Mẹ chồng cố tình làm khó để giữ tiền lương của con trai, nàng dâu "tung đòn" khiến bà sợ xanh mặt
Vì bản tính tiêu xài hoang phí, chồng tôi nhất định không đưa tiền lương cho mẹ chồng giữ dù trước độc thân hay sau này lấy vợ. Nhưng chính vì thế, bà lại bắt bẻ, làm khó tôi.
Từ ngày về làm dâu, tôi mới thấu "khác máu tanh lòng" là thế nào. Mẹ chồng tôi bình thường rất thoải mái với con của mình nhưng với tôi thì lại soi mói rất kĩ. Thậm chí, nhiều khi, cô em chồng nấu ăn cơm nhão nhẹt bà hỏi xem ai xong vẫn khen:
- Thế là tốt rồi con, cố lần sau cho bớt nước lại gái nhé!
Thế mà em nấu mâm cơm đầy ăm ắp nhìn rõ ngon mắt, bà lại bĩu môi:
- Đúng là không phải tự kiếm bục mặt đi làm, chồng nó đưa tiền là ở nhà chỉ kiếm cái gì ngon ăn cho đã mồm thôi. Chả ngày gì cũng cứ bày vẽ. Tới cuối tháng lại chả có đồng nào rồi ngửa tay xin chồng tiếp, chỉ khổ chồng thôi.
(Ảnh minh họa)
Không chỉ có thế, mẹ chồng tôi lại khá thích chưng diện. Bà dù tuổi ngoại tứ tuần nhưng thích mua sắm, làm đầu, làm tóc đủ cả. Bà thường xuyên ra ngoài gội đầu vì lý do "tóc xoăn tự gội nhà mất nếp". Chưa hết, bà còn làm móng, đính đá không kém gì một cô thiếu nữ đang tuổi 18, đôi mươi thích làm đỏm nào hết. Mỗi khi về nhà, bố chồng hay chồng nhờ vả việc gì nặng nhọc bà lại than:
- Móng vừa làm, không làm được đâu. Ông bảo con dâu kia kìa.
Chính vì bản tính tiêu xài hoang phí, chồng tôi nhất định không đưa tiền lương cho bà dù trước kia độc thân hay sau này lấy vợ. Nhưng thế nên bà lại bắt bẻ, làm khó tôi. Có lần, bị sốt nằm bệt ở nhà 3 ngày, tóc tai bết bát lại, tôi mới ra tiệm gội đầu. Khi trở về, bà nhìn thấy sắc mặt tôi hồng hào, tóc tai bóng mượt, thơm tho hơn liền hỏi:
- Đi đâu về thế?
- Con đi gội đầu mẹ ạ.
Thế là bà liền mắng tôi sa sả:
- Chồng nó bục mặt đi kiếm tiền về để vợ ăn chơi.
Tôi ức lắm, nhưng vẫn nhẫn nhịn trả lời bà:
- Con đang ốm mẹ ạ, chứ con nào có đi ra quán gội bao giờ đâu.
(Ảnh minh họa)
Nhưng tôi hiền lành, nhịn nhục mãi bà lại càng lấn tới. Lúc bữa ăn, có cả gia đình, bà lại mách:
- Con trai đi làm vừa thôi, kiếm nhiều tiền rồi đưa vợ nó ăn đã mồm, chơi sướng thân thôi. Tuần nào cũng thấy nó đi gội đầu, ăn ngon thôi.
Cũng may, chồng tôi thừa hiểu tính bà, anh cũng thuộc dạng tâm lý và chiều vợ, anh chỉ bảo:
- Vợ con mua cũng là mua cho cả nhà mà mẹ. Cô ấy để bao nhiêu hoa quả trong tủ, ai thích gì thì lấy. Còn gội đầu thì có hôm ốm mới đi. Con ngửi mùi dầu gội của vợ là con biết mà.
Mẹ chồng tôi thấy con trai mình bênh vực con dâu lại càng tức tối. Bà hậm hực ăn nhanh chóng rồi bỏ lên phòng nằm. Tôi biết, bà gây sự cũng chỉ vì tôi là người nắm giữ hết lương của chồng. Sau nhiều lần chịu khổ dù chẳng phải lỗi của mình, tôi quyết phải khiến bà sợ hãi một phen.
Một tối nọ, sau khi cả nhà ăn uống xong xuôi, tôi và chồng ngồi xuống thưa chuyện với cả nhà. Tôi mở lời trước:
- Mẹ ạ, con biết bấy lâu nay mẹ vẫn không tin tưởng con giữ tiền lương của chồng. Thế nên, giờ theo đúng nguyện vọng, con muốn nhờ mẹ giữ giúp vì mẹ có kinh nghiệm hơn, giỏi tiết kiệm hơn.
Mẹ chồng đang hí hửng đưa tay ra nhận thẻ ATM, thì chồng tôi tiếp lời:
- Lương của hai vợ chồng con hiện tại 40 triệu/tháng. Chúng con dự tính sẽ đóng góp với bố mẹ 5 triệu/tháng, chi tiêu vặt vãnh mỗi người 3 triệu, ma chay, hiếu hỉ, liên hoan, gặp gỡ bạn bè nữa khoảng 4 triệu. Vị chi là chúng con sẽ tiết kiệm 25 triệu/tháng. Mẹ giữ giúp chúng con, sau 1 năm hai vợ chồng con sẽ xin lại để mua xe ạ.
(Ảnh minh họa)
Mẹ chồng tôi nghe tới thế thì xanh mắt. Bởi bà thừa biết, trước nay dù hai chúng tôi có đóng góp tiền ăn chung, ở chung nhưng tôi rất hay mua hoa quả, đồ ăn ngoài. Thậm chí, tôi còn đứng ra làm hợp đồng mạng, thi thoảng tiện đường sẽ ra ngân hàng đóng thêm tiền nước hoặc điện cho bà. Nếu bà phải giữ tiền, mỗi tháng không thể nào tiết kiệm được nhiều như thế.
Ngẫm nghĩ một hồi, mẹ chồng tôi bắt đầu cười ỏn ẻn, bảo:
- Thôi, mẹ nào có ý định giữ đâu. Hai đứa lấy nhau rồi, nên tin tưởng mà tự giữ lấy. Mẹ chỉ nhắc nhở thế để các con chi tiêu tiết kiệm hơn thôi.
Sau hôm đấy, đúng là thái độ của mẹ chồng tôi cũng khác hẳn. Bà thi thoảng cũng trách mắng tôi nhưng không còn vô lý như trước nữa.