Mẹ 35 tuổi kể chuyện "ngược dòng" qua thời kỳ bỉm sữa để thành công
Ở tuổi 35, chị Thanh Hằng đang "sở hữu" nhiều điều mà người cùng phái mơ ước: Trưởng phòng Luật tại một công ty đa quốc gia, sở hữu một trang trại nông nghiệp và là mẹ của cậu con trai 12 tuổi nói tiếng Anh như gió, chơi violin giỏi...
Bùi Thị Thanh Hằng, 35 tuổi. Hiện đang là Trưởng Phòng Luật, Công ty TNHH Ericsson Việt Nam, phụ trách thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Là chủ một trang trại thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên, canh tác các giống rau, củ và hoa thuần chủng, nói không với hóa chất và phân hóa học. Là mẹ của cậu con trai 12 tuổi đã đi tới 30 quốc gia, nói Tiếng Anh như gió, chơi violin giỏi... |
Trước khó khăn, hãy bình tĩnh sẽ thấy lối đi
Đã từng là "mẹ bỉm sữa" khi trong tay chưa có gì và rồi "lội ngược dòng" ngoạn mục ở những vị trí rất thành công, giờ là trưởng phòng luật một công ty đáng mơ ước. Chắc mọi việc đến với chị chẳng phải dễ dàng gì, nhưng sao nhìn vẻ bề ngoài của chị vẫn toát lên sự thanh nhàn?
Nếu nhìn bề ngoài và ít có thời gian gần gũi thì bạn sẽ khó đoán biết được quá trình phấn đấu của một người. Tôi gặp nhiều may mắn nhưng cũng trải qua rất nhiều thử thách mà không phải người bình thường nào cũng trụ vững. Những biến cố gia đình lúc đầu là cú đòn quật ngã tôi rồi sau đó nó lại là động lực vực tôi dậy tiếp tục sống và nỗ lực hơn trước rất nhiều.
Suốt thời gian đi học, tôi luôn phấn đấu và nuôi nhiều hoài bão về một tương lai tốt đẹp sau khi ra trường. Thế nhưng ngay khi ra trường tôi lại quyết định làm đám cưới với bạn trai lâu năm (nay là chồng tôi) rồi sinh con. Bạn thử tưởng tượng xem, hoài bão của tôi lúc đó được lấp đầy bởi cháo, bỉm và sữa của con. Có hôm nước mắt tuôn trào khi mình ngồi bế con còn đỏ hon hỏn, bạn bè qua chơi chào tạm biệt đi học cao học ở nước ngoài.
Tôi có một vài cơ hội để vào cơ quan nhà nước sau khi ra trường, nhưng đam mê của tôi lại là làm cho các tập đoàn đa quốc gia. Vậy là tôi gác hết nỗi buồn “mẹ trẻ” bắt tay vào lập kế hoạch cho mình. Việc đầu tiên là mục tiêu học tiếng Anh.
Trong vòng 1 năm, vừa chăm sóc con, vừa tự học tiếng Anh và sau đó tôi được tuyển vào làm phóng viên kinh tế tờ tiếng Anh của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam. Bầu trời bắt đầu rộng mở trước mắt tôi. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, học hỏi được nhiều, tôi nhanh chóng lấy lại tự tin và thể hiện tốt vai trò của một phóng viên. Nhiều năm sau đó, tôi tiếp tục thử sức mình ở một số môi trường làm việc mới tại các công ty Mỹ, Anh và giờ đang rất hài lòng với công việc hiện nay tại Ericsson Việt Nam, một công ty Thụy Điển, đậm văn hóa Bắc Âu, đầy nhân văn và con người rất được tôn trọng.
Ồ, vậy thì bí quyết cho những thành công của chị là gì khi một bà mẹ có con nhỏ thường là lý do cho những cuộc họp trễ, những kế hoạch chậm thời hạn...?
Thực sự bí quyết của tôi chỉ là sự nỗ lực. Nỗ lực bằng 200% khả năng của mình. Tôi luôn sống có kế hoạch, ngắn hạn và dài hạn. Khi bạn nghĩ trước về những việc bạn định làm, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc và đến đích nhanh hơn.
Hình ảnh một Trưởng phòng Luật năng động ngoài đời
Sự quyết tâm gắn bó với tôi từ khi đi học. Tôi học tại trường ĐH Luật và được vào lớp tài trợ của Pháp rồi là một trong rất ít sinh viên của trường được học bổng đi trại hè ở Pháp. Khi ấy tôi chỉ nghĩ một điều duy nhất là tôi phải cố gắng nhiều hơn, quyết tâm hơn, lí trí hơn để trở thành chỗ dựa cho mẹ tôi với những nỗi đau đã khiến bà trở nên vô cùng mềm yếu. Tôi học cách cố gắng đạt được mục đích và tự lo mọi thứ. Và sau tất cả tôi hiểu ra rằng: khó khăn mấy cũng có cách để vượt qua chỉ có điều có quyết tâm hay không mà thôi. Trước mọi chuyện, hãy cứ bình tĩnh sẽ tìm ra lối đi. Không có ai đẩy mình đến chân tường cả. Trong cái rủi lại có cái may. Nghĩ thế nên những biến cố và khó khăn sau này tôi đã biết đón nhận nhẹ nhàng.
Thành công tôi không đo bằng tiền, bằng địa vị, tôi đo bằng việc bạn có thấy cuộc sống của bạn có ý nghĩa không, có thú vị không. Tôi luôn nghĩ cách làm cho cuộc sống của mình thú vị.
Những chuyến đi giúp con tôi tự lập hơn
Hạnh phúc của người phụ nữ không thể nào thiếu niềm niềm vui làm mẹ và những đứa con ngoan. Được biết cậu con trai của chị mới 12 tuổi nhưng đã đi tới 30 quốc gia, nói tiếng Anh như gió, chơi violin giỏi, thậm chí cậu bé đã từng tự đi kéo đàn ở trong và ngoài nước quyên tiền làm từ thiện. Chị đã làm thế nào để có đươc một đứa trẻ tự tin và giỏi giang đến thế?
Những gì chị vừa nói là có phần động viên vợ chồng tôi và cháu rồi đấy vì thực sự thì cháu vẫn cần rèn luyện rất nhiều. Ngay cả việc cháu đi 30 nước tôi cũng không tự hào vì cháu đang đi chơi bằng tiền của bố mẹ. Tuy nhiên tôi cũng không phủ nhận việc cháu sớm có lòng trắc ẩn và sớm bộc lộ một số năng khiếu nhất định. Chúng tôi giúp cháu phát huy những khả năng đó.
Mỗi cuối tuần, nếu bạn đi dạo Bờ Hồ bạn có thể bắt gặp cháu đứng kéo violin quyên tiền từ thiện. Cháu đang ấp ủ dự án mua sách cho các bạn nhỏ ở vùng sâu vùng xa kém may mắn hơn mình. Vợ chồng tôi hoan nghênh ý tưởng đó và giúp cháu thực hiện. Sẽ ý nghĩa hơn nếu cháu tự kiếm tiền bằng cách đó và làm từ thiện thay vì chúng tôi cấp cho cháu một khoản tiền.
Tôi cũng sớm cho cháu tham gia các hoạt động cộng đồng như dạy học cho các em ở trường mầm non mỗi kì nghỉ hay giúp mẹ bán rau sạch tại hội chợ ủng hộ từ thiện. Cháu làm việc rất thích thú và có trách nhiệm.
Chị quan niệm thế nào về rèn kỉ luật cho trẻ?
Tôi cho rằng trẻ con sẽ làm tốt hơn những việc chúng thấy thích thú. Tuy nhiên nhiều sở thích của trẻ nếu không rèn rũa thì sẽ sớm mai một hoặc không hiệu quả. Vợ chồng tôi tôn trọng sở thích của con, khơi gợi sở thích cho con nhưng cũng đưa ra những quy định nhất định con phải thực hiện. Ví dụ cháu rất thích đọc sách, đó là nhờ chồng tôi rèn rũa, đầu tiên phải tạo nếp đọc cho cháu bằng cách mỗi tối phải dành ra 30 phút để đọc, tạo môi trường gia đình tràn ngập sách và hướng dẫn cháu đọc một cách hiệu quả. Đọc để cảm nhận, suy nghĩ về cuốn sách và những thông điệp từ cuốn sách chứ không đọc chơi chơi rồi thôi. Cháu ngồi sân bay hay đơn giản chỉ là mỗi lần đi chỉnh niềng răng, thay vì ôm máy tính, cháu luôn có quyển sách.
Tôi muốn nói là chúng ta tôn trọng sở thích của trẻ nhưng nếu không có kỉ luật thì sẽ không mang lại thói quen tốt lâu dài cho trẻ. Mà trong chuyện này thì thực ra tôi lại hay thỏa hiệp với trẻ hơn chồng tôi (cười).
Việc đưa con ra nước ngoài nhiều như vậy tất cả đều vì chị muốn dạy con tính tự lập?
Thực ra dạy con tự lập thì có nhiều cách. Chúng tôi đưa cháu đi chơi và trong các chuyến đi cháu phải tự lập. Trong các chuyến đi nước ngoài hầu như con phải tự làm mọi thứ, check in, check out, hỏi đường, mua vé, nghiên cứu bản đồ, tìm chỗ ở. Nhưng đó cũng chỉ là tận dụng cơ hội để con thêm tự lập thôi. Mục đích khác của việc cho cháu đi nhiều là để cháu mở mang kiến thức, làm dày thêm vốn sống, trải nghiệm những điều thú vị khắp mọi miền.
Con trai chị Thanh Hằng trong những hoạt động từ thiện và khi vui chơi tại nước ngoài.
Cháu đam mê đọc sách và tìm hiểu về thế giới. Sẽ vô cùng thú vị nếu cháu được đặt chân đến những nơi mà cháu đã gặp trong sách báo. Chúng tôi cũng không dư giả gì nhiều, những chuyến đi của cháu và gia đình chúng tôi đều sử dụng những dịch vụ bình dân nhất. Điều đó tăng cơ hội cho cháu phải tự xoay sở và giải quyết vấn đề.
"Làm vườn như để thiền vậy"
Tôi được biết ngoài công sở, ngoài làm vợ, làm mẹ, là một phụ nữ thành công chị còn là... nông dân. Có một khu vườn ở ngoại thành Hà Nội và chị thường say mê làm nông dân vào cuối tuần. Đó có phải là một trong những niềm đam mê của chị?
Đó là mảnh vườn bố mẹ tôi để lại, nó gắn với rất nhiều kỉ niệm tuổi thơ của tôi. Người đầu tiên truyền niềm đam mê ươm trồng lọ mọ cho tôi là bố tôi. Trước khi mất ở tuổi 43 bố tôi là một Phó Tiến Sĩ nông nghiệp. Cả tuổi thơ của tôi gắn với các đề tài nghiên cứu khoa học của bố và các cô chú trong trường nơi bố tôi quản lý. Nông nghiệp nó ngấm vào tôi nhẹ nhàng như hơi thở. Sau này tôi học luật rồi theo nghề luật sư nhưng đi đâu, dù trong hay ngoài nước, tôi cũng hay để ý và quan tâm đến trồng trọt, chăn nuôi.
Sau này, tôi tham gia một vài diễn đàn và gặp gỡ nhiều bạn bè có cùng đam mê, đặc biệt khi cảm được triết lý của nhà nông nghiệp thuận tự nhiên nổi tiếng người Nhật Masanobu Fukuoka qua cuốn “Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm”, tôi quyết tâm biến khu vườn vốn bao năm bỏ không thành chốn đi về thú vị cho gia đình và nhiều bạn bè.
Ở đó tôi chỉ trồng và nuôi các giống cây, con thuần chủng và hoàn toàn theo phương pháp thuận tự nhiên, không sử dụng hóa chất và phân hóa học. Tôi nuôi lợn, nuôi gà, nuôi thỏ, chó , mèo và bồ câu. Trẻ con về vườn được nghịch đất, đào khoai, bẻ ngô, cho lợn gà ăn, cháu nào cũng thích. Tôi làm vườn như là một cách để thiền vậy. Nó giúp tôi cân bằng lại cuộc sống vội vã hàng ngày và tính chất khô khan trong công việc của một luật sư. Cứ cuối tuần về đó, làm vườn từ sang đến tối, quanh mình là hai đứa con và ba con chó, thật không có gì thú vị bằng.
Chắc hẳn đó là khoảng thời gian hạnh phúc của chị?
Những gì tôi thu nhận được có cả hữu hình và vô hình. Gia đình tôi, thậm chí bạn bè tôi được sử dụng những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Khi mà hóa chất được sử dụng tràn lan thì điều này là rất quý. Qua việc làm nông nghiệp, tôi ý thức rõ ràng hơn những vấn đề xã hội đang ngày càng nóng bỏng như an toàn thực phẩm, vấn đề biến đổi gen. Tôi tự trang bị kiến thức cho mình và lan tỏa niềm đam mê nông nghiệp sạch đến những người xung quanh. Đối với các con tôi, chúng không hề xa lạ với công việc của một bác nông dân. Tình yêu thiên nhiên đến bằng cách đó theo tôi là tự nhiên nhất và bền vững nhất.
Trong tương lai, tôi muốn biến khu vườn thành điểm đến của những người yêu nông nghiệp tự nhiên, là nơi giao lưu, lưu trữ và nhân giống các giống cây, con thuần chủng. Tôi muốn con của tôi, con của bạn bè tôi và thậm chí con của những người không quen biết được đến vui chơi tại vườn.
Chị đang đảm nhiệm rất nhiều vai trò, vai trò một luật sư, một người vợ, người mẹ và một chị nông dân, có ôm đồm quá không và ở vai trò nào chị thấy tâm huyết nhất?
Tôi yêu tất cả các vai trò đó. Tôi may mắn có người chồng thông cảm với công việc của vợ và ủng hộ vợ thành đạt. Chồng tôi dù bận với công việc kinh doanh riêng nhưng vẫn rất lo lắng và chăm sóc cho các con. Do đó tôi cũng “nhẹ” đi nhiều. Tôi cố gắng hài hòa công việc của mình để không cái gì bị ảnh hưởng. Tôi cố gắng tập trung để nâng hiệu suất công việc. Ngày tôi tập trung làm việc cơ quan, tối về chăm sóc con cái, cuối tuần đưa con về vườn. Nghe thì nhiều nhưng thực ra công việc cũng không chồng chéo lẫn nhau đâu.
Một số hình ảnh của Thanh Hằng - bà mẹ 35, phụ nữ thành công năng động ngoài đời: