Mất giá như sao Việt đi LHP Cannes

Theo 24h,
Chia sẻ

Người ta băn khoăn không biết sao Việt lấy tư cách gì để sải những bước chân trên chiếc thảm đỏ đầy hấp lực với thế giới của LHP Cannes. Đơn giản thôi, họ đang làm PG, PB cho một nhãn hàng đồ uống có cồn. Chứ cũng chẳng sang trọng, lộng lẫy gì.

Mất giá như sao Việt đi LHP Cannes

Người ta băn khoăn không biết sao Việt lấy tư cách gì để sải những bước chân trên chiếc thảm đỏ đầy hấp lực với thế giới của LHP Cannes. Đơn giản thôi, họ đang làm PG, PB cho một nhãn hàng đồ uống có cồn. Chứ cũng chẳng sang trọng, lộng lẫy gì.

Không có đất dành cho sao Việt

Ngày 23/5 vừa qua, cặp đôi của Cô dâu đại chiến, Huy Khánh và Đinh Ngọc Diệp đã cùng nhau sải bước trên thảm đỏ của LHP Cannes danh giá. Đi cùng họ là đạo diễn Trần Lực, Quang Hải, diễn viên Lê Khánh, Kathy Uyên, ca sĩ Tinna Tình, và siêu mẫu Trang Nhung.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp nghệ sĩ Việt được mời đi Cannes. Vợ chồng người đẹp Trương Ngọc Ánh - Trần Bảo Sơn, ca sĩ Ngân Khánh, diễn viên Mai Thu Huyền, Lã Thanh Huyền, Minh Hương, đạo diễn Phạm Việt Thanh, Hồ Quang Minh, Nguyễn Vinh Sơn... là những cái tên xuất hiện trong lần đầu tiên trên thảm đỏ của LHP danh giá này vào năm 2010.


Những người đẹp Việt tại LHP Cannes 2010

Trong năm 2011, 3 đạo diễn Lê Cung Bắc, Nguyễn Thanh Vân, Trần Quang Đại cùng 6 nữ diễn viên Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Thanh Hằng, Minh Thư, Minh Hằng, đã có 2 ngày (17-18/5) tham dự các sự kiện tại LHP Cannes lần thứ 64.

Minh Hằng, Hồng Ánh, Anh Thư sải bước trên thảm đỏ Cannes 2011

Ba chuyến đi Cannes liên tiếp gần đây của các diễn viên, đạo diễn và chân dài Việt đều do một công ty sản xuất rượu tài trợ. Theo kế hoạch, nếu không bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân khách quan, cho tới năm 2020, công ty này tiếp tục mời diễn viên Việt Nam dự Cannes. Ngoài ra, họ cũng sẽ cố gắng mời các nghệ sĩ dự những LHP phim lớn, có thương hiệu của thế giới.

Nếu để ý kỹ sẽ thấy, dù đã ba chuyến đi Cannes, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ hình ảnh nào của các sao Việt được “lọt vào” ống kính của báo chí quốc tế. Thậm chí, ngay cả những hình ảnh do chính phía đơn vị tổ chức chuyến đi đưa về cũng khá sơ sài (năm nay có khá hơn với chất lượng và số lượng hình ảnh nhiều hơn).

Không có những cảnh sải bước của sao Việt trên thảm đỏ trước một rừng ống kính. Không có những kiểu tạo dáng tốn thời gian của các chân dài, người đẹp Việt tham dự sự kiện này.

Cả những năm trước và năm nay, "rừng" ống kính của phóng viên nước ngoài đều hướng về phía không có sao Việt.

Không cần nhìn đâu xa, nhìn ngay mặt báo sẽ thấy, hầu hết hình ảnh các ngôi sao châu Á xuất hiện trên thảm đỏ Cannes đều là những cái tên nổi tiếng của điện ảnh Trung Quốc như: Châu Tấn, Phạm Băng Băng, Dương Mịch (năm nay) và trước đó là hàng loạt các ngôi sao lớn như: Củng Lợi, Chương Tử Di,…

Vì đâu nên nỗi? Vì sao Việt đến từ một nền điện ảnh nghèo nàn lạc hậu nên không được săn đón? Không hẳn, dù là bất cứ ngôi sao nào có phim tham dự LHP Cannes cũng đều được phép sải bước tạo dáng trên thảm đỏ để cánh paparazzi thoải mái săn ảnh.

Sự “ghẻ lạnh” của báo chí quốc tế với các sao Việt cũng không quá khó hiểu. Bởi 3 lần đến Cannes, họ đều không đi theo bất cứ đoàn làm phim nào có phim tham gia tranh giải tại Cannes. Vậy thì tại sao trách được báo chí quốc tế “không săn đón” họ và cũng chẳng thể trách họ không có nhiều thời gian để tạo dáng với những bộ cánh đẹp trên thảm đỏ Cannes.

Phận của PG, PB

Chuyện các nghệ sĩ Việt được vinh dự đặt chân lên tấm thảm đỏ LHP Cannes, mà có lẽ (nói hơi quá chút) cả đời họ, bằng tài năng diễn xuất, đạo diễn hay khả năng trình diễn thời trang của mình cũng không thể đặt chân lên được. Thế nhưng, họ vẫn xuất hiện tại LHP danh giá này là vì sao? Là bởi họ đã nhận nhiệm vụ làm các PG (promotion girl), PB (promotion boy), nôm na là người quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, cho nhãn hiệu đồ uống có cồn kia.

Không thể đường đường chính chính đưa thông tin quảng cáo về một loại rượu mạnh trên các phương tiện truyền thông. Do đó, người ta buộc phải nghĩ ra cách… lách luật. Và ở Việt Nam, trong thời buổi “đói khát” thông tin về ngôi sao, không gì hiệu quả hơn là việc mời các ngôi sao “lượn lờ” trong những sự kiện thường niên mà các hãng rượu tổ chức để đưa thông tin trên mặt báo.

Đây là một chiêu quảng cáo hết sức thông minh. Và không khó để nhận ra, trong những năm gần đây, nó được mở rộng và khuếch trương để đưa các nhãn rượu mạnh nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt với chiêu này, hãng rượu tài trợ sao Việt sang Cannes đang đánh trúng vào đối tượng nhắm tới là những người trẻ.

Để xuất hiện trên thảm đỏ LHP Cannes, sao Việt đã chuẩn bị kỹ lưỡng về ngoại hình

Câu hỏi đặt ra là, tại sao người ta lại cần phải mời những ngôi sao đang nổi của làng nghệ Việt làm những PG, PB? Đơn giản bởi, về luật, việc quảng cáo rượu mạnh là bị cấm ở Việt Nam.

Tất nhiên chẳng có ai cho không ai cái gì, còn nhớ tại LHP Cannes 2011, các sao Việt đến Cannes chỉ vẻn vẹn 2 ngày 1 đêm. Trong chuyến đi 10 ngày này, họ đến Scotland, Anh, Pháp với hoạt động chính là thăm thú những nơi sản xuất… rượu whisky để quảng bá cho nhãn hàng này.

Bất cứ chỗ nào có gì đẹp, từ công viên cho đến lâu đài, những thứ chẳng thiếu ở châu Âu, hay có gì nhìn lạ, thậm chí nếu không tìm ra được bối cảnh thì người ta chụp ngay cả ở sân bay. Thế vẫn còn là nhẹ nhàng chán. Các sao Việt còn phải cong người, ưỡn ngực, chìa mông cũng như phải “ngoác miệng” cười tươi tắn bên những chai rượu, cái ly có logo nhà tài trợ hay cái gì đó liên quan đến rượu, để nhà tài trợ chụp ảnh gửi về cho một số báo đăng tải.

Tuy được xuất hiện trên thảm đỏ, được tham dự bữa tiệc dành cho khách VIP theo “suất” của nhà tài trợ, đối tác quan trọng của Cannes, nhưng các nghệ sĩ của ta phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt dành cho khách… không VIP: vào trước khi các ngôi sao xuất hiện nhiều tiếng đồng hồ trước sự kiểm tra nghiêm ngặt của lực lượng an ninh, không được tạo dáng quá lâu trên thảm đỏ như với tư cách của một ngôi sao,…

Chuyến đi Cannes lần ấy thành công tới mức người ta tưởng rằng thương hiệu rượu kia là “nhà tài trợ chính” của LHP Cannes, trong khi sự thật, họ chỉ là đối tác về tiệc tùng tại đây. Với hiệu quả quảng cáo này, chẳng nhà tài trợ nào lại không “mát mặt” vì đồng tiền mình bỏ ra thật đúng lúc, đúng chỗ.

Còn về phía các ngôi sao. Chẳng có lý do gì để họ từ chối một lời mời hấp dẫn như thế. Vừa có cát xê đi dự tiệc, vừa được tiếng là từng đặt chân lên thảm đỏ LHP danh giá nhất nhì hành tinh, Cannes.

Thôi đừng tự huyễn hoặc mình

Nói về niềm tự hào được đi Cannes, không ít nghệ sĩ đã nói những điều lớn lao. Đạo diễn Phạm Việt Thanh cho biết: “Liên hoan phim Cannes tại Pháp không chỉ là sự kiện điện ảnh cao quý và lâu đời nhất thế giới, mà còn là dịp gặp gỡ hiếm hoi giữa nhà sản xuất phim và các nhà phân phối. Tôi tin đây là một trong những cách tiếp cận tốt nhất để điện ảnh Việt Nam hòa mình vào bức tranh toàn cảnh của công nghiệp phim ảnh thế giới”.

Nhưng thực tế, chẳng có chuyện “tiếp cận” nào của điện ảnh Việt Nam với điện ảnh thế giới và cũng chẳng có bài học nào, hay dự án nào được mở ra cho điện ảnh Việt Nam từ chuyến đi làm PG, PB của những nghệ sĩ.

Tina Tình dù đã mặc khá "mát mẻ" nhưng cánh ký giả nước ngoài vẫn tỏ ra... thờ ơ

Theo đạo diễn Việt Linh (năm 2003, chị dự Cannes theo lời mời của Bộ Ngoại giao Pháp - một đối tác của Cannes), khách của Cannes có nhiều thứ hạng: khách được mời bởi BTC Cannes, bởi các đối tác của Cannes, và khách đăng ký tham dự. Danh giá nhất, dĩ nhiên là khách được chính BTC LHP mời, như giám khảo, các nhân vật, các ngôi sao, các tác giả có phim dự thi trong chương trình chính thức; kế đến là các tác giả trong những chương trình song hành… LHP Cannes có rất nhiều đối tác, hàng năm mỗi đối tác được BTC phân phối một lượng vé (khống) để tùy nghi sử dụng”,...

Nhìn vào bảng phân loại khách mời này, đối chiếu với các sao Việt đã đi LHP Cannes những năm gần đây, chỉ có đạo diễn Phan Đăng Di tới theo lời mời của Ban tổ chức, phim “Bi, đừng sợ” của anh nằm trong chương trình song hành của liên hoan.

Tại Cannes năm nay, điện ảnh Việt Nam không có phim được chọn tham dự ngoài một phim ngắn được trình chiếu trong Góc phim ngắn. Thế thì, đi Cannes để sải bước trên thảm đỏ cốt chỉ nhằm giải quyết khâu “oách” cho các sao Việt và giải quyết bài toán quảng cáo cho nhà tài trợ.

Có hay gì cho nghề không? Xin thưa là không. Đừng tự huyễn hoặc mình làm gì cho khổ. Bởi công việc của sao Việt khi đến Cannes “không liên quan” gì đến điện ảnh. Cơ hội tiếp xúc với các nhà làm phim quốc tế hay những buổi hội thảo về phim ảnh là khá hạn hẹp.

Có chăng, ngoài thời gian làm PG, PB, quãng nghỉ ngắn ngủi giữa các buổi show hàng chụp ảnh, nghệ sĩ nào có chí lắm mới có thể tự thân vận động để đi kiếm được cái giấy mời tham gia một hoạt động nào đó của LHP danh giá này.
Chia sẻ