Mạng sống con người đáng giá bao nhiêu? Câu trả lời của một bệnh nhân ung thư hé lộ sự thật trần trụi về hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ
Claire Bushey đã kể lại câu chuyện chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình. Từ đó cô đưa ra góc nhìn mới về ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
"Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ luôn đề cao tính mạng con người và tôi biết chi phí cho mạng sống của mình là bao nhiêu".
Đó là câu khẳng định chắc nịch của Claire Bushey - một nữ phóng viên làm việc cho tờ Financial Times. Không phải bỗng dưng mà Claire đưa ra câu khẳng định về số tiền đánh đổi mạng sống của mình như vậy. Đó là sau khi cô đã trải qua một hành trình đầy gian khổ để giành giật sự sống với tử thần.
Trong một bài viết đăng tải trên tờ Financial Times ngày 14/12 mới đây, Claire Bushey đã kể lại câu chuyện chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình. Từ đó cô đưa ra góc nhìn mới về ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
"Tháng 11 năm 2021, một bác sĩ gọi điện cho tôi và nói: “Tôi xin lỗi”. Câu nói thông báo tin sét đánh sau đó đã chấm dứt chuỗi ngày khỏe mạnh an yên của tôi. Nó bất ngờ đến mức chẳng khác nào một trò đùa trong gia đình.
Tôi được chẩn đoán mắc ung thư vú ở tuổi 41.
9 tháng tiếp theo, tôi mệt nhoài với những lần chụp X-quang tuyến vú, sinh thiết, chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt bỏ khối u, và cả 6 tuần dài đằng đẵng xạ trị với tổng cộng 8 đợt hóa trị. Thực tình, có trời mới biết tôi bị lấy đi bao nhiêu máu.
Giờ đây, cơ thể tôi đã khỏe mạnh. Tôi vẫn may mắn khi còn sống để ngồi đây tính toán chi phí cho mạng sống của mình, tất nhiên là những thứ có thể đong đếm bằng tiền.
Có một thực tế rằng các vấn đề về y tế đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phá sản cá nhân ở Mỹ. May mắn thay, tôi không rơi vào hoàn cảnh đó.
1 thập kỷ trước, tôi không có bảo hiểm trong vài năm, nhưng sau đó tôi xin được công việc toàn thời gian với bảo hiểm y tế vững chắc. Thời báo Tài chính (Financial Times) cho tôi nghỉ phép có hưởng lương. Tôi được các chuyên gia lành nghề và có tâm điều trị tại một trong những bệnh viện thuộc hệ thống bệnh viện Chicago's Northwestern Medicine. Thế nên tính đến thời điểm này, tôi chỉ phải bỏ một ít tiền túi.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chi phí giữ lại mạng sống của tôi "được rẻ". Trong quá trình điều trị, công ty bảo hiểm Cigna đã trả 175.725 USD (tương đương hơn 4 tỷ đồng) chi phí cho phía bệnh viện. Còn Northwestern tính phí cho mạng sống của tôi ở mức "hào phóng" hơn 416.328 USD (hơn 9 tỷ VNĐ).
Điều này không làm "giá trị" tính mạng của tôi cao lên mà là một minh chứng nghiệt ngã về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
Trong hệ thống y tế của Mỹ, chi phí các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do chính phủ, các công ty bảo hiểm tư nhân và các cá nhân chi trả bằng tiền mặt của họ.
Theo Ge Bai, giáo sư nghiên cứu về giá chăm sóc sức khỏe tại Đại học Johns Hopkins, điều đó dẫn đến việc các bệnh nhân khác nhau phải trả những mức giá khác nhau cho cùng một phương pháp điều trị.
Các công ty bảo hiểm cho biết, họ đã phải đàm phán với các bệnh viện và bác sĩ để tính phí ít hơn. Tuy nhiên, các hệ thống y tế chất lượng cao như Northwestern lại nắm lợi thế, bởi họ thừa biết rằng chẳng ai thèm mua bảo hiểm khi các bệnh viện hàng đầu như vậy không nằm trong danh sách được trả quyền lợi.
"Chi phí chăm sóc sức khỏe thấp hơn không giúp ích gì cho công ty bảo hiểm Cigna, vì điều đó làm giảm doanh thu của họ", Bai giải thích.
Chính phủ Mỹ đã thúc đẩy sự minh bạch hơn trong việc định giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vì các nhà cung cấp dịch vụ tính phí theo nhiều kiểu khác nhau cho cùng một quy trình. Trong khi đó, các bệnh viện và bác sĩ lại từ chối cho biết bệnh nhân phải trả bao nhiêu tiền để được cung cấp dịch vụ y tế.
Trở lại câu chuyện của tôi, ngày 12/1 đầu năm nay là ngày quan trọng đối với mục tiêu tiếp tục tồn tại của tôi và cũng là một ngày "đắt giá".
Một bác sĩ phẫu thuật đã cắt bỏ một phần vú của tôi và sinh thiết một hạch bạch huyết. Vậy chi phí cắt bỏ khối u là bao nhiêu? Tôi đã nhờ sự giúp đỡ của anh bạn Bill Kampine, người đồng sáng lập của Healthcare Bluebook, một công ty ở Tennessee chuyên phân tích các yêu cầu chăm sóc sức khỏe để xác định những gì các công ty bảo hiểm đang chi trả cho các thủ tục.
Với 50 yêu cầu bồi thường mà bảo hiểm đã thanh toán, số tiền dao động cho việc cắt khối u vú là 5.473 USD (tương đương 129 triệu VNĐ) đến 39.773 USD (tương đương hơn 900 triệu VNĐ)/ca. Trung bình là 15.176 USD (tương đương 358 triệu VNĐ)/ca.
Kampine xem qua các hóa đơn của tôi, và sau khi loại bỏ các báo cáo bệnh lý, vốn không dễ so sánh, đã kết luận rằng ca phẫu thuật của tôi tốn khoảng 30.000 USD (khoảng 708 triệu đồng). Hóa đơn bao gồm khoản phí 141 USD cho một lần thử thai trước phẫu thuật. Đó là chi phí "khủng" nếu so với các phương pháp thử thai được bán ở mọi hiệu thuốc trên phố.
Tôi vô cùng biết ơn về sự chăm sóc mà tôi đã nhận được. Bác sĩ phẫu thuật cho tôi thậm chí là người được xếp hạng chất lượng hàng đầu của Healthcare Bluebook. Và không ai lấy của tôi 30.000 USD.
Vậy tại sao những điều này lại quan trọng? Bởi vì, người sử dụng lao động và ngày càng nhiều người lao động phải trả các chi phí này thông qua phí bảo hiểm ngày càng tăng. Thực tế thì chẳng ai biết dịch vụ nào giá bao nhiêu và đó chính xác là điều dẫn tới những chi phí khủng khiếp như thế.
Với giá 175.725 USD (tương đương hơn 4 tỷ đồng), mạng sống của tôi có được định giá quá cao không?".
"Tôi sẽ phải viết bao nhiêu cuốn sách, để đền đáp thế giới cho sự tồn tại của mình?", đó là câu hỏi nhà thơ Anne Boyer đặt ra trong tác phẩm "The Undying". "Nếu tôi tính toán chi phí cho mỗi hơi thở của mình sau căn bệnh ung thư này, thì tôi nên thở ra những lựa chọn về cổ phiếu".
Một từ khác để chỉ cái giá của mạng sống là "giá chuộc". Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, tôi giống như là một người may mắn thành công. Ngoài kia, còn rất nhiều người không được tiếp cận những dịch vụ mà tôi đã được hưởng".
Nguồn: Financial Times