Mất nhà sau động đất ở Nepal, người dân ngủ ngoài đường chống chọi với gió mùa
Sau hai trận động đất ở Nepal, ông Phurba Sherpa cùng nhiều người khác đã phải ngủ dưới một tấm bạt ngoài trời.
Ông Sherpa là chủ cửa hàng trà Nepali, Nepal. Cửa hàng của ông đã bị đá rơi đè sập trong vụ động đất ở Nepal tuần trước. Bây giờ, mỗi tối, ông và vợ phải ngủ ngoài sân một ngôi trường ở Kathmandu. Ở Nepal hiện giờ, hơn một triệu người đang trong tình trạng giống Sherpa. Họ mất hết nhà cửa, mất hết chỗ ở sau hai trận động đất ngày 25/4 và trận động đất thứ hai chỉ 17 ngày sau đó. Do đó, hàng chục ngàn người phải ngủ ngoài trời, hứng chịu những cơn mưa đầu mùa do gió mùa gây ra.
“Tôi đã mất tất cả - Nhà, phòng trà và toàn bộ tài sản. Giờ tôi là một người tị nạn ngay trên đất nước mình” – Ông Sherpa đã phải đi 110km từ Tatopani, một ngôi làng gần biên giới Trung Quốc, tới thị trấn Thali để xin trợ giúp. Sherpa nói rằng: Đất đá lở khiến ngôi làng của ông bị chôn vùi, không còn nơi để trú ngụ.
“Chúng tôi không có chỗ nào để đi. Trời đã bắt đầu mưa”. Hiện Sherpa phải dùng chung bạt với ba gia đình khác để có nơi nghỉ ngơi.
Nhiều vùng ở Nepal đã dần trở lại bình thường sau động đất. Nhiều cửa hàng tại Kathmandu đã mở cửa, nông dân đang trở lại quê nhà và hệ thống điện đang hoạt động trở lại. Nhưng vẫn còn đó những gia đình như Sherpa. Những tấm bạt nhựa như lời nhắc nhở còn biết bao nhiêu gia đình cần sự trợ giúp.
Hàng chục ngàn người Nepal đang phải ngủ ngoài trời vì không có nhà ở.
Trong khi đó, các tổ chức cứu trợ đang lo lắng về sự lây lan bệnh dịch trong hoàn cảnh các trang thiết bị y tế thiếu thốn trầm trọng. Chính phủ Nepal đã nâng số tiền hỗ trợ cho người dân từ 70 triệu USD lên 200 triệu USD để xây dựng nhà nhà ở, trợ giúp y tế cho người vô gia cư.
Hàng chục khu định cư đã được thành lập ở Thali và các thung lũng xung quanh Kathmandu. Nhiều người lo sợ, mùa mưa đến sẽ khiến công tác cứu trợ bị hạn chế nhiều.
Những trận mưa lớn quét qua các trại ở khu tái định cư là nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cũng như các bệnh hô hấp. Ngoài ra, vùng sâu vùng xa có thể bị cắt đứt liên lạc, cắt đứt đường viện trợ.
Người phụ trách các hoạt động cứu hộ và cứu trợ cho biết: Chính phủ đã lập quỹ nhằm cấp cho mỗi gia đình hai bó tôn lợp để xây một ngôi nhà tạm kiên cố, ít nhất có thể chịu được qua ba tháng mùa mưa lớn, dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 6.
Tuy nhiên, Nepal chỉ có thể sản xuất 8.000 bó tôn/ngày. Sự thiếu thốn các phương tiện như máy đào, máy xúc, cần cẩu để xóa đống đổ nát, mở rộng không gian nhà ở cũng gặp khó khăn.
Gió mùa sắp về sẽ gây nguy cơ bệnh tật cho những người ngủ ngoài trời.
“Chúng tôi phải mua thiết bị từ các nước láng giềng. Việc sản xuất của chúng tôi bị giới hạn” – Ông Pokharel, Phó chủ tịch Ủy ban kế hoạch quốc gia Nepal cho biết.
Trở lại với Thali, những cư dân mới đến đây hiện phải sống tạm trong các trường học. Tuy nhiên, nhà trường đã nói rằng, họ phải rời đi vào đầu tháng 6 để nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Ông cụ Kumar Pariyar, 85 tuổi, sức khỏe yếu, nói rằng: Thali là nơi thứ 4 ông phải chuyển đến kể từ khi mất nhà trong trận động đất tuần trước.“Tôi đến đây vì người thân của tôi đang ở đây. Tôi không biết đi đâu cả. Có lẽ tôi phải sống ở đây đến khi chết thôi”.
Theo Reuters