Mẹ chồng kì công nấu nồi cháo cá chép nhưng lại bị con dâu mắng té tát chỉ vì điều này
Bà Hoa đi chợ thấy con cá chép ngon quá, nghĩ ngay tới nàng dâu đang bầu nên mua về nấu. Bữa đó, bà cứ nghĩ con dâu sẽ không còn mặt nặng mày nhẹ như những bữa trước nữa mà không ngờ đó lại là nguồn cơn của những xung đột trong gia đình.
Ngày Kiệt lấy Trâm Anh, người làng ai cũng bảo số anh có phúc, lấy được con gái nhà giàu, xinh đẹp, tài giỏi. Mặc cho mọi người lời ra, lời vào, bà Hoa cũng chẳng lên tiếng, bà chỉ im im chuẩn bị cho đám cưới của Kiệt dù thực lòng bà cũng không mấy thích thú.
Khi cưới xong, Kiệt lên Hà Nội sống trong ngôi nhà của bố mẹ vợ mua cho. Dù gia đình họ giàu có và một căn hộ chung cư chẳng thấm vào đâu, nhưng bà Hoa cũng không muốn bị mang tiếng nên vẫn chắt bóp, vay mượn thêm để dồn tiền cho con trai mua đồ nội thất. Bà bảo: "Không mua được nhà thì cũng phải cố mua cho đủ tiện nghi. Không thể để gia đình họ coi thường được, con ạ!"
Kiệt cầm tiền của mẹ, rưng rưng, anh bảo: "Năm sau con sẽ cố làm lấy tiền đưa mẹ. Lương con hiện giờ thì sẽ trả cho mẹ sớm thôi." Bà Hoa cũng chỉ cười.
Cuộc sống của Kiệt và Trâm Anh có vẻ cũng ổn. Mỗi khi gọi về cho mẹ, cả hai tíu tít kể chuyện rồi hỏi han nhà cửa ở quê. Trâm Anh giàu nhưng cũng không có vẻ kênh kiệu lắm, cô vẫn luôn lịch sự và tôn trọng mẹ chồng, đó là điều mà Kiệt thấy cảm mến cô nhất.
Tới cuối năm đó, Trâm Anh mang thai. Kiệt cũng bàn với vợ, từ ngày lấy nhau, mua nhà gần 1 năm trời mà mẹ mới chỉ lên chơi được có 2 hôm rồi lại tất bật về quê. Anh muốn tranh thủ khi vợ mang thai 3 tháng đầu nghén ngẩm, mệt mỏi, đưa mẹ lên chăm sóc Trâm Anh và để sống cùng một thời gian.
(Ảnh minh họa)
Trâm Anh ban đầu còn ái ngại và tỏ ra không cần, thế nhưng cô lại ốm nhiều hơn cô nghĩ. Việc trong nhà không làm được thì Kiệt cũng chẳng dám trách nhưng vấn đề là cô ở nhà 1 mình chỉ có nằm vật ra, cơm không ăn được, mỗi khi thèm gì gọi hàng online không phải lúc nào cũng được. Thế là cô cũng thuận tình theo chồng đưa mẹ chồng lên sống chung.
Về phía bà Hoa, bà cũng không vui vẻ gì. Dù gì, bà cũng đã có tuổi, cuộc sống ở quê mấy chục năm đã quen rồi giờ ra thành phố ồn ào, nhà nào biết nhà nấy thật cô đơn. Hơn hết, bà cũng sợ lại xảy ra chuyện xích mích với con dâu…
Nhưng Kiệt thuyết phục bà nhiều quá, lo cho sức khỏe của vợ, của cháu, cuối cùng bà cũng gật đầu.
Những ngày đầu có mẹ ra, quả là nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng hơn hẳn. Dù đôi khi những món ăn của bà khiến Trâm Anh thấy không quen nhưng cô cũng nhờ bà thay đổi cách chế biến hoặc đổi món cho. Dù Kiệt biết, Trâm Anh không mấy thoải mái về sự có mặt của mẹ chồng nhưng cô vẫn đang nhịn.
Hôm đó, bà Hoa đi chợ thấy con cá chép ngon quá, nghĩ ngay tới nàng dâu đang bầu nên mua về nấu cháo. Bữa đó, bà cứ nghĩ con dâu sẽ không còn mặt nặng mày nhẹ như những bữa trước nữa nên khá phấn chấn. Bà làm rất cẩn thận, hấp cá xong ngồi căng mắt nhặt từng chiếc xương. Tới bữa, bà bê lên cho Trâm Anh với gương mặt hồ hởi:
- Ăn đi cho nóng con này! Bữa nay mẹ nấu cháo cá chép bổ lắm đó.
- Mẹ, anh Kiệt chưa nói với mẹ là con không ăn được đồ tanh nấu canh, nấu cháo rồi sao? Ghê lắm…
- Cháo cá chép là tốt cho bà bầu lắm đó con. Thôi, cố ăn đi tốt cho cháu trong bụng.
Bát cháo cá chép là nguồn cơn khiến bà Hoa muốn về quê. (Ảnh minh họa)
Trâm Anh không nói gì, mặt lại xị ra bê bát cháo vừa nhắm mắt, nhắm mũi ăn. Bà Hoa đứng nhìn con dâu một lát rồi đi ra ngoài dọn dẹp. Nhưng bà vội chạy vào khi thấy Trâm Anh hét lên rồi ho sặc sụa.
Sau một hồi lấy khăn, lấy nước, Trâm Anh vẫn cứ ho chảy cả nước mắt. Cuối cùng, cô cũng đỡ, khóc lóc trách bà:
- Mẹ định hại mẹ con con đấy à! Bát cháo cá gì mà xương còn không gỡ hết, thiếu chút nữa con chết sặc rồi! Lần sau mẹ đừng nấu cháo cá cho con nữa.
Nói giọng đầy giận dỗi rồi Trâm Anh quay người vào trong tỏ ý không muốn nói chuyện. Bà Hoa bê bát ra ngoài, nước mắt chỉ trực trào ra.
Dù biết nhà mình nghèo hơn nên con trai, thậm chí cả mẹ chồng phải chịu lép vế trước con dâu. Nhưng công sức bà chuẩn bị vẫn bị coi không gì thế này thì bà buồn và tủi thân quá. Có lẽ, bà sẽ để con trai, con dâu thuê giúp việc còn mình về quê sống cho thoải mái.