Mang họa vì làm đẹp móng

,
Chia sẻ

Sau gần một năm thường xuyên sơn móng tay, chân, chị Lan Anh hốt hoảng khi phát hiện trên móng có nhiều chấm trắng đục, đổi từ màu hồng nhẹ sang vàng ố và trốc từng mảng vụn.

Chìa bàn tay với ngón gãy móng, ngón cắt sát vào da, chị Lan Anh chau mày nói, gần năm nay cứ cuối tuần, chị đều ra tiệm cắt bớt da dư, sơn móng để giảm stresss và kết hợp dễ dàng với trang phục. Anh xã chị là “dân hóa chất” nên thường xuyên nhắc nhở mùi sơn dù thơm hay không đều độc hại nhưng chị vẫn thích sơn móng tay để nhìn không đơn điệu.

Chị kể, thời gian đầu chị có để ý thấy nước rửa móng tay (axiton) ngoài nhiệm vụ làm sạch màu sơn còn làm cho móng khi khô, không bóng, mịn nhưng chị nghĩ đó là tác dụng tức thời của nước rửa, sơn màu lên sẽ nhanh chóng hết khô móng. Qua thời gian dài sử dụng, móng của chị bị đã trắng đục, ố vàng và trốc từng mảng nát vụn. Chị cũng không dưỡng được móng dài như trước, phải cắt ngắn vì móng rất mềm và dễ gãy.

Ngoài ra, khi làm móng ngoài tiệm chị cũng bị nhân viên cắt móng lấy khóe sâu khiến chân chị bị nhiễm trùng, sưng tấy không đi lại được, chị phải đi bệnh viện khám, mua thuốc giảm đau để uống. "Nhưng làm đẹp là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống, chị đã tự sắm cho mình kềm mang ra tiệm để tiếp tục ‘sự nghiệp’", Lan Anh dí dỏm nói.

Còn cô sinh viên năm thứ 2 Đại học Tự nhiên, TP HCM, Như Ý vừa đưa nguyên bàn tay, chân loang lổ vết màu chưa được rửa sạch, vừa chậc lưỡi than thở: “Chị xem này, sau nửa năm liên tục sơn móng tay, chân, màu sơn ‘giết’ trọn bộ ‘nanh vuốt’ của em rồi”.
 

Ý nói, sinh viên không có nhiều tiền để ra tiệm chăm sóc móng hàng tuần nên mua kềm, màu sơn, axiton về nhà “tự xử”. Cô thấy mùi nước sơn thơm nên sau khi tay khô hay đưa lên mũi ngửi. Và bây giờ, cô đã có thói quen thích ngửi mùi nước sơn và bị “nghiện” sơn móng tay.

“Ngoài móng tay bắt đầu chuyển sang màu vàng thì tôi thấy hơi đau đầu, khó thở nếu ngửi liên tục mùi sơn, axiton”, Ý khẳng định.

Chị Thu Trang, chủ tiệm Nail tại quận 5, TP HCM tâm sự: “Ban đầu học nghề, tiếp xúc với mùi nước sơn và axiton tôi cảm thấy rất khó chịu. Có lần tôi còn bị nôn sau khi sơn xong cho khách. Dùng nước sơn và axiton nhiều năm nên móng của tôi cũng bị ố vàng, các móng dài ra thường bị mềm, gãy. Và tôi thường dùng móng tay để gội đầu cho khách, móng không cứng, khỏe khiến tôi vài lần bị móng tách ra khỏi thịt, tứa máu rất đau”.

Chị bộc bạch, "tôi biết các chai nước sơn thường không có nhãn hiệu rõ ràng, nếu tiếp xúc lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến móng và sức khỏe. Nhưng đó là kế sinh nhai, tôi không bỏ được".

Theo bác sĩ Huỳnh Thu Cúc, Bệnh viện Da liễu TP HCM, một bộ móng khỏe mạnh, bình thường nhìn bóng, phía góc dưới hơi đục, càng ra phía ngoài càng trong. Trên móng, có những rãnh dọc mịn, nhìn xuyên qua móng thấy có màu đỏ hồng (do mạch máu phía dưới nuôi dưỡng).

Hiện nay, nhiều hãng sản xuất nước sơn không ghi thành phần trên nhãn mác nên người thường xuyên sơn móng tay và thợ làm móng là hai đối tượng có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại gọi là DBP cao nhất. Móng có khả năng thấm hút rất tốt, các chất bôi lên móng hoàn toàn có thể dễ dàng ngấm vào máu. Và mỗi lần sơn móng chúng ta đều phải sử dụng một số hóa chất để tẩy bỏ lớp sơn cũ trước khi sơn lớp mới, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch, tổn thương gan và đường tiêu hóa, tổn thương da.

"Nguy hiểm nhất là khi đi làm móng ngoài tiệm cũng có nghĩa phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm HIV khi dùng chung dụng cụ giũa, cắt, sơn móng không được khử trùng", bác sĩ nói.

Bác sĩ cho biết thêm, khi sơn hoặc tẩy sơn móng, các chị em nên làm ở chỗ rộng rãi, thoáng gió để hạn chế việc hít phải các hợp chất hữu cơ bay hơi. Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu sơn liên tục để giảm bớt thời gian tiếp xúc với hóa chất độc hại. Thợ làm móng nên dùng khẩu trang, găng tay mỏng khi tiếp xúc với thuốc sơn, không làm dây ra da mình và da khách hàng. Sau khi xong việc, cả hai người cần làm sạch tay chân ngay.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ