùng chọn mua một chiếc áo đẹp nhất biếu mẹ chồng. Còn tự dặn lòng rằng, để hôm nào tăng lương sẽ mua một chiếc áo khác, biếu mẹ đẻ nhưng sao mãi vẫn chưa được sếp tăng lương… 

Thế nên, con gái vẫn ngồi chờ với khẩu hiệu: “Một ngày nào đó, con giàu, con nhất định sẽ báo hiếu mẹ. Con sẽ đưa mẹ đi du lịch Thái Lan, Malaysia, đưa mẹ đi sắm hàng hiệu và ăn hàng hiệu chứ cả đời mẹ toàn lo cơm nước cho mấy bố con, đã bao giờ bước chân ra khỏi dải đất hình chữ S…”.

Lúc mẹ ốm, con gái mới chợt nhận ra, khẩu hiệu trên cần phải thay đổi. “Tuổi già như chuối chín cây”, chờ ngày mai để báo hiếu cha mẹ là điều gì đó quá mong manh. Thế nên, ngay ngày hôm sau, con gái sẽ mua biếu mẹ đẻ những món quà đã bị trì hoãn, cho mẹ đẻ theo kịp thời đại với mẹ chồng.

Theo Phương Mai
Dân trí
Chia sẻ