Mẹ bỏ đi, 2 đứa trẻ côi cút chăm sóc cho người cha tâm thần
Mỗi khi cơn bệnh tái phát, chú Sơn la lối và chẳng nhận thức được mọi thứ xung quanh. Khi 2 đứa con hỏi ba có nhận ra tụi con không, chú trả lời: “Tụi bây là ai vậy? Tao không quen”.
Vừa trở về từ bệnh viện sau nửa tháng nằm trong đó vì "cơn điên" tái phát, chú Phan Minh Sơn (57 tuổi, ngụ hẻm C7C, đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã yếu đi nhiều.
Vợ bỏ đi vì không chịu được cảnh nghèo, một mình "gà trống nuôi con"
Trong căn phòng chỉ vài mét vuông, ẩm thấp và bừa bộn, mặc chiếc áo sơ mi cũ sờn, chú Sơn buồn rầu kể về những ngày tháng tận cùng khổ cực của gia đình mình.
Chú Sơn lúc tỉnh thì không sao nhưng mỗi khi lên cơn đều không kiểm soát được mình, cũng không nhận ra ai.
Chú từng có một gia đình đủ đầy hạnh phúc với người vợ hiền và 2 đứa con "đủ nếp đủ tẻ", con trai lớn tên Phan Minh Sang (SN 2003) và con gái út Phan Thị Thùy Linh (SN 2006).
Cảnh nhà khốn khó nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi gia đình kiệt quệ hơn, vợ chú không chịu nổi cảnh nghèo khó đã dứt áo ra đi, để lại chồng cùng 2 đứa con thơ, đứa đầu đang học tiểu học, còn bé út chỉ mới vào mẫu giáo. Từ đó một mình chú vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi 2 đứa trẻ nên người.
Chiếc giường tầng là chỗ ngủ của 3 cha con, cũng là góc học tập của Linh.
Chú thuê một phòng trọ nhỏ chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, trong phòng chẳng có tài sản gì đáng giá, chỉ có chiếc giường tầng là chỗ ngủ của 3 cha con, góc nhà vệ sinh và vài vật dụng để nấu cơm.
Xin vào làm bảo vệ cửa hàng, một mình người đàn ông "thân cò lặn lội sớm hôm" chắt chiu từng đồng để cả nhà có cơm ăn, Sang và Linh cũng được đến trường tìm con chữ.
"Mẹ tụi nhỏ bỏ đi mười mấy năm rồi, tui nghèo không lo được đầy đủ cho bả với mấy đứa con, bả không chấp nhận cảnh sống nghèo khổ như vậy hoài nên bỏ đi mất. Thằng Sang với con Linh cũng hiểu chuyện, biết mẹ bỏ mình rồi nên dù còn nhỏ cũng chẳng bao giờ đòi mẹ, chắc giờ tụi nó cũng quên mặt mẹ rồi vì lúc bả đi, 2 đứa còn nhỏ xíu à".
Linh khá nhút nhát và ít nói, đôi mắt buồn của em chất chứa đầy tâm tư.
Quê ở Bến Tre nhưng mười mấy năm nay chú Sơn đã không về, phần vì nhà cửa không còn. Nhìn bé Linh với đôi mắt đầy phiền muộn, chú Sơn trầm ngâm: "Lương của tui chỉ đủ lo chợ búa, tiền nhà cho nên quần áo sách vở của 2 đứa đều là người ta cho chứ tui tiền đâu mà mua, đồ mặc từ năm này sang năm khác, chỉ có 2 chiếc xe đạp là hồi còn khỏe tui đi làm nên mua cho tụi nó có cái để đi học".
"Tụi bây là ai vậy? Tao không quen"
Cách đây khoảng một năm, chú Sơn thường đau đầu, chóng mặt nhưng nghĩ đó là chuyện bình thường, vài ngày sẽ hết nên chỉ uống thuốc qua loa được mua ở nhà thuốc. Đến một ngày đầu đau như búa bổ, chịu không nổi đành đến bệnh viện thì bác sĩ kết luận chú bị tâm thần phân liệt, lại thêm tai biến và đột quỵ nên đã cướp đi khả năng lao động của chú.
Không có hộ khẩu nên hằng ngày, bé Linh phải đạp xe đi học ở một trường cách nhà rất xa, vì những ngôi trường gần nhà em đòi hỏi hộ khẩu và học phí khá đắt.
Từ đó, Sơn đang là học sinh cấp 2 đành nghỉ học, trở thành trụ cột chính của gia đình, thay cha đi làm để trang trải cuộc sống, thuốc men cho cha và em gái đi học. Sơn làm thợ sửa xe gần nhà, đồng lương ít ỏi chỉ đủ cơm nước và tiền nhà, còn lại phải đi vay mượn người ta.
Mỗi lần cơn bệnh tái phát, chú Sơn không thể kiểm soát được bản thân, không nhận ra con mình. "Lúc mà ba bệnh, em hỏi ba là ba biết tụi con là ai không, ba nhìn tụi em rồi hỏi: "Tụi bây là ai vậy? Tao không quen" rồi quay mặt ra chỗ khác. Lúc đó em chỉ biết khóc".
Từ khi trở thành "kẻ vô dụng" như lời chú nói, mỗi ngày nhìn thằng con trai lớn quần quật ngoài đường kiếm tiền nuôi mình, còn cô con gái bé nhỏ vừa đi học vừa phải cáng đáng nhà cửa, chú đau xót lắm.
"Tui bây giờ là người vô dụng rồi, đâu còn sức khỏe đi làm nữa, tội nghiệp tụi nó, còn nhỏ mà phải chịu quá nhiều cực khổ như vậy. Mỗi tháng phải đi tái khám, tiền thuốc bằng cả tiền lương của thằng Sang" – chú ngậm ngùi nói.
Chú Sơn bất lực nhìn bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên đôi vai 2 đứa con thơ.
Hôm chúng tôi đến, Sang đã đi làm, còn bé Linh vừa mới lên trường để gặp thầy cô, bạn bè chuẩn bị cho năm học mới rồi đạp xe về chuẩn bị cơm nước cho ba.
Mới 13 tuổi nhưng Linh đã ra dáng người trưởng thành so với bạn bè đồng trang lứa. Em trầm tính, ít cười, suốt buổi nói chuyện chỉ ngước lên nhìn đôi chút rồi lại cuối mặt xuống, chốc chốc lại nhìn xa xăm ra ngoài cửa. Có lẽ những bất hạnh từ khi còn tấm bé đã lấy đi sự hồn nhiên, ngây thơ và nụ cười trong sáng của cô gái 13 tuổi.
Có anh hai làm chỗ dựa mỗi khi ba phát bệnh nên cô bé chỉ biết ôm anh mình mà khóc.
Ý thức được gia cảnh của mình nên 2 anh em Sang và Linh chẳng bao giờ đua đòi, ăn gì cũng được, mặc sao cũng được. Ở tuổi các em, bạn bè đã có điện thoại di động hay thường tụ tập trà sữa, ăn hàng, nhưng Sang và Linh chẳng có gì, các em chỉ muốn ba khỏe và không phải chịu cảnh "bữa đói bữa no".
Cuối buối trò chuyện, tôi hỏi Linh về ước mơ sau này của em, cô bé mỉm cười bảo em chỉ muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho ba và để anh hai đỡ vất vả hơn. Còn chú Sơn chỉ mong bệnh tình mình chuyển biến tốt để đôi vai các con có thể được nhẹ nhõm.
Quý độc giả có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ ba cha con bé Linh xin vui lòng liên hệ:
SĐT: 0938298440 – chú Sơn.
Địa chỉ: C7C, Phạm Hùng, phường Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Xin chân thành cảm ơn!