Mất "phao cứu sinh" vì ông bà quyết không chăm cháu giúp, cha mẹ 8x, 9x đang đối mặt với thực tế phũ phàng nhưng buộc phải chấp nhận
Thế hệ Boomer đã đưa ra những lý do cho sự lựa chọn của họ.
Gạt bỏ những lối mòn trong tư duy xưa cũ, thế hệ ông bà ngày nay ở Mỹ đã lựa chọn dành thời gian còn lại của cuộc đời để hưởng thụ thay vì chăm cháu cho các con, sự thay đổi này đã khiến Gen Y rơi vào khủng hoảng vì thiếu đi sự hỗ trợ từ cha mẹ.
Ông bà chăm cháu - từ xưa đã thành lề thói?
Khi được Business Insider hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng "Ngày xưa, bà của cô có trông chừng cô và anh trai khi bố mẹ đi vắng hay không?", Kristjana Hillberg, một người phụ nữ 33 tuổi, không ngần ngại trả lời: "Chắc chắn rồi, nếu bố mẹ đi đâu đó xa, chúng tôi sẽ ở nhà bà. Bà nội sẽ không đi đâu cả và chúng tôi luôn biết bà sẽ có mặt khi chúng tôi cần".
Thế nhưng, hiện tại dù có 3 đứa con, Kristjana Hillberg cho biết không có gì đảm bảo rằng bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng của cô cũng sẽ làm điều tương tự, tức là chăm sóc các cháu trong thời gian cô phải làm việc hoặc đi vắng xa nhà.
"Nếu chúng tôi muốn gửi con cho ông bà, chúng tôi phải nói với họ trước nhiều tháng, đồng thời phải ưu tiên các kế hoạch du lịch của riêng họ", Hillberg nói.
Trường hợp của Hillberg không phải là duy nhất. Trái lại nó là điển hình của sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các thế hệ hiện nay, trong đó thế hệ Boomer - những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1964 - đã lựa chọn dành thời gian còn lại của cuộc đời để hưởng thụ thay vì chăm cháu cho các con - những người thế hệ trẻ thuộc gen Y (hay còn gọi là 8X, 9X) ngày nay.
Ông bà, cha mẹ chúng ta - thế hệ Boomer - đang sống tốt hơn bao giờ hết
Trong khi các thế hệ khác đang phải vật lộn để có một cuộc sống đầy đủ thì những người thuộc thế hệ Boomer dường như lại đang sống tốt hơn bao giờ hết.
Theo một báo cáo của Bank of America về thói quen chi tiêu của người tiêu dùng được công bố hồi tháng 5 vừa qua, những người thuộc thế hệ Boomer đang chi tiêu nhiều hơn các thế hệ khác cho việc đi lại và ăn uống ở ngoài. Đồng thời, số liệu của Cục Dự trữ Liên bang (Hoa Kỳ) cũng cho biết dân số thuộc thế hệ này đang sở hữu tài sản trị giá hơn 78 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng một nửa tổng tài sản của cả nước.
Gen Y đổ lỗi cho cha mẹ
Trong khi thế hệ Boomer đang bận rộn tiêu tiền, thì những lớp con cái của họ, những người thuộc thế hệ Y lại cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Leslie Dobson, một nhà tâm lý học ở Los Angeles, cho biết nhiều khách hàng thuộc thế hệ trẻ của cô đang phải đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi và oán giận đối với cha mẹ của họ.
"Những người trẻ, trong suy nghĩ của họ là một sự phản đối trước cách làm của thế hệ Boomer. Họ có con và họ cảm giác giống như bị bỏ rơi hơn khi bố mẹ đã chọn sống cuộc sống của mình thay vì gặp gỡ các cháu và xây dựng mối quan hệ với chúng", Dobson nói với Business Insider.
"Điều mà thế hệ Y mong muốn là sự hỗ trợ thường xuyên, ổn định, nhất quán về mặt hỗ trợ tinh thần. Việc chăm sóc trẻ em cực kỳ tốn kém và cực kỳ áp lực, không những thế họ phải đảm đương cả trách nhiệm về mặt xã hội như công việc hay các mối quan hệ, vì thế họ cần một người hỗ trợ đáng tin cậy luôn sẵn sàng giúp họ, và ông bà thì luôn là lựa chọn tin cậy nhất".
Liệu thế hệ Boomer có lỗi khi không hỗ trợ con cái?
Thế hệ Boomer đã đưa ra những lý do cho sự lựa chọn của họ.
Thứ nhất, đứng ở góc độ của thế hệ Boomer, họ cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng ở chặng đường 3/4 cuộc đời.
"Ở độ tuổi này, họ sẽ có suy nghĩ rằng: 'Ôi trời ơi, cuộc đời tôi sắp kết thúc rồi. Ngày cuối cùng của tôi là khi nào và tôi sẽ làm gì để sống nốt phần đời còn lại một cách tốt nhất đây?'", Dobson nói thêm.
Dobson biết rất rõ về cuộc khủng hoảng hiện sinh của thế hệ Boomer bởi vì bố của cô, Ted Dobson, một chủ doanh nghiệp đã nghỉ hưu 71 tuổi, sinh ra ở California và mới rời bỏ quê hương để chuyển đến một khu dân cư chất lượng cao ở Mexico.
"Bố tôi cảm thấy đây là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với cách mà ông ấy muốn dành phần đời còn lại của mình", cô nói.
Đó là một lựa chọn không hề khiến cô và các chị gái của cô cảm thấy thoải mái bởi từ khi lập gia đình, cô đã hình dung ra việc có một người ông yêu thương ở bên để giúp cô nuôi dạy con cái của mình.
Thế nhưng, khi được phỏng vấn, ông Ted Dobson nói rằng ông sẽ vẫn lựa chọn phương án chuyển đến Mexico để hưởng thụ phần đời còn lại trong lúc con cái bận rộn vì các cháu, bởi ông đã làm rất nhiều việc để giúp đỡ các con mình, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính trong phần lớn cuộc đời của chúng.
Ted nói, tại thời điểm này, ông xứng đáng được chi một phần tiền cho bản thân. "Chúng có thể thuê bảo mẫu", ông nói. "Ngày xưa chúng tôi còn không thuê bảo mẫu. Hiện tại chúng được lái những chiếc SUV đắt tiền, ngày xưa tôi phải lái một chiếc xe tải nhỏ. Việc chúng tôi chuyển đến Mexico không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ những đứa con của mình".
Ngoài lý do dành ưu tiên cho bản thân ở tuổi già, thì cách biệt thế hệ là một lý do khác. Ted Dobson cho biết dù không sống cùng đất nước nhưng ông vẫn cố gắng dành thời gian về thăm gia đình các con.
Nhưng trong những chuyến về thăm nhà gần đây, ông chỉ có thể gặp một số ít trong số mười đứa cháu của mình vì lịch trình bận rộn của chúng.
"Cuộc sống xoay quanh những đứa trẻ, nếu là bạn, bạn có đồng ý không", Ted nói với Business Insider. "Chúng bận rộn một cách lạ thường, vì vậy có một đêm tôi hoàn toàn không có việc gì để làm và không được gần gũi với các cháu của mình".
Hơn thế, Leslie Dobson cho biết, thế hệ Y hiện nay có quan điểm cơ bản khác về việc nuôi dạy con cái, vì vậy những lời khuyên và kinh nghiệm của cha mẹ họ có thể không còn phù hợp hoặc cần thiết nữa.
Điều này đã khiến thế hệ Boomer cảm thấy họ như bị thừa thãi, hoặc không thì sẽ tạo ra những mâu thuẫn.
"Những gì tôi thấy ở các khách hàng của mình đó là sự khác biệt rất lớn trong cách nuôi dạy con cái", Dobson nói. "Đứng ở góc nhìn của thế hệ trẻ thì những người thuộc thế hệ Boomer rất khắc nghiệt và không giỏi trong nuôi dạy con nhỏ, trong khi bản thân họ lại đề cao phương pháp giáo dục con cái nhẹ nhàng và tránh gây tổn thương cho chúng".
Daniel Cox, giám đốc Trung tâm Khảo sát phi lợi nhuận về Đời sống Mỹ, nơi nghiên cứu những thay đổi và phát triển trong văn hóa Mỹ, cũng đồng ý với quan điểm này.
Cox cho biết ngày xưa, những người mới làm cha mẹ sẽ dựa vào các kinh nghiệm truyền miệng từ thế hệ trước để hình thành kiến thức chăm trẻ. Tuy nhiên thế hệ trẻ ngày nay lại dựa hoàn toàn vào Google và các ứng dụng khác.
"Có cả một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô về cung cấp và trang bị cho các bậc cha mẹ kiến thức, thông tin về những phương pháp nuôi dạy con cái", Cox nói.
Nguồn: BI