Mặt trái của sống thử

,
Chia sẻ

Sung sướng thay khi được sống trong một thời đại có quyền được thử! Thử không được cái này ta chọn cái khác, bởi bản thân người thử chẳng mất gì. Thế nhưng khi bạn gái sống thử họ được hay mất?

Bản chất của “sống thử”

Thực ra “sống thử” là chuyện không có gì mới, từ xưa không ít người con gái bị cuốn hút bởi vẻ đẹp trai hay lời nói ngọt ngào, vẻ hào hoa của một anh chàng nào đó. Họ rung động và muốn tiếp cận đối tượng bằng những cuộc gặp gỡ, hẹn hò, thậm chí có thể trao nhau những nụ hôn.

Nhưng rồi cô gái khám phá ra anh chàng ấy vô cùng tẻ nhạt hay có điều gì đó không đáng tin cậy, có những tính cách mà cô không thích... Thế là cô tìm cách chia tay và xem đó như một chuyến “yêu thử”. Cô cũng có thể buồn, thất vọng và cũng “mang tiếng” chút ít rồi mọi chuyện sẽ qua vì không “mất mát” gì.
 
 

Cho nên yêu thử, ở một chừng mực nào đó có thể chấp nhận được. Còn “sống thử” là chuyện hoàn toàn khác. Mới đây, một cô gái từ V.T. viết thư đến cầu cứu rằng làm sao giúp cô có cách cứu người bạn gái thân thiết ra khỏi “vũng lầy” của việc sống thử.

Đó là một cô gái mới 19 tuổi, vốn chăm ngoan, từ quê xa vào V.T. học nghề, nhưng khi yêu một anh chàng ở cùng dãy nhà trọ là cô liền dọn đến ở chung với bạn trai, từ đó cô tất bật như một người vợ đảm đang, suốt ngày lo làm việc nhà như đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc người tình và lơ là chuyện học hành, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên can.

Cái cách sống như thế gọi là sống thử mà các cô cậu còn đi học, những công nhân xa nhà thường vướng phải. Các bạn gái tình nguyện đến sống với bạn trai như vợ chồng, không kèn không trống, cha mẹ không được ăn một miếng trầu, uống một ly rượu xem như trả công nuôi con lớn lên.

Đã sống chung như vợ chồng thì họ thoải mái quan hệ tình dục, cô gái cơm nước hầu hạ, nếu không sẽ bị bỏ rơi, có khi cô còn bị người tình đánh đập hoặc bạo hành tinh thần nhưng vẫn phải “cắn răng” chịu vì nói ra sẽ bị cười chê.

Chưa kể lỡ có thai phải phá thai và khi “thử” chán chê, chàng trai sẽ bỏ rơi họ. Mà thường là vậy, cô gái sẽ ê chề vì bụng mang dạ chửa hoặc phá thai nhiều lần, thể xác lẫn tinh thần bị tổn thương nặng nề và còn mang tiếng là dại dột, là “mất trắng”. Cha mẹ của họ cũng xấu hổ, khốn khổ vì có đứa con gái hư thân mất nết.

Sự thiệt thòi họ phải gánh chịu là quá rõ, nhiều khi suốt đời cũng không trả hết.

Thử là mất

Cho nên sống thử không phải như những kiểu thử khác. Thử là mất, vì sự trong trắng, danh giá của người con gái mất đi là khó lấy lại vô cùng. Vì cuộc đời chỉ có một, không thể mang ra thử. Sống cũng giống như cái chết, không ai dám... chết thử.

Mai Trinh là một cô gái khá xinh đẹp, học giỏi và thông minh. Cô hiểu mọi điều, thế nhưng lại không hiểu lòng dạ phái nam. Yêu ai cô cũng cho họ “sống thử” với mình, mà số người theo đuổi cô thì khá nhiều.

Kiêu hãnh nhưng dại dột, cô cứ bị đàn ông dụ dỗ, đến khi gần 40 tuổi cô tiếp tục “sống thử” cùng một người đã có gia đình, với hy vọng rằng nếu có con cô sẽ trói chân được ông ta.

Cuộc đời chỉ có một, không thể mang ra thử... Giờ hơn 10 năm qua, Mai Trinh gắng sức làm việc để nuôi con nhưng vẫn không vượt qua được sự cô đơn, nghèo túng lẫn con mắt tò mò, miệt thị của người xung quanh. Vì làm sao một người phụ nữ thông minh lại buông mình vào “phép thử” dại dột ấy.

Và phần đời còn lại dường như không đủ để cô trả giá cho sự lầm lỡ ngày xưa. Ai cũng tiếc cho cô vì nhan sắc và trí tuệ lẫn học vấn ấy, giờ này hẳn cô đang ở trên đỉnh cao của sự thành đạt, danh vọng và sự ngưỡng mộ của mọi người.

Tại sao các bạn gái vẫn lao vào “thử”?

Chuyện “sống thử” được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà giáo dục, các nhà xã hội học cùng các bậc phụ huynh không ngừng trăn trở để tìm một biện pháp ngăn chặn. Nhưng một thực tế đáng buồn là tình trạng ấy chưa hề giảm.

Nước ta là một trong những nước đứng đầu về nạn nạo phá thai. Có người cho rằng việc giáo dục giới tính của nước ta chưa tốt, lớp trẻ thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, rằng các bậc cha mẹ bây giờ ít quan tâm dạy dỗ con, đặc biệt là với con gái...

Có lẽ lý do sau cùng là gần đúng nhất. Bởi ngày nay, có rất nhiều bạn gái trẻ sống buông thả, không có ý thức tôn trọng giá trị bản thân, không quý bản than, vì thế họ mới không biết giữ gìn.

Có một cô ca sĩ khá nổi tiếng khi dính vào một vụ bê bối tình dục và hình ảnh bị tung lên mạng Internet, cô mới thú nhận rằng khi quen một chàng trai chưa rõ nhân thân, thế mà ngay khi lần đầu tiên anh ta mời cô vào Tp. Hồ Chí Minh, đến ở khách sạn, cô đã trao thân ngay cho anh ta.

Các y, bác sĩ sản phụ khoa nhiều kinh nghiệm chứng kiến những kết quả đáng rùng mình của những cuộc sống thử cũng phải lắc đầu khi có bạn gái trẻ mới ngoài 20 đã từng nạo phá thai đến 3,4 lần.

Có rất nhiều lá thư tâm sự đầy hoảng loạn, đau khổ của những cô gái sắp lên xe hoa, khi cô “không còn gì” hoặc từng nạo phá thai. Họ sợ người chồng mới không chấp nhận, sợ chồng thất vọng hay bị đối xử phũ phàng hoặc lo không có con.

Những giây phút “thần tiên” sống thử được thay vào chuỗi ngày buồn tủi, lo âu và trả giá.... Dân gian có câu: “Mọi thứ đều phải trả giá”, nhưng “giá” nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào thiện chí sửa chữa của những cô gái lầm lỡ ấy.

Khi trách những người trẻ “sống thử” thì xã hội và gia đình cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi giáo dục con cái về việc bảo vệ mình còn yếu và việc kiểm soát những sản phẩn văn hóa đồi trụy của những cơ quan chức năng còn yếu kém. Sách báo, phim ảnh khiêu dâm tràn lan cũng góp phần vào việc các bạn trẻ tò mò ăn “trái cấm” và sống theo bản năng hơn là lý trí.  Nhưng cách tốt nhất các là bạn gái phải tự biết bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân và phải tỉnh táo trước những lời “dỗ ngon, dỗ ngọt”.
 
 
Theo Vệ Giang
TGPN
Chia sẻ