Mẹ chồng tuyệt vời của tôi
Con có thai trước ngày cưới! Quả là một chuyện động trời. Con hoảng sợ, con bế tắc. Đúng lúc đó mẹ gọi điện, mẹ bảo anh nói với mẹ rồi, mẹ bảo đó là chuyện vui, con đừng khóc.
Ngày đầu tiên con về ra mắt gia đình là ngày giỗ ông nội. Ông là con thứ, nhưng nhà ông trưởng đến đời sau đã không có con trai, bố là con cả của ông, anh lại là con cả của bố nên đã sớm bị mang danh “đích tôn - trưởng họ tương lai”.
Ngày giỗ ông các ông bà, cô chú họ hàng đều tập trung lại cả, quy mô thật sánh ngang bằng ngày họp họ. Đã thế, anh lại dọa con: “Em “xác định” đi, bà nội tuy không nhìn thấy nhưng bà từ ngày xưa đã nổi tiếng ghê gớm đấy! Với lại nhà nhiều cô lắm, mà anh đã báo là đưa em về, nên mọi người rất hào hứng đến xem mặt cô dâu tương lai, chắc chỉ 6 mâm cỗ thôi…” làm con run lắm. Mấy lần đã bảo anh là để dịp khác em về, nhưng không hiểu sao đến phút chót con lại can đảm thế, lên xe về cùng anh mà trong lòng vẫn ngổn ngang bao câu hỏi “Mình phải làm gì?” ,“Mình phải cư xử thế nào?”...
Con đường về nhà những 80 cây số, mà con cứ mong nó dài mãi ra… Con cứ nhì nhèo hỏi anh không biết bao nhiêu lần rằng “Rồi mọi người có thích em không?” làm anh phì cười “Anh sẽ bảo mọi người cố gắng”.
Con đường về nhà những 80 cây số, mà con cứ mong nó dài mãi ra… Con cứ nhì nhèo hỏi anh không biết bao nhiêu lần rằng “Rồi mọi người có thích em không?” làm anh phì cười “Anh sẽ bảo mọi người cố gắng”.
Về đến nhà thì trời đã tối, mâm cơm đã dọn sẵn, bố mẹ và bà nội đang đợi. Con ngượng ngùng chào hỏi, đưa biếu mẹ túi hoa quả (mà mất bao công hỏi kinh nghiệm từ các chị đồng nghiệp con mới được tư vấn “mua hoa quả thắp hương thôi, đừng câu nệ quà cáp gì” con mới biết mua) thì nghe mẹ nói với anh: “Mua làm gì, ở nhà mẹ mua hết rồi!” làm con hoang mang quá. Con không biết nói gì, líu ríu theo anh đi rửa mặt rồi ăn cơm.
Suốt cả buổi, anh chẳng nói gì với con, để mặc con trả lời các câu hỏi của bố mẹ về gia đình, nghề nghiệp… rồi ngồi im nghe cả nhà nói chuyện họ hàng. Đêm đó, con ngủ với mẹ, mẹ cũng không nói chuyện gì, con run lắm, nằm trằn trọc mãi mà không dám trở mình, mãi mới chìm vào giấc ngủ.
Sáng ngày giỗ ông, con thấy mẹ dậy sớm lắm, với tay xem đồng hồ, con hoa mắt vì thấy mới 5h. Trong đầu diễn ra cuộc đấu tranh ác liệt, dậy hay là ngủ? Về lý thuyết, thì lẽ ra phải dậy sớm quét nhà rửa chén để “ghi điểm”, nhưng thực tế là con quá buồn ngủ vì chưa bao giờ phải dậy sớm thế cả. Cuối cùng con quyết định ngủ tiếp.
6h30’ mới lồm cồm bò dậy. Mẹ đang lúi húi trong bếp, bố và bà đã ăn sáng xong và đang xem ti vi. Đánh răng rửa mặt xong thì anh vẫn chưa thèm dậy, con đang lúng túng không biết làm gì thì lại hoa cả mắt khi thấy mẹ xách mấy phích nước đi về phía 3 con gà sống đang đợi được “hóa kiếp”, thêm một thực tế phũ phàng, là từ bé đến giờ tất cả những gì liên quan đến việc “làm gà” mà con biết làm chỉ là giữ chân để cắt tiết và vặt lông. Con run run lại gần, mẹ cười “Đi ăn sáng đi con, rồi tí nữa mới làm gà cơ”. Ăn sáng xong, con theo mẹ ra làm gà, trong lòng tự nhủ “Thôi thế là bị trừ cả trăm điểm chỗ này đây”.
Thực ra con cũng đã từng được học “lý thuyết” khi xem mẹ đẻ con làm gà nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thực hành cả. Trong đầu con nảy ra 2 lựa chọn, một là thử thực hành lần đầu xem sao, biết đâu… hai là thành thật. Cuối cùng, trong lúc ngồi vặt lông gà với mẹ, con chọn phương án thành thật “Con không biết mổ gà cô ạ…” Mẹ chỉ cười, rồi lại hỏi chuyện con về gia đình và nói sơ sơ kế hoạch giỗ ông hôm nay, làm con không thể đoán được mẹ nghĩ gì, mãi sau này con mới được biết là cái “tử huyệt” không biết mổ gà của con đã được anh báo trước và kéo lại hộ con bằng nhiều những ưu điểm mà làm cho con trai mẹ yêu thương.
Sau màn làm gà, thì các cô chú và họ hàng dần dần đến, nhà dần dần đông, và con dần dần mỏi miệng. Vì con cứ cùng mẹ loanh quanh trong gian bếp, và ai đến cũng được anh thông báo để vào ngó cái con bé “lần đầu ra mắt” một cái xem sao, con thì chẳng biết phải làm sao, chỉ biết chào và cười. Con tự thấy thần kinh mình cũng vững, được giao nấu mấy món (siêu đơn giản) mà không hề nhầm lẫn muối với đường trong khi tâm trí cứ để đi đâu xem ngoài phòng khách mọi người đang nói gì về mình.
Hết bữa cỗ, đương nhiên là đến phần rửa bát. Con cũng đã được dặn dò là rửa bát cũng là một thử thách, cố mà vượt qua, nhưng nhìn mấy chồng bát đũa ngổn ngang, nghĩ đến cảnh một mình lọ mọ, quả thật đúng là ngao ngán. Con ước gì mình đừng can đảm đến thế mà lên xe cùng anh về hôm nay. Còn đang loay hoay, thì con thấy cô em họ ào ra, xắn tay áo, thoăn thoắt múc nước, tíu tít chuyện trò với con như đã quen từ lâu lắm. Hai chị em vừa nói chuyện vừa làm, cũng chẳng mấy mà xong.
Rồi mẹ gọi con vào nhà, ngồi chơi chuyện trò với các bà và các cô. Con cũng không thấy ngượng ngùng nhiều lắm nữa, vì loanh quanh mọi người cũng chỉ hỏi về gia đình, về công việc, bà hỏi, rồi cô hỏi, vẫn chỉ vậy thôi, con thuộc lòng rồi. Đến chiều, mọi người đi về hết, con và anh cũng chuẩn bị đồ đạc để đi xuống Hà Nội. Mẹ gói cho hai đứa mấy thứ hoa quả, rồi dặn dò hết điều này đến điều khác, rồi mẹ đứng nhìn hai đứa mãi đến khi đi khuất bóng. Cái dáng mẹ bịn rịn, quyến luyến, sao mà giống mẹ con ở nhà đến vậy…
Thời gian trôi qua, chính mẹ là người đưa con đến gần với gia đình mình hơn, khi mà thỉnh thoảng mẹ nhắn 2 đứa về chơi, rồi đưa con đến nhà họ hàng nhân ngày hiếu hỉ, lễ lạt, hoặc những lần mẹ xuống Hà Nội thăm anh, mẹ lại cùng con đi đâu đó.
Con sẽ không bao giờ quên được thời gian con bị ốm phải nằm viện, ngày nào cũng thế, nếu mẹ không gọi điện động viên con, thì sẽ gọi điện nhắc anh vào chăm sóc con. Con cũng sẽ không bao giờ quên được khi mẹ và con đứng đợi trước sân bệnh viện khi anh đang ở trong phòng mổ, chính mẹ là người động viên con bình tĩnh và đừng căng thẳng quá, dù có lẽ lúc đó trong lòng mẹ còn lo lắng hơn con gấp trăm nghìn lần.
Anh ganh tị: “Sao mẹ lại thương vợ con hơn con?”, mẹ cười bảo “Vì nó là con gái mẹ”.
Con có thai trước ngày cưới! Quả là một chuyện động trời. Con hoảng sợ, con lo lắng, con bế tắc vì không biết phải đối diện với 2 gia đình như thế nào. Đúng lúc đó thì mẹ gọi điện, mẹ bảo anh đã nói với mẹ rồi, mẹ bảo con đừng khóc, đó là chuyện vui con không phải sợ, thậm chí cả bố và bà nội cũng rất vui, mẹ bảo con yên tâm mẹ sẽ lo tất cả.
Và gần như ngay lập tức, bố mẹ đã lặn lội vượt hơn hai trăm cây số đến nhà gặp bố mẹ con. Cuộc gặp gỡ diễn ra đầm ấm và tràn ngập tiếng cười. Chính con cũng không ngờ được mới gặp lần đầu mà hai nhà đã như quen thân từ lâu, chuyện của chúng con dường như không còn là chủ đề chính, mà chủ đề chính đã được chuyển sang những câu chuyện bất tận của 2 bố về những ngày đi lính, sang những câu chuyện của 2 mẹ về cuộc sống gia đình.
Những ngày chuẩn bị cho đám cưới, con thấy mình thật sự hạnh phúc. Vì mẹ luôn luôn ở bên con, vừa lo lắng cho sức khỏe của con, vừa lo lắng cho đám cưới. Mẹ chuẩn bị thật kỹ càng từ những chi tiết nhỏ nhất, và luôn luôn hỏi ý kiến của con trước khi quyết định mua sắm thứ gì, sửa sang thứ gì. Mẹ nói “Vì mẹ muốn con được thật sự thoải mái khi về nhà mình”.
Những ngày chuẩn bị cho đám cưới, con thấy mình thật sự hạnh phúc. Vì mẹ luôn luôn ở bên con, vừa lo lắng cho sức khỏe của con, vừa lo lắng cho đám cưới. Mẹ chuẩn bị thật kỹ càng từ những chi tiết nhỏ nhất, và luôn luôn hỏi ý kiến của con trước khi quyết định mua sắm thứ gì, sửa sang thứ gì. Mẹ nói “Vì mẹ muốn con được thật sự thoải mái khi về nhà mình”.
Có lẽ rất nhiều các cô dâu trong ngày cưới sẽ ganh tị với con khi mẹ nói với con trai mẹ rằng “Bố mẹ vợ con đã giao con gái cho con rồi đấy nhé, liệu mà yêu thương chăm sóc kẻo bố mẹ lại phải mang tiếng với ông bà thông gia”. Và có lẽ bố mẹ con ở nhà cũng yên tâm rất nhiều khi biết chỉ vì thấy con hơi khan cổ ho hắng mà mẹ đã ôm con vào lòng, áp trán con vào má mẹ để xem con có bị sốt không.
Thời gian con về với mẹ chưa nhiều nhưng con học được ở mẹ thật nhiều điều trong đối nhân xử thế, chuẩn bị vững vàng cho vai trò dâu trưởng trong nhà. Cũng có nhiều khi con vụng về, mẹ chỉ cười xòa bảo con làm lại. Còn con chẳng bao giờ thấy mẹ khó tính và ghê gớm khi bảo con “phải làm thế này, đừng làm thế kia” vì đơn giản con thấy ở nhà con mẹ con cũng thường nói với con như thế, các bà mẹ vẫn luôn giống nhau mà.
Thời gian con về với mẹ chưa nhiều nhưng con học được ở mẹ thật nhiều điều trong đối nhân xử thế, chuẩn bị vững vàng cho vai trò dâu trưởng trong nhà. Cũng có nhiều khi con vụng về, mẹ chỉ cười xòa bảo con làm lại. Còn con chẳng bao giờ thấy mẹ khó tính và ghê gớm khi bảo con “phải làm thế này, đừng làm thế kia” vì đơn giản con thấy ở nhà con mẹ con cũng thường nói với con như thế, các bà mẹ vẫn luôn giống nhau mà.
Có nhiều người nói với con rằng: “Chưa đến lúc khổ đâu em ạ!”. Nhưng con tin, sẽ chẳng bao giờ có chuyện gì làm tình cảm giữa mẹ và con rạn vỡ, vì mỗi ngày mẹ và con lại càng hiểu nhau hơn, đến mức mà nhiều khi chính anh còn ganh tị: “Sao mẹ lại thương vợ con hơn con?”, mẹ cười bảo “Vì nó là con gái mẹ”.
Hà Nội ngày 9/6/2010
Bảo Anh
Bảo Anh