Mẹ dạo này bỗng dưng ít nói, dễ nổi nóng

Thanh Tâm,
Chia sẻ

Mẹ cháu ít nói hơn hẳn, cũng không còn vui vẻ cùng chúng cháu xem phim, tưới cây, dọn nhà. Mẹ cũng trở nên nhạy cảm quá mức, bọn cháu nói gì cũng khiến mẹ dễ nổi nóng...

Cô Thanh Tâm thân mến!

Cháu không nghĩ đến lúc phải cầu cứu cô bởi vì ngay trong nhà cháu luôn có một "cô Thanh Tâm" của riêng chúng cháu. Đó chính là mẹ cháu. Mẹ thực sự là một người bạn thân thiết của hai chị em cháu khi bố đi công tác xa.

Mẹ kiên nhẫn trả lời mọi thắc mắc của chúng cháu mà không bao giờ nổi cáu, quát mắng. Dạy bọn cháu học, chơi cùng bọn cháu, hướng dẫn bọn cháu làm việc nhà… lúc nào mẹ cũng tươi cười, vui vẻ.

Vậy mà gần đây, mẹ cháu rất khác trước. Mẹ cháu ít nói hơn hẳn, cũng không còn vui vẻ cùng chúng cháu xem phim, tưới cây, dọn nhà. Mẹ cũng trở nên nhạy cảm quá mức, bọn cháu nói gì cũng khiến mẹ dễ nổi nóng.

Nhiều lúc, hai chị em cháu cảm nhận các cảm xúc tiêu cực của mẹ không được giải tỏa, mẹ phát phiền, có lúc như muốn khóc. Mẹ cháu ngủ ít, ăn uống cũng thất thường. Không khí gia đình căng thẳng.

Nhiều lúc hai chị em cháu bị mẹ quát vô cớ. Bọn cháu đã chia sẻ mọi chuyện với bố nhưng vì bố ít ở nhà nên cũng chưa biết làm sao để giúp mẹ. Chúng cháu mong cô tư vấn cho chúng cháu.

Nguyễn Thị Ngọc Anh (Hà Nội)

Ngọc Anh yêu quý!

Thanh Tâm rất trân trọng tình cảm của các cháu dành cho mẹ và sự quan tâm tinh tế mà hai cháu đã dành để nhận ra những thay đổi của mẹ trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy hai cháu là những người con giàu tình cảm, trách nhiệm.

Những thay đổi của mẹ cháu có thể xuất phát từ một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của phụ nữ, được gọi là tiền mãn kinh. Đây là thời điểm cơ thể mẹ cháu có những thay đổi về nội tiết tố, ảnh hưởng đến cảm xúc, giấc ngủ, sức khỏe và tâm trạng của mẹ.

Những triệu chứng như dễ cáu gắt, lo âu, buồn phiền, mất ngủ, ăn uống thất thường mà hai cháu nhận thấy chính là dấu hiệu phổ biến của giai đoạn này. Nhưng hai cháu yên tâm, dù mẹ thay đổi như vậy, điều đó không có nghĩa là mẹ không còn yêu thương các cháu.

Chỉ là, mẹ đang phải đối diện với những khó khăn của chính mình và có thể mẹ chưa biết cách giãi bày hay tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp.

Vậy hai cháu có thể làm gì để giúp mẹ? Trước tiên, hãy thể hiện sự quan tâm và lắng nghe mẹ. Khi thấy mẹ buồn, hai cháu có thể nhẹ nhàng đến bên mẹ, hỏi mẹ có muốn tâm sự gì không. Chỉ cần một câu hỏi quan tâm cũng đủ để mẹ cảm thấy được an ủi.

Nếu mẹ không muốn nói, hãy để mẹ có không gian riêng nhưng vẫn dành cho mẹ những cái ôm, những lời động viên. Các cháu có thể giúp mẹ những việc nhỏ trong nhà. Hai cháu có thể chủ động làm những việc mà trước đây mẹ hay nhắc nhở như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, hoặc đơn giản là tự giác học hành.

Những việc làm này không chỉ giúp mẹ bớt mệt mỏi mà còn khiến mẹ cảm thấy vui vì các con đã lớn, biết quan tâm đến gia đình.

Hoặc hai cháu có thể rủ mẹ đi dạo, cùng nghe một bản nhạc nhẹ nhàng hoặc kể cho mẹ nghe những câu chuyện vui. Một bức tranh vẽ tặng mẹ, một tấm thiệp nhỏ với lời chúc yêu thương cũng có thể làm mẹ mỉm cười. Và tất nhiên, các cháu có thể nhờ bố cùng đồng hành.

Dù bố đi công tác xa, hai cháu vẫn có thể tâm sự với bố về tình hình của mẹ để bố có thể dành thời gian gọi điện, động viên mẹ nhiều hơn.

Hai cháu ạ, mẹ luôn là người mạnh mẽ, yêu thương các con vô điều kiện. Nhưng ngay cả những người mạnh mẽ nhất cũng có lúc mệt mỏi và cần được chia sẻ.

Chỉ cần hai cháu ở bên, yêu thương và đồng hành cùng mẹ, Thanh Tâm tin rằng, mẹ sẽ sớm vượt qua giai đoạn này. Thanh Tâm tự hào về hai cháu vì sự quan tâm và trưởng thành của các cháu. Nếu hai cháu cần thêm lời khuyên, đừng ngại nói với cô nhé!

Chia sẻ