Mẹ bé bị bỏng ở trường mầm non ứa nước mắt khi con kêu đau
Bác sĩ Băng Tâm cho biết, thứ hai tới, bé P.L - bé gái bị bỏng ở trường mầm non sẽ cần phẫu thuật để cắt đi phần da bị hoại tử.
Ngày 1/4, bé P.L (ở Lục Yên, Yên Bái) bị bỏng nửa người khi đang đi học mẫu giáo ở trường mầm non B.N gần nhà. Do vết bỏng rộng nên bé được bố mẹ đưa xuống Viện bỏng Quốc gia điều trị. Đến ngày 3/4, bé P.L - ăn được rất ít, liên tục kêu đau, được biết, thứ 2 tới bé sẽ phải phẫu thuật. Cầm tay con bên giường bệnh, mẹ bé mặt buồn rười rượi, mắt ngân ngấn nước khi con kêu đau, chị hy vọng từng giây từng phút con mình sẽ nhanh khỏi.
Trao đổi về tình trạng sức khỏe của bé, bác sĩ Băng Tâm - bác sĩ trực tiếp điều trị cho bé tại khoa Nhi, Viện Bỏng quốc gia cho biết, các y bác sĩ trong khoa đang ngày đêm theo dõi tình hình của cháu. Vết bỏng của cháu có diện tích 20 %, nặng ở cấp độ 4. Thứ 2 tới, bé sẽ trải qua một cuộc phẫu thuật theo vết bỏng để cắt phần da bị hoại tử. Không có thể nói trước được điều gì vì diễn biến ở trẻ con rất thất thường, việc cần làm lúc này là trấn an bé, động viên tinh thần và các bác sĩ sẽ cố gắng theo dõi sát sao, tích cực điều trị cho cháu.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chia sẻ thêm, bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ, số lượng bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu, điều trị, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng do bỏng ngày càng gia tăng.
Được biết, có rất nhiều nguyên nhân gây bỏng: như bỏng lửa, bỏng nước sôi, bỏng điện, bỏng hóa chất… tuy nhiên chiếm tỷ lệ cao hơn cả là bỏng nước sôi và bỏng lửa. Điều quan trọng sống còn khi bị bỏng đó chính là sơ cứu đúng cách. Việc sơ cứu đúng cách khiến vết thương không bị nặng hơn, dính và ăn sâu vào bên trong, việc sơ cứu chậm, không kịp thời khiến trẻ rất dễ bị bội nhiễm vết thương và đối mặt với biến chứng nguy hiểm.
Bước tiếp theo là cần làm mát vết thương, tránh da bị rộp, có thể dùng vòi nước mát cho chảy chậm lên vết bỏng từ 10 tới 20 phút.
Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Tuyệt đối không dùng nước lạnh để làm mát da cho trẻ. Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng quanh vùng bỏng như giày dép trước khi vết bỏng sưng to. Dùng vải sạch, gạc sạch che phủ vùng bỏng tránh nhiễm khuẩn. Ở bên cạnh vỗ về trẻ, cho trẻ nằm ngay ngắn. Sau đó chuyển ngay trẻ tới bệnh viện.
Tuyệt đối không tự ý chữa bỏng cho con bằng những phương pháp truyền miệng như: dùng kem đánh răng, nước mắm, thuốc mỡ để tránh bỏng. Việc sơ cứu sai cách càng khiến tình trạng bỏng nặng thêm mà thôi.
Bên cạnh đó, bác sĩ nhấn mạnh “phòng còn hơn chữa”, phụ huynh, người lớn cần chăm sóc, để ý trẻ bởi trẻ con vốn hiếu động, tò mò. Tránh tầm tay tầm mắt của trẻ với những vật dụng nguy hiểm như phích nước sôi, nồi lẩu, thức ăn mới nấu, bàn là, bật lửa… Lưu ý nước tắm cho bé, không để bé trong nhà tắm một mình với nước nóng, bình nước nóng đang đun sôi.