Mang họa vì cấy tế bào gốc?
Sau khi được giới thiệu về phương pháp cấy tế bào gốc chữa được các bệnh hiểm nghèo từ một người quen, ông Dương Minh Đức, 55 tuổi ở quận Tân Phú, TPHCM cùng một số người thân ở Hà Nội đến phòng mạch để cấy với hy vọng bệnh của mình sẽ được “tận diệt”. Tuy nhiên, tiền mất nhưng tật vẫn mang.
Hoại tử vì trị tiểu đường bằng... tế bào gốc
Chứng bệnh tiểu đường hành hạ ông Đức 15 năm qua. Tháng 1/2015, y sĩ tên Ngà, giới thiệu ông Đức đến gặp bác sĩ Ciro Gargiul, quốc tịch Ý và bà Nguyễn Cao Diễm Kiều, đại diện cho Phòng khám đa khoa Bác Ái trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 để trị bệnh.
“Ông Ciro Gargiul và bà Kiều lúc này giới thiệu cho tôi phương pháp chữa trị tiểu đường bằng cấy tế bào gốc với cam kết lành bệnh 100%”- ông Đức nhớ lại. Theo ông Đức chi phí mà phòng khám đưa ra cho gói cấy tế bào gốc là 130 triệu đồng, tuy nhiên sau đó ông đã thỏa thuận còn 100 triệu đồng và được bác sĩ Ciro cùng bà Kiều đồng ý. Ngày 7/1, ông Đức đóng trước 50 triệu đồng và bắt đầu hành trình cấy tế bào gốc.
“Sau một tháng truyền dịch nâng cao thể trạng, ông Ciro bắt đầu thực hiện cấy hoóc môn lần 1 cho tôi, rồi đến cấy tế bào gốc 10 lần”- ông Đức kể lại.
Hôm qua 15/10 ông Dương Minh Đức cho biết đã gửi đơn
tố cáo bà Nguyễn Cao Diễm Kiều và ông Ciro đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công
an quận 10 sau khi phòng khám này điều trị gây ra tai biến cho mình. |
“Công nghệ” chữa bệnh được ông Ciro thực hiện bằng cách rút 35ml máu trong người ông Đức, sau đó đưa cho nhân viên phòng khám chuyển mẫu máu sang Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Nam Khoa ở trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 để nuôi tế bào. 3 ngày sau tế bào phát triển, nhân viên mang về Phòng khám đa khoa Bác Ái để ông Ciro cấy trở lại cơ thể của ông Đức.
Theo ông Đức, 3 tháng thực hiện chữa trị bằng cấy tế bào gốc lượng đường trong máu không giảm mà còn tăng vọt. Hồ sơ bệnh án cho thấy chỉ số HbA1C của ông Đức từ 6.1 tăng lên 6.3.
Chưa dừng lại đó, ngày 1/6, ông Đức phát hiện ngón tay và 2 bàn chân phải của mình phồng rộp, sưng to kèm đỏ bầm. Lo sợ tai biến nên một ngày sau, người này đến Phòng khám đa khoa Bác Ái kiểm tra. Tại đây, bác sĩ Trần Thiện Định của phòng khám chẩn đoán ông Đức bị biến chứng của tiểu đường. Trong khi đó, bà Kiều và ông Ciro cho rằng ông Đức bị như trên là do đi bơi bị nhiễm trùng và đi giày chật nên chân mới vậy?!
“Do họ không thừa nhận nên tôi tiếp tục thăm khám một bác sĩ chuyên khoa ở Nội tiết ĐH Y Dược TPHCM và họ cũng khẳng định tôi bị biến chứng tiểu đường do để lượng đường trong máu quá cao”- ông Đức cho hay. Ngày 17/6, không còn chịu đựng được sự đau đớn, ông Đức được đưa vào BV Nhân dân 115 kiểm tra và phải nhập viện theo dõi vì hoại tử các đầu ngón 1-2 chân phải.
Tiền mất bệnh vẫn... hoàn bệnh
Ông Đức không phải là “nạn nhân” duy nhất của phòng khám này. Từ tháng 4/2015, hai người thân của ông Đức là Bạch Thế Dũng và Dương Thị Thanh Hương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bay vào Sài Gòn diện kiến bác sĩ Ciro và bà Kiều để được điều trị bằng cấy tế bào gốc. Ông Dũng cho biết mình bị bệnh thoái hóa khớp, vẩy nến và parkinson trong khi bà Hương chỉ bị chứng mất ngủ. Tuy nhiên, sau khi nghe quảng cáo chữa khỏi 80-90% bằng phương pháp cấy tế bào gốc nên cả hai đã đồng ý điều trị. Dù là các bệnh khác nhau nhưng cả ông Dũng và bà Hương đều được cấy tế bào gốc với tổng chi phí hai người 220 triệu đồng. Số tiền này cả hai đã chuyển vào tài khoản cho bà Kiều.
Theo nhật ký chữa bệnh bằng tế bào gốc mà ông Dũng với bà Hương ghi lại thì họ được thực hiện lấy máu nuôi tế bào gốc và cấy tế bào gốc vào cơ thể hôm 29/4. “Ông Ciro tiêm 4 mũi vào 2 khớp ở chân trái và phải. Dù rất đau nhưng tôi vẫn cố chịu vì đau khớp quá, tập đi bộ cũng không được”- ông Dũng kể.
Hành trình chữa bệnh bằng truyền dịch bổ não, sau đó lấy máu để làm tế bào gốc rồi tiêm vào khớp gối đến hai tháng. Trải qua bao đau đớn với việc lấy máu, tiêm tế bào gốc nhưng sau hai tháng điều trị bệnh tình của ông Dũng không giảm, thậm chí còn nặng hơn, chân khớp vẫn đau, tay vẫn run, vẩy nến vẫn còn. Còn bà Hương thì chứng mất ngủ cũng không được cải thiện nên sau đó phòng khám này trả lại 70% số tiền bà Hương đóng. “Riêng 100 triệu đồng phí cấy tế bào gốc trị khớp gối, vẩy nến và parkinson của tôi họ giảm 50%”- ông Dũng cho hay.
Phòng khám đa khoa Bác Ái nơi nhiều bệnh nhân phản ánh điều trị cấy tế bào gốc chui. Ảnh: L.N.
Không có giấy phép hoạt động cấy tế bào gốc
Theo điều tra của Tiền Phong , ngày 14/8/2014 Phòng khám đa khoa Bác Ái được Sở Y tế TPHCM cấp phép hoạt động khám chữa bệnh với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bác sĩ Nguyễn Thị An Khánh. Theo giấy phép, phòng khám này tuyệt nhiên không được cấp phép cấy tế bào gốc cũng như tư vấn về vấn đề này.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, luật sư Trọng Hải, đại diện pháp lý cho Phòng khám đa khoa Bác Ái thừa nhận có điều trị bệnh cho ông Đức cùng các bệnh nhân trên, tuy nhiên ông Hải phủ nhận việc họ được điều trị bằng phương pháp cấy tế bào gốc. “Tôi đã coi hồ sơ và không có việc ông Đức bị tai biến, do ông đi bơi nên chân vướng vào đâu đó và do trước đó ông này bị tiểu đường rồi. Còn phía ông Ciro và bà Kiều khẳng định không điều trị tế bào gốc cho ông Đức, họ chỉ truyền dịch và bơm một loại thuốc bổ dạng đỏ như máu thôi”- luật sư Hải lý giải.
Tuy nhiên, những bệnh nhân phản ánh ở trên đều khẳng định họ được tư vấn và thực hiện cấy tế bào gốc ở phòng khám này. Ngoài các giấy tờ chứng minh mình được điều trị bằng phương pháp này tại phòng khám, ông Đức còn đưa ra hàng loạt hình ảnh, ông Ciro và nhân viên phòng khám đang thực hiện các thủ thuật cấy tế bào gốc cho bệnh nhân.
Điều đáng nói, dù phía phòng khám phủ nhận làm “chui” cấy tế bào gốc nhưng ngày 1/7/2015, sau khi bị tai biến, ông Đức đã cùng Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng ghi nhận trên wesite: phongkhambacai.com quảng cáo việc cấy tế bào gốc, thậm chí trên trang web của phòng khám còn có video về việc thực hiện thủ thuật này. Khi được hỏi về việc ông Ciro quốc tịch Ý đang khám chữa bệnh tại phòng khám này, luật sư Hải cho biết người này có giấy phép hành nghề y do Bộ Y tế Việt Nam cấp.