Máy bay Hàn Quốc hạ cánh khẩn nguy xuống Tân Sơn Nhất do vật thể lạ
Máy bay Boeing 737 của Hãng T’way Air từ Seoul (Hàn Quốc) đến TP. HCM hạ cánh khẩn nguy xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất do va chạm với vật thể lạ chứ không phải chim trời.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam - cho biết thông tin về máy bay Boeing 737 của Hãng T’way Air (Hàn Quốc) hạ cánh khẩn nguy xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sau va chạm trên không ngày 19-9 vừa qua.
Máy bay Hàn Quốc hạ cánh khẩn nguy xuống Tân Sơn Nhất sau tiếng động lớn.
Đây được đánh giá là sự cố mức D - sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn. Chiếc máy bay đã va chạm với vật ngoại lai lúc tiếp cận hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất.
Theo ông Tấn, đã xác định máy bay hỏng phần mũi do va chạm với vật thể lạ chứ không phải chim trời vì không phát hiện dấu vết của chim để lại.
"Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra, làm rõ. Vừa rồi chúng tôi có làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhà chức trách hàng không Hàn Quốc về vụ việc. Ngoài ra, có sự tham gia của Bộ Quốc phòng vì đây là cơ quan chủ trì quản lý các phương tiện bay không người lái" - ông Tấn nói.
Trước đó, lúc 0 giờ 6 phút ngày 19-9, cơ trưởng chiếc máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air (một hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc) từ Seoul đến TP. HCM thông báo trục trặc kỹ thuật sau khi thấy có tiếng động lớn ở mũi máy bay lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao hơn 600m (2.000ft). Tổ bay dự kiến hạ cánh lúc 0 giờ 10 và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai khẩn nguy đến các đơn vị liên quan và cho xe chữa cháy ra trực sẵn sàng tại các vị trí chờ ở cửa đường băng 25R/07L.
Đến 0 giờ 9 phút, máy bay hạ cánh tại đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất và tự lăn vào bến đỗ số 72, không phải trợ giúp, 166 hành khách rời máy bay an toàn.
Tuy nhiên, mũi máy bay có vết móp lớn phía bên trái và nhiều vết rạn nứt ở chóp mũi, chưa xác định được nguyên nhân. Đại diện Hãng hàng không T’way Air đã cho máy bay nằm lại sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra kỹ thuật, khắc phục sự cố.
Mũi máy bay có vết móp lớn phía bên trái và nhiều vết rạn nứt ở chóp mũi - Ảnh: VNE.
Cục Chính sách hàng không thuộc Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Hàn Quốc (MOLIT) đã cử người sang Việt Nam phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam điều tra sự cố trên.
Sự cố liên quan đến động cơ NEO của Hãng Pratt Whitney
Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay Hồ Minh Tấn cũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, đã xảy ra các sự cố liên quan đến thiết kế, chế tạo động cơ NEO của Hãng Pratt Whitney gắn trên dòng máy bay mới Airbus A320 NEO, A321 NEO mà các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác.
Cụ thể, dòng động cơ NEO (New Engine Option - chọn lựa động cơ mới) trên các máy bay Airbus A320, A321 mà các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng gần đây thường xảy ra trục trặc.
Cục Hàng không đánh giá là do lỗi thiết kế và chế tạo, đã làm việc với Hãng Airbus và nhà sản xuất động cơ NEO là Pratt Whitney để khắc phục.
Chủ yếu sự cố động cơ NEO mà các máy bay của hãng hàng không Việt Nam gặp phải liên quan đến vật liệu ở tầng 3 của tuốcbin áp suất thấp của động cơ.
Hãng Pratt Whitney đã xác nhận vấn đề này và có giải pháp khắc phục. Trong các lô máy bay A320, A321 mới sẽ giao cho các hãng hàng không Việt Nam trong thời gian tới, tầng 3 của tuốcbin áp suất thấp sẽ thay bằng các loại vật liệu mới, đảm bảo khắc phục triệt để. Còn động cơ NEO đang khai thác trên các máy bay đã bàn giao, Pratt Whitney cam kết khắc phục trong vòng 10 đến 12 tháng.
Đồng thời, ông Tấn cũng cho rằng hãng Pratt Whitney cần thời gian để khắc phục lỗi động cơ trên các máy bay đã bàn giao là do các động cơ dự phòng, phụ tùng thay thế cần thời gian đáp ứng. Đây là cố gắng rất lớn của nhà sản xuất để hỗ trợ các hãng hàng không. Các động cơ NEO đang khai thác đang nằm trong giới hạn an toàn cho phép theo tính toán với xác suất hỏng hóc thấp.