Mất nước gần nửa tháng, cư dân KĐT ở Hà Nội vẫn nhận hóa đơn cao gấp 6 lần
Rất nhiều cư dân KĐT Thanh Hà (Hà Nội) ngỡ ngàng, bức xúc vì tiền nước tăng bất thường, có gia đình phải nhận hóa đơn gần 2 triệu đồng, gấp 6 lần so với tháng trước.
Những ngày gần đây, tình trạng mất nước tại Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã được cải thiện, song cư dân vẫn chỉ dám sử dụng nước ở vòi bơm vào mục đích giặt quần áo, xả nhà vệ sinh chứ không dám dùng nấu ăn hay tắm rửa…
Điều đáng nói, dù tình trạng thiếu nước, mất nước kéo dài gần nửa tháng 10, khi có nước trở lại, cư dân ở đây cũng hạn chế đến mức tối đa trong việc sử dụng nguồn nước của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, nhưng tiền nước trong tháng 10/2023 của nhiều hộ gia đình phải đóng lại tăng 2 - 3 lần, có gia đình tăng 6 lần so với tháng trước.
Anh Thái Văn Hiếu (29 tuổi, ở toà nhà HH03B thuộc Khu đô thị Thanh Hà) cho biết, gia đình anh chuyển về đây từ năm 2021 đến bây giờ đã hơn 2 năm, khi về đây, hàng tháng hết bao nhiêu tiền nước sinh hoạt anh Hiếu đều đóng bấy nhiêu chứ không kiểm tra lại.
Tuy nhiên, trong tháng 10, căn hộ của anh có nhiều ngày bị cắt nước, khi được cấp nước lại, do lo ngại ô nhiễm, gia đinh anh Hiếu cũng hạn chế sử dụng nguồn nước tòa nhà, vẫn đi mua nước đóng bình để nấu nướng, ăn uống. Vậy mà mới đây, anh ngỡ ngàng nhận hóa đơn báo tiền nước nhà anh phải đóng trong tháng 10/2023 là 1.892.900 đồng, tăng gấp 6 lần so với tháng trước.
Theo anh Hiếu, gia đình anh có 5 thành viên, 4 người lớn và 1 trẻ em; tháng 10 vợ con về quê do mất nước, cả nhà chỉ còn 2 người lớn đi làm tối mới về. Trung bình hàng tháng, gia đình anh sử dụng nước sinh hoạt khoảng hơn hai trăm nghìn đồng, có lúc lên, có lúc xuống nhưng không đáng kể.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2023, tiền nước tăng lên đến hơn 300 nghìn đồng và duy trì đến tháng 9/2023. Đặc biệt, vào tháng 10/2023, gia đình anh và rất nhiều cư dân ở đây phải chịu cảnh mất nước hơn 10 ngày nhưng số tiền phải đóng lên đến gần 2 triệu đồng.
Anh Hiếu cho hay, số tiền đóng gấp 6 lần so với tháng trước là rất vô lý, anh và nhiều gia đình ở Khu đô thị Thanh Hà đã có kiến nghị lên ban quản lý toà nhà cũng như đơn vị cung cấp nước sạch, nhưng chưa có câu trả lời thoả đáng.
Ngoài ra, bản thân anh Hiếu cũng đã phản ánh với nhân viên đo nước. Sau đó, do anh Hiếu ý kiến, đơn vị cung cấp nước cho kĩ thuật xuống kiểm tra nhưng phải kí vào biên bản phí kiểm định và một số phí khác hết khoảng 500 trăm nghìn đồng.
"Trong trường hợp, kiểm định đồng hồ đúng thì mình phải trả tiền, nếu không trả tiền sẽ bị cắt nước. Còn trường hợp đồng hồ sai, thì đơn vị cung cấp nước và người dân sẽ thương lượng để chi trả chi phí phát sinh”, anh Hiếu chia sẻ.
Để kiểm chứng việc đường nước của gia đình có bị rò rỉ hay không, anh Hiếu đã khoá tổng 3 van chính, song khi ra ngoài kiểm tra đồng hồ đo vẫn tiếp tục quay dù nước không sử dụng.
Cũng chung hoàn cảnh với nhà anh Hiếu, gia đình anh Nguyễn Văn Huy (35 tuổi, ở toà HH03A, Khu đô thị Thanh Hà) cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây tiền nước nhà anh tăng cao. Đặc biệt tháng 10 này, gia đình anh cũng như hầu hết các hộ khác trong KĐT bị mất nước hoặc thiếu nước, khi có nước lại cũng dùng hạn chế, vậy mà tiền nước lại tăng gần gấp đôi các tháng trước đó (tháng 9 là hơn 187.450 đồng, tháng 10 là 388.700 đồng)
Gia đình anh Huy có 2 cháu nhỏ. Cả ngày, 2 cháu đi học còn vợ chồng anh lại đi làm, chỉ tối mới có mặt ở nhà để sử dụng nước sinh hoạt nhưng tiền nước lại tăng chóng mặt.
Cũng theo anh Huy, anh đã tìm hiểu rất kỹ quy định của Bộ Công Thương về việc thiết bị đo nhóm 2, sau 5 năm phải kiểm định, thay mới.
"Vậy mà từ khi ký hợp đồng giữa cư dân, Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà chưa bao giờ kiểm tra. Trên đồng hồ đo có chỉ số hết hạn vào tháng 10/2023 nhưng đã đến tháng 11 vẫn không thấy nhân viên của đơn vị cung cấp nước xuống kiểm định, thay mới." , anh Huy nói.
Trong ngày 2/11, nhiều cư dân KĐT Thanh Hà khác cũng phản ánh chỉ số nước tháng 10 tăng bất thường. Cộng thêm việc chất lượng nước thời gian qua không đảm bảo, nên hiện tại, hàng loạt cư dân ở đây đồng loạt chưa đóng tiền nước để yêu cầu lãnh đạo đơn vị cung cấp nước đối thoại trực tiếp tìm phương án giải quyết.
Trả lời về vấn đề này, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà cho biết, ông vẫn chưa nắm được vấn đề tiền nước sinh hoạt tăng bất thường trong tháng 10.
Tuy nhiên, ông Trình cho rằng: "Không có nước thì không nghiễm nhiên đồng hồ nước quay. Nói là thiếu nước nhưng người dân vẫn dùng nước tích trữ" .
Theo ông Trình, khi tháo nước tích trữ cho người dân dùng thì đồng hồ quay. Chỉ có điều nó không có nước liên tục trên vòi. Nước về sản lượng ít dẫn đến thiếu, phải phân phối trải đều, không phải chết hẳn.
Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, cho biết, tới đây huyện sẽ có buổi họp với các tổ trưởng tổ dân phố và đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà. Sau đó huyện sẽ tổng hợp xin ý kiến Sở Xây dựng về việc chỉ đạo kiểm định đồng hồ nước.
"Trách nhiệm trong việc kiểm tra đồng hồ, súc rửa toàn bộ hệ thống nước tại khu đô thị Thanh Hà, UBND huyện đã giao cho Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà xử lý", ông Khiển thông tin thêm.